Mùa thi của học sinh sinh viên và những "dịch vụ" có một không hai

Mùa thi của học sinh sinh viên kéo theo rất nhiều "dịch vụ" có một không hai như: làm tiểu luận thuê, thi hộ, nhắc bài thuê...

Làm tiểu luận thuê

Rất nhiều trường đại học, cao đẳng yêu cầu sinh viên làm tiểu luận về một vấn đề liên quan đến môn học trong kỳ thi hết học phần. Tiểu luận nhằm giúp sinh viên nâng cao khả năng suy luận, tư duy, lẫn tìm tòi, đọc hiểu các tài liệu. Tuy nhiên với nhiều sinh viên, đây lại là lỗ hổng để họ có thể tìm cách gian lận một cách dễ dàng và “không dấu vết”. Sẵn tâm lý muốn được điểm cao, nhiều sinh viên đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền từ 200-300 ngàn để có được một tiểu luận ưng ý mà không cần bỏ một chút công sức nào.

Trên Facebook dịch vụ... hằng ngày có hàng trăm lượt sinh viên tìm kiếm các sinh viên khác làm tiểu luận thuê cho mình với mức giá rất hấp dẫn.


Thi hộ

Nhiều sinh viên đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi hết học phần để thuê những bạn sinh viên khác vào thi những môn mà mình “không tự tin lắm”. Với mức giá từ 300-500 ngàn, nhiều sinh viên đã có thể thuê một sinh viên khác có học lực khá hơn để có được số điểm ưng ý. Thi hộ mang lại khá nhiều vấn đề cho chả người thuê và cả người đi thi hộ: như người đi thi hộ không làm được bài, bị giám thị phát hiện... Tuy nhiên, dịch vụ này ngày một nở rộ và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Gia sư cấp tốc

Với nhiều môn học, khi không thể tự ôn thi vào thời điểm cuối kỳ, nhiều sinh viên đã tìm những bạn sinh viên giỏi trong trường và nhờ gia sư cấp tốc với mức giá cả khoảng 200 ngàn 1 buổi. Chỉ sau vào buổi với sự giúp đỡ của những sinh viên giỏi, nhiều sinh viên có thể tự tin hơn khi bước vào phòng thi với môn thi hết học phần đầy căng thẳng.


Nhắc bài thuê

Đây là một trong những tiểu xảo mà nhiều sinh viên đã thực hiện trót lọt trong phòng thi. Ngày nay, với sự giúp sức của công nghệ và mạng xã hội, nhiều sinh viên đã có thể chụp ảnh đề thi và gửi ra ngoài để “cầu cứu” những bạn sinh viên ở ngoài với mức tiền từ 200 ngàn. Một số sinh viên khác đã lợi dụng những lỗ hổng trong công tác coi thi để gian lận bằng cách đeo tai nghe và nhờ những sinh viên bên ngoài nhắc bài với giá cả rất mềm.

Mỗi mùa thi không chỉ là mùa để thử thách kiến thức, độ bền, sự quyết tâm của mỗi sinh viên, mà còn là mùa để thử thách đạo đức và lòng tự trọng của họ.

Đại học liệu có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công

Đại học không chỉ là con đường duy nhất để thành công. Có thể với một số người đại học là con đường hiển nhiên phải đi qua nhưng với một số những người khác thì còn rất nhiều con đường khác dẫn đến thành công mà không nhất thiêt phải vào Đại học.

Triết lý sống của mình là việc gì thì cũng luôn nhìn vào hai mặt của nó. Và đó là cách mình nhìn nhận đối với kì thi Đại học sắp tới. Có 2 kết quả: Một là đỗ Đại học. Khả năng đỗ Đại học của mình cũng không cao lắm, chỉ khoảng 50%, và kể cả có trượt Đại học, mình cũng không phải sợ vì mình sẽ học Trung cấp và đó là điều chắc chắn. Hai là trượt Đại học, tất nhiên là cũng tầm 50%. Mình không hề chui đầu vào sách vở, học ngày học đêm hay "xé sách ra ăn để kiến thức chui vào người" như các bạn khác. Mình không có ý chê bai hay khinh thường các bạn ấy, ngược lại mình còn rất ngưỡng mộ các bạn vì có ý chí học tập và định hướng tương lai tốt. Nhưng với mình, học một cách vừa đủ, đi học thêm thì vẫn đi, học bài thì vẫn học bài, chỉ là mình không dành nhiều thời gian như các bạn, có khi chưa đến nửa số thời gian học các bạn khác.

