Home » Phong-cách
Những đứa con xa phương xót lòng nhớ quê hậu siêu bão
Cơn bão Wutip qua đi không chỉ để lại chất chồng nỗi lo cơm áo gạo tiền cho người dân miền Trung mà còn là “lưỡi dao” cứa vào trái tim của những người con miền Trung ở phương xa.
6 năm kể từ ngày bão Xangsan đổ bộ vào miền Trung tháng 09/2006, bão Wutip được xem là siêu bão với sức tàn phá khủng khiếp và cũng là lần đầu tiên, cơ quan khí tượng thủy văn “phá luật”, sử dụng khái niệm cấp 13 để nói về sức gió của bão. Miền Trung sáu năm trước, tan hoang, tiêu điều, nhiều người rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, hàng chục người chết… - những hình ảnh đầy ám ảnh khiến người ta sợ đến mức không muốn nhắc lại tên cơn bão về sau này.
Tháng 09/2013, lịch sử lặp lại với siêu bão Wutip – miền Trung lại oằn mình chống bão, người dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh… đối mặt với cơn bão có cường độ gió được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Những hình ảnh hoang tàn cùng con số người chết, mất tích, bị thương được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin khiến những người con xa quê thêm đau đớn, đắng lòng.
Nhớ quê, lòng thoắt lại và không khỏi xót xa…
“Hình ảnh gói mì tôm đã quá quen thuộc với sinh viên như tôi, cứ bảo ăn mì là khổ nhưng giờ này bà con ở quê tôi chưa chắc gì đã có may mắn được cầm gói mì tôm trên tay. Trong những ngày bão vào, tôi không thể nào liên lạc được về nhà, sau hai ngày bão vào bây giờ tôi mới gọi được cho mẹ, nghe giọng mẹ đứt quãng: “Bão to quá, nhà mình trốc hết mái rồi con à, con lợn nái hôm con về đang có bầu đấy, hôm bão vô gió to quá, trốc mái chuồng lợn, ướt và lạnh nên nó chết rồi, lấy chi mà nuôi 2 anh em bây ăn học đây?” Nghe mẹ nói mà nước mắt tôi tự nhiên chảy ra…” – nhớ quê, bạn Ngọc (một người con Quảng Bình hiện đang học tập tại Hà Nội) lau vội nước mắt.
Bạn Trần Doãn Dật, quê Nghệ An buồn rầu kể: “Chiều nay nghe tin bão vô, lòng tôi lo lắm! Những câu hỏi cứ thế hiện lên trong đầu: Năm nay bão có cuốn góc bếp ấy không? Chỉ có mẹ ở nhà chịu cảnh bão lũ, không biết mẹ có làm sao không? Tôi nhớ lại cảnh mẹ con tôi từng phải cuốn chiếu, ôm can lo buộc vào chiếc thúng to cho tôi ngồi vào đó mỗi đợt bão vô. Thương mẹ, mà bất lực không làm được gì, chỉ biết cố giấu trong lòng”.
Xa quê, mỗi lần bão đổ bộ những người con chỉ có thể gọi điện hỏi thăm để nắm tình hình, giấc ngủ cũng không còn trọn vẹn, mỗi lần có cơn gió bất chợt lùa qua là chập chờn lo lắng. Kí ức về những ngày cùng ba mẹ chống bão lại hiện về, hình ảnh gia đình quây quần bên mâm cơm với ánh đèn dầu yếu ớt vì mất điện, với tô canh mì tôm ăn cho qua bữa lại trỗi dậy. Có thứ gì đó như đang cắt xé trong lòng!

“Nghe tin bão đổ bộ thẳng vào Quảng Bình, mình lập tức gọi điện cho gia đình, nhưng không được vì ở quê đang mất điện và mất luôn cả sóng điện thoại. Mình phải gọi hơn 10 cuộc điện thoại mới kết nối được với bố để hỏi tình hình bão ở quê thế nào, có bị thiệt hại nhiều không. Nhiều nhà xung quanh nhà mình đều bị tốc mái, bay ngói. Vùng quê mình đã nghèo rồi còn quanh năm phải oằn mình chống chọi lại thiên tai, nghĩ là thương xót lắm!” – Hà Nho (quê Quảng Bình) hiện đang làm việc tại Hà Nội đắng lòng kể.
Chị Khánh Hồng (quê Nghệ An), đang công tác tại Đà Nẵng không giấu được tâm trạng bất an: “Mỗi lần nghe tin về là tôi lại lo lắng, không biết mẹ ở nhà có bị sao không? Bố tôi mất rồi chỉ còn mình mẹ ở nhà, vì điều kiện tôi phải đi làm xa quê, xa mẹ. Gọi điện về nhà, mẹ bảo rằng chưa năm nào nước ngập cao thế, đồng ruộng trắng hết, lo càng thêm lo…”
“Tôi còn nhớ trận lũ lịch sử cách đây rất lâu, khi tôi còn rất nhỏ, nhà tôi nói riêng và mọi người dân miền Trung phải leo lên nóc nhà để tránh. Nước càng lúc càng to, ăn mì tôm sống cứu trợ không nước uống, hết lũ người thì bị mẩn ngứa, nhà thì lúa ngập hết, nhà nào cũng đói. Lũ rút kéo theo đó là sự khó khăn về vật chất tiền bạc. Không biết đời người miền Trung biết bao giờ mới hết cái cảnh nuốt vội bát cơm chạy lũ, leo lên nóc nhà ngồi đợi nước lũ rút… đau thương nối đau thương!” – bạn Đoàn Hữu Dánh (một người con quê Hà Tĩnh) bộc bạch.
Bão về, những người con miền Trung xa phương trằn trọc, lo sợ. Ở đâu đó, sẽ có người giật mình giữa đêm với hai dòng nước mắt lăn dài trên má…
Các tin khác
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét