Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Sự phát triển của mạng xã hội, internet và tốc độ lan truyền chóng mặt đẩy giới trẻ hiện nay vào một lối sống rất khác. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, nó cũng kèm theo vô số hệ lụy đáng báo động. Sống lâu trong thế giới ảo, người ta dần trở thành “con người ảo”, tôn sùng cái tôi một cách quá mức, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, mù quáng chạy theo những giá trị rất hư vô, ảo tưởng và đang dần dần hiện rõ một thực trạng giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Đắm chìm trong mạng xã hội và internet, những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình. Họ: ăn facebook, ngủ facebook, gặp gỡ tán gẫu qua facebook…

Giá trị ảo lên ngôi

Facebook hội tụ đầy đủ những yếu tố của một xã hội thu nhỏ. Ở đó, mỗi người thỏa sức thể hiện mình bằng nhiều cách khác nhau. Không cần biết bạn là ai, giàu hay nghèo, xinh đẹp hay xấu xí, ngốc nghếch hay giỏi giang…, mọi thành viên đều bình đẳng, được nói, được tranh luận, được bày tỏ chính kiến. Cái động tác “post status”, post hình, share link… là một thói quen, thậm chí trở thành thứ thuốc “gây nghiện” đối với giới trẻ.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online
Update Facebook trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ (Ảnh minh họa internet)

Người trẻ trên mạng xã hội sẵn sàng xù lông nhím nếu có ai lỡ động đến mình. Một người cháu dám ngang nhiên chửi bà của mình, học trò xúc phạm thầy cô, bạn bè khi xích mích đăng status bêu xấu lẫn nhau. Thậm chí, vì không vừa lòng với kẻ khác, nhiều người ra sức lập những tài khoản ảo “hội đả đảo người ngày”, “anti người kia”… ngập tràn lời lẽ tục tĩu, vô lễ. Họ hả hê khi ném đá ai đó không thương tiếc và mục tiêu “dìm hàng” của mình được đám đông tung hô hưởng ứng.

Thời facebook, giới trẻ không cần có tài năng trí tuệ hơn người, chỉ cần một câu nói gây sốc kèm theo một bức ảnh “thiếu vải” là đủ thành Bà Tưng, một