Ôn thi Đại học như chơi vậy, ngồi lướt web, chơi game, xem phim... như bình thường. Để nói thật thì mình muốn trượt Đại học hơn. Và các bạn đừng nghĩ bố mẹ mình thoải mái, nếu mình trượt Đại học thì bố mẹ mình sẽ giết chết luôn, không đùa đâu mà giết thật. Mình có một người chị và chị ấy đã trượt Đại học. Thế nên mình đã được chứng kiến hết tâm trạng của một người trượt Đại học là như thế nào. Chán nản, buồn bã, bị bố mẹ mắng chửi, và có lúc đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng chị ấy đã đứng lên và giờ đây đã có cuộc sống cho riêng mình. Và bây giờ đã đến lượt mình.


Khi cầm tờ giấy đăng kí Đại học, mình đã rất sợ hãi. Không phải vì không biết chọn trường gì mà vì mình không thể chọn trường mà mình mong muốn. Mình đã thẳng thắn nói mình muốn học trường gì, nhưng bố mẹ chỉ cười và nói rằng: "Ra chẳng có việc làm đâu". Và thế là bố mẹ mình đã tự ý đăng kí trường cho mình, và mình cũng không nói gì, vì tin vào bố mẹ.

Nhưng khi kì thi Đại Học càng đến gần, mình nhận ra rằng để cho bố mẹ quyết định cho mình là một điều sai lầm. Nhưng giờ thì đã quá muộn, trường thì cũng đã đăng kí rồi. Mình tự an ủi bản thân: "Thôi học 4 năm cho xong đi rồi ra trường mình có thể làm mọi điều mình muốn". Nhưng khi đọc bài của mấy anh chị ra trường nói rằng: "Đã quá mệt mỏi theo đuổi giấc mơ, muốn nhanh chóng một cuộc sống ổn định", mình lại rất sợ hãi, liệu tương lai của mình có giống như anh chị kia? Thế nên mình nghĩ rằng mình muốn trượt Đại học và năm sau thi lại trường mình muốn.

Khi mình kể với bạn bè, bọn bạn bảo: "Mày ngu thế, không thương bố mẹ à?", "Ra có việc làm ổn định hay mày thích làm bụi đời?", "Đỗ đại học đi cho bố mẹ vui lòng"... Thi là để cho bố mẹ, sống thế nào cho bố mẹ hài lòng? Mình thấy điều đó thật sai lầm. Cuộc sống là do chính mình quyết định, tại sao phải sống vì người khác? Mình có một ước mơ của riêng mình, nhưng nếu học trường mà bố mẹ mình mong muốn, mình sẽ phải ở nội trú và sẽ không được theo đuổi giấc mơ của mình một cách trọn vẹn. Mặc dù là rất khó khăn, nhưng mình vẫn muốn trượt Đại học hơn.

Tất nhiên một phần mình vẫn muốn đỗ đại học. Làm bố mẹ vui lòng, có cơ hội có công việc ổn định..., ai mà không thích. Nhưng không được làm những điều mình muốn thì thật đáng sợ. Rồi mình sợ một ngày mình sẽ nhụt chí, không còn sức lực theo đuổi điều mình muốn, trở thành một con người máy của xã hội và sống quãng đời còn lại chỉ để chờ chết.


Lý do mình viết bài này không phải để xin lời khuyên hay thăm dò ý kiến ở mục bình luận. Dù cuộc sống có rẽ theo hướng nào, mình cũng luôn biết mình sẽ đi về đâu. Mình viết bài này để chứng minh rằng việc trượt Đại học không phải là điều tồi tệ. Vì thế, các bạn đừng sợ và hoảng loạn như vậy. Chúng ta không bao giờ biết cuộc sống tương lai sẽ như thế nào, nhưng hãy tin rằng điều gì xảy đến với bạn đều có lý do của nó. Có thể bạn không đỗ Đại học, nhưng bạn lại có thể trở thành tỷ phú hay diễn viên điện ảnh... Điều mình muốn nói là hãy thực sự theo đuổi những gì bạn tin tưởng, đừng để người khác làm bạn nghĩ khác. Mặc dù các bạn có thể nghĩ rằng việc mình cố tình (hay vô tình) trượt Đại học là một điều ngu ngốc, nhưng mình thực sự tin rằng mình tốt đẹp hơn con đường mà bố mẹ mình đã đặt ra và có đủ khả năng để theo đuổi đến cùng điều mình muốn.

Mình viết bài bày còn để động viên những bạn cũng đang chuẩn bị bước vào kì thi căng thẳng. Bạn chỉ thành công nếu bạn tự tin vào chính mình, còn nếu bạn đang lo sợ, thắc mắc hay hoảng loạn vì sợ trượt Đại học, bạn luôn luôn có thể thi lại. Mình biết rằng học lại một năm nữa sẽ rất khổ vì cuộc đời con người rất ngắn, nhưng không ngắn đến vậy đâu. Bạn có thể dùng một năm ấy để định hướng lại cuộc đời mình, tự hỏi rằng mình thực sự muốn những gì và muốn làm gì, luôn luôn nhìn vào sự tích cực. Chúc các bạn thành công.

Những ý kiến giúp các sĩ tử chọn ngành thi phù hợp


Mùa thi đại học lại sắp đến và giờ này các sĩ tử đang vô cùng lo lắng để chọn ngành học, trường học phù hợp với mình. Việc chọn ngành, chọn trường là rất quan trọng và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì vậy các sĩ tử cần có những lời khuyên cần thiết nhất.

Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự lựa chọn của các bạn như: sở thích, khả năng bản thân và hoàn cảnh mỗi bạn một khác... Nên để chọn được ngành đúng với bạn quả là không dễ.
Vậy là một mùa tuyển sinh nữa sắp khởi động. Đầu tháng ba hàng năm, các trường THPT bắt đầu triển khai làm hồ sơ dự tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Lúc này, có không ít các bạn đã được gia đình và người thân định hướng cho mình một nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết các bạn học sinh cuối cấp THPT đang lăn tăn, suy nghĩ chọn cho mình một ngành phù hợp với sở thích và năng lực trước ngã rẽ của cuộc đời. Có rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự lựa chọn của các bạn như: sở thích, khả năng bản thân và hoàn cảnh mỗi bạn một khác... Vậy làm thế nào để giúp các bạn sáng suốt và tự tin hơn khi chọn cho mình một ngành phù hợp, dưới đây là một số tham khảo để bạn có cái nhìn tổng quan hơn.

1. Kết quả sau khi được đào tạo

Trước hết là bạn phải hiểu rõ là các nhóm ngành, nghề khác nhau sau khi đào tạo bạn sẽ làm gì.

Có không ít các bạn chọn cho mình một sự lựa chọn theo phong trào và ngẫu hứng để rồi sau đó nhận ra nó chẳng có gì phù hợp với mình và đánh mất đi một thời gian với nó. Để hiểu rõ hơn về các nhóm ngành này, các bạn nên tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước. Và nếu có thể bạn nên tham khảo các anh chị đã tốt nghiệp và đi làm bởi họ có kinh nghiệm, cái nhìn chính xác và tổng quan hơn về ngành nghề mà bạn đang dự định.


2. Khả năng thực tế và sở thích cá nhân

Sau khi đã tìm hiểu kỹ các nhóm ngành mà bạn quan tâm, đến lúc bạn xem lại mình có những sở thích và khả năng như thế nào để được các anh chị tư vấn cho phù hợp. Thực tế bản thân hồi cấp 3 cho thấy, có không ít các bạn đăng ký theo trào lưu và danh tiếng. Và kết quả sau khi ra trường, có không ít các bạn vật lộn để tìm được một công việc thích hợp. Còn quá sớm để đánh giá những người sau khi ra trường. Tuy nhiên, đó cũng là một nền móng tốt cho thành công của bạn trong tương lai nếu bạn bắt nhịp tốt với cơ hội và ngành nghề mình được học sau khi ra trường.

3. Trường công hoặc trường tư?

Đừng quá quan tâm đến danh tiếng và sự phân biệt giữa trường công và trường tư. Một phần vì hầu hết các bạn chưa được tiếp xúc với xã hội và trải nghiệm trong khi học và sau khi ra trường. Xu hướng chung của các cơ sở tuyển dụng trong và ngoài nước hiện nay là đánh giá năng lực cá nhân mà không quá quan trọng với bằng cấp hào nhoáng mà bạn có. Vậy nên các bạn cũng đã từng nghe trên đài báo, truyền hình, không ít người có bằng Thạc sĩ mà vẫn thất nghiệp. Hơn nữa, quá trình học tập trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, giáo viên chỉ là người mang tính định hướng và giải đáp. Vì vậy, cả quá trình học tập nghiên cứu của bạn là phần lớn do tự học và tự nghiên cứu. Do đó, tùy điều kiện và khả năng bản thân; các bạn cứ vô tư chọn cho mình một trường nào đó có ngành mình dự định.

4. Chiều con đường khác nhau dẫn đến thành công

Vì thế các bạn cứ vô tư dù kết quả thi tuyển của mình, cố gắng là không quá bê bết và dưới điểm sàn để không có cơ hội lựa chọn vào trường khác. Như trên đã nói, học trường nào không quan trọng mà quan trọng là bạn học như thế nào. Vì thế, giai đoạn nước rút này các bạn nên thoải mái tư tưởng. Đó cũng là một lý do để bạn đạt được kết quả cao nhất có thể.

Bill Gates, Steve Jobs… từng bỏ học để theo đuổi đam mê của mình và đạt được sự vĩ đại trong sự nghiệp. Vì thế, Đại học hay Cao đẳng không phải là tất cả. Chỉ cần bạn tìm được đam mê và tích cực, năng động theo đuổi nó, nhất định thành công sẽ đến với bạn.

Những điều cần biết đối với sĩ tử thi đại học lần 2

Một lần vấp ngã không có nghĩa là bạn đã bỏ cuộc, năm ngoái bị trượt đại học, bị trượt ngôi trường mà mình hằng mơ ước thì năm nay bạn hãy cứ tự tin ôn và thi lại, có công mài sắt ắt có ngày nên kim.

Chỉ còn vài tháng nữa kì thi đại học sẽ diễn ra. Ngoài những tân thí sinh chưa tốt nghiệp thì còn các sĩ tử "lão làng" của năm trước đang hồi hộp chờ đợi sự kiện trọng đại này.
Những bạn chuẩn bị thi đại học lần hai có lợi thế về kinh nghiệm và khối lượng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cạnh tranh lớn như thế này các bạn cần thận trọng thì mới có thể thành công.

Chọn trường dự thi

Hãy điền tên ngôi trường bạn mơ ước được theo học vào bản đăng kí dự thi. Điền ngành phù hợp với nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Bạn cũng cần để ý đến điều kiện dự thi và theo học của trường xem có phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân hay không.

Bạn đã chậm mất một năm so với bạn bè cùng trang lứa, vì vậy hãy đảm bảo rằng sự lựa chọn của bạn là đúng đắn. Thời gian và sức lực của bạn cần được đầu tư đúng chỗ.


Học những kiến thức căn bản

Lợi thế của bạn so với tân thí sinh đó là đã được học kiến thức căn bản từ trước, vì vậy bạn cần tận dụng điều đó cho hiệu quả. Thay vì điên cuồng giải thật nhiều đề thi, các dạng bài tập khó, thì bạn hãy củng cố kiến thức cơ bản thật tốt. Ở lần thi trước bạn mắc phải sai lầm gì? Phần kiến thức nào bạn còn thiếu sót?... Hãy bổ sung ngay lập tức để không phạm sai lầm lần thứ hai.

Bạn nên nhớ rằng, đề thi đại học có tới 70% là kiến thức cơ bản, ôn tập những kiến thức này là điều kiện tiên quyết giúp bạn thành công.

Giữ tâm lý thoải mái

Tâm lý bất an chính là điểm yếu của những sĩ tử thi đại học lần thứ hai, vì vậy giữ tâm lý được thoải mái trước kì thi cũng là điều quan trọng bạn cần làm.

Thay vì ngồi lo lắng "năm nay mình lại trượt" hay "mình chưa đủ khả năng để thi vào trường đã đăng kí" thì bạn nên toàn tâm toàn ý dành thời gian cho việc ôn luyện.

Bạn cũng đừng để những vấn đề như tình yêu, việc gia đình,… chuyện riêng tư khác làm ảnh hưởng. Với cùng sức học nhưng người nào có tâm lý vững hơn sẽ dành chiến thắng.

Bạn nên bắt đầu ôn luyện từ sớm, đừng đợi “nước đến chân mới nhảy”. Kiến thức vững chắc cần có một khoảng thời gian nhất định để hình thành. Tuy nhiên bạn cũng đừng vùi đầu vào học mà hãy sắp xếp khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể không bị mệt mỏi, stress… Bạn hoàn toàn có thể đi dạo vào buổi sáng, đi chơi với bạn bè vào cuối tuần, ngủ đủ giấc và trò chuyện cùng mọi người. Đây là cách giúp bạn giữ tâm lý thoải mái để đối mặt với thử thách trước mắt.

Càng gần đến ngày thi, bạn càng phải giữ gìn sức khỏe và tinh thần. Nếu bạn ngủ ít, ăn uống thất thường, lo lắng, căng thẳng thì sẽ không đủ sức chống chọi với kì thi đâu.

Cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên

Năm nay, thông tin tuyển sinh thay đổi liên tục khiến nhiều bạn hoang mang và lo lắng. Bạn cần cập nhật thông tin thường xuyên để chuẩn bị cho kì thi diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên cũng đừng quá hoang mang mỗi khi thông tin thay đổi, “thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” thôi mà.


Rèn luyện tính cẩn thận

Hãy loại bỏ ngay thói quen chỉ nháp mà không trình bày mỗi khi giải bài tập, đề thi… Có thể bạn giải ra kết quả nhưng lại không biết cách trình bày cho khoa học. Đừng để bị trừ điểm vì lỗi trình bày, điều đó thật phí phạm.

Đối với những môn trắc nghiệm, bạn hãy đánh dấu kết quả ngay khi biết câu trả lời. Đừng để đến lúc gần hết giờ bạn loay hoay lùng sục đáp số trong mớ nháp hỗn độn.

Lên kế hoạch mỗi ngày

Hãy dành 15 phút mỗi ngày để lên kế hoạch ôn tập. Đừng học "nhảy cóc" sang phần kiến thức khác khi bạn chưa ôn tập xong. Bắt đầu từ phần kiến thức bạn yếu nhất, ôn tập kĩ sau đó chuyển sang phần tiếp theo. Làm các dạng bài tập từ dễ đến khó.

Ôn tập theo kế hoạch giúp bạn tiết kiệm thời gian và hoàn thành công việc hiệu quả. Cứ lần lượt giải quyết từng phần kiến thức. Đến ngày thi nhất định bạn sẽ thấy tự tin hơn.

Vài ngày trước khi thi

Đây là thời điểm bạn nên thư giãn, củng cố tâm lý để bước vào kì thi quan trọng. Bạn tuyệt đối đừng nhồi nhét bất kỳ kiến thức nào vào đầu. Ăn uống đầy đủ, đi ngủ đúng giờ, chuẩn bị đồ dùng, giấy tờ,… để sẵn sàng bước vào phòng thi.

Trong lúc thi

Nhiệm vụ lúc này của bạn đó là cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi. Nếu giả sử môn đầu tiên không suôn sẻ như mong đợi thì bạn cũng đừng tuyệt vọng. Vì có khi những môn sau điểm của bạn sẽ tốt hơn.

Bạn đã mất cả năm để ôn luyện thì hãy vững tin đi đến bước cuối cùng.

Đại học không phải là con đường duy nhất, cuộc sống dành cho bạn rất nhiều sự lựa chọn khác. Hãy vui vẻ lên dù kết quả không được như ý. Tự thưởng cho mình một chuyến du lịch, khoảng thời gian làm những việc bạn yêu thích,… để đón nhận kết quả với tâm trạng thoải mái nhất.

Những kinh nghiệm thiết yếu khi đi du học


Quyết định đến một đất nước khác học tập là một quyết định vô cùng khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề trong cuộc sống của bạn. Vì vậy ngay từ lúc lập kế hoạch du học bạn hãy chuẩn bị kĩ, thăm dò kinh nghiệm từ những người đã từng đi du học để có một bước đệm tốt cho thời gian du học của bạn ở nước ngoài.

Về kiến thức

Để du học, tất nhiên cái đầu tiên bạn cần là một nền tảng kiến thức chuyên môn về ngành bạn dự định học thật vững chắc và khả năng ngoại ngữ thật tốt. Tùy theo quốc gia bạn dự định du học mà bạn cần một chứng chỉ anh ngữ nào nhưng thường đối với các nước nói tiếng Anh sẽ là:

Để nhập học dự bị đại học, A level hoặc cao đẳng: tương đương IELTS đạt 5.0 hoặc 5.5 trở lên và không môn nào dưới 5.

Để vào thẳng đại học: tương đương IELTS 6.0- 7.0 trở lên và không môn nào dưới 6.

SAT, GRE và GMAT nếu du học US, Canada hoặc MBA ở một số nước.

Nếu quốc gia bạn học không sử dụng Anh ngữ là ngoại ngữ chính thì bạn nên học thêm ngôn ngữ của quốc gia đó.


Lưu ý: Bạn nên dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho du học. Chuẩn bị về ngoại ngữ là lâu dài nhất, cần dành ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để học ngoại ngữ trước khi du học, sao cho khi đến nước bạn, chúng ta đã có khả năng giao tiếp tối thiểu.

Ngoài ra bạn cần tìm hiểu về phong tục, văn hóa, địa lý mà quốc gia sắp đến để tránh bị bỡ ngỡ trong quá trình sinh sống và học tập.

Về tài chính

Nếu bạn quyết đinh du học theo diện học bổng thì bạn có thể tìm công việc làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt nhưng phải chắc chắn rằng lực học sẽ không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình học.

Nếu bạn chọn du học theo dạng tự túc thì bạn nhất định phải có đủ tiền học và tiền ăn ở trong thời gian du học. Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên lao động để có thêm thu nhập, nhưng thu nhập từ nguồn này khó đủ để trang trải các chi phí lớn trên. Có một thuận lợi là số tiền học phí không phải nộp một lần cho toàn bộ khoá học mà bạn có thể nộp theo năm hoặc theo kỳ; và tiền sinh hoạt phí thì sinh viên trên 18 tuổi có thể tự quản lý, nên thực ra, chỉ cần bạn có kế hoạch sử dụng hợp lý là ổn.

Kĩ năng mềm

Đây là yếu tố mà khá nhiều bạn thiếu sót trong quá trình chuẩn bị. Nếu có điều kiện bạn nên học thêm những khóa bao gồm máy tính, sử dụng internet và điện thoại, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý chi tiêu, đi chợ và nấu ăn, chọn hàng, sinh hoạt/ vệ sinh cá nhân kĩ năng thuyết trình, hoạt động đội nhóm, học nấu ăn và nhất là học tự cắt tóc (vì chi phí này ở nước ngoài khá đắt đỏ).

Về tư tưởng

Cuối cùng, đừng nghĩ rằng du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó. Thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với bố mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp nhất: xử lý các vấn đề về học tập, tâm lý, tình cảm của mình.

Ví dụ:
Làm thế nào nếu hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi tiền sang và tiền làm thêm thì chưa tới. Bí quyết: "hãy tiết kiệm" khi đang rủng rỉnh.

Nếu vẫn chưa làm quen được với ai và không thể hòa nhập. Bí quyết: chưa phải là ngày tận thế, hầu hết các du học sinh đều trải qua tình trạng này, cứ từ từ làm quen từng người một, chăm chỉ đọc báo, nghe tin tức để có thể trò chuyện thoải mái cùng bạn bè.

Nếu bị trượt một vài môn? Bí quyết: đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh xem xét lại suốt quá trình học xem vì sao lại rớt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với Student Advisors.

Hãy nhớ rằng, khi ở nhà bạn được bao bọc bởi bố mẹ, có bố mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện, nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, bố mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết vấn đề của mình, nếu không hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị hoặc những du học sinh khác vì họ sẽ cho những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý .

Kinh nghiệm lựa chọn trường đại học cho bạn


Lại sắp đến một mùa thi đại học nữa, những bạn học sinh thời gian này đang vô cùng băn khoăn về quyết định lựa chọn trường đại học nào là lý tưởng. Dưới đây chúng tôi đưa ra những lời khuyên, những kinh nghiệm giúp bạn chọn trường đại học phù hợp với sở thích, khả năng của bạn và gia đình.

Hiện nay, trong lẫn ngoài nước có rất nhiều trường đại học để bạn lựa chọn theo đuổi ước mơ của bản thân. Nếu bạn đang phân vân không biết chọn ngành gì, trường nào để dự thi thì hãy tham khảo các nguồn thông tin từ internet, thầy cô, bạn bè, phụ huynh, sinh viên khóa trước… theo những tiêu chí dưới đây để có được sự lựa chọn tốt nhất.

Bạn thật sự muốn gì?

Có rất nhiều sinh viên không yêu thích ngành đang theo học, một số người cảm thấy nhàm chán, số khác còn có cảm giác hối hận và muốn được lựa chọn lại. Vì thế hiểu được ước mơ, sở thích, nguyện vọng,… của bản thân chính là bước quan trọng nhất giúp bạn lựa chọn được một trường đại học lý tưởng. Bạn thích vẽ, có con mắt thẩm mỹ, bị thu hút bởi hội họa,… thì có thể bạn muốn trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, hay người trang trí nội thất… Nếu bạn thích viết lách và có khiếu văn chương, bạn có thể trở thành nhà báo, nhà văn, tiểu thuyết gia,…

Đừng để bản thân chịu sự tác động của bên ngoài, như chọn trường theo ý của bố mẹ, hoặc đăng ký trường giống nhóm bạn thân. Bạn hãy chủ động đối với tương lai của mình, bởi vì sau này sẽ chẳng ai nghĩ hộ hay làm hộ bạn được cả.


Năng lực của bản thân

Kết quả học tập ở trường của bạn, lời nhận xét của giáo viên, kết quả thi thử,… là những thứ giúp bạn nhìn nhận đúng năng lực của bản thân. Bạn nên ước đoán số điểm mình có thể đạt trong kỳ thi đại học chính thức, để lựa chọn trường có mức điểm phù hợp. Mức điểm dao động lý tưởng là 1-2 điểm, tức là nếu bạn dự đoán mức điểm sẽ đạt được là 18 thì nên chọn trường lấy đầu vào là 17 hoặc 19 (theo mức điểm của các năm thi trước).

Chất lượng đào tạo

Đây là tiêu chí thứ ba bạn cần xem xét khi lựa chọn một trường đại học. Một trường đại học có chất lượng đào tạo tốt sẽ trang bị cho bạn kiến thức, nền tảng vững chắc và những kĩ năng cần thiết sau khi ra trường.

Cầm tấm bằng của một trường đại học uy tín sẽ giúp bạn “có giá” hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì lý do này mà một số trường thu hút được người tài, số khác thì không, học tập và cạnh tranh với những người giỏi giang sẽ phát triển tư duy và cả phong cách sống.

Khi tìm hiểu về một trường đại học bạn nên tham khảo thông tin về truyền thống học tập của sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu và các công ty, doanh nghiệp liên kết với ngôi trường đó.


Học phí, học bổng, chính sách khuyến khích học tập

Không phải ai cũng may mắn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thế nên lựa chọn một trường đại học có học phí hợp lý cũng là một tiêu chí bạn nên quan tâm. Bạn nên tham khảo mức học phí của nhiều trường khác nhau, có đào tạo ngành mà bạn muốn theo học để đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Ngoài vấn đề học phí thì học bổng và những chính sách khuyến khích học tập của trường cũng đáng để bạn lưu tâm. Chính sách ưu đãi tốt sẽ giúp bạn có thêm cơ hội học tập, nếu bạn học tốt bạn sẽ có học bổng thường niên, cơ hội học tại nước ngoài, hoặc một vài học bổng khác từ các quỹ khuyến học.

Hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa sẽ khiến việc học tập bớt nhàm chán, bạn sẽ được thư giãn, giao lưu và có thêm cơ hội để phát triển bản thân. Sẽ thật thú vị nếu được tham dự cuộc thi hát, sinh viên thanh lịch, các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ âm nhạc,… hơn là chỉ biết chúi đầu vào học đúng không?

Trên đây là một vài tiêu chí quan trọng giúp bạn lựa chọn được một trường đại học lý tưởng. Bạn nên cân nhắc kĩ để có được sự lựa chọn tốt nhất. Cuối cùng, bạn nên tin tưởng và giữ vững sự lựa chọn của mình, đừng để bản thân bị lung lay bởi những tác động bên ngoài.

Chúc các bạn thành công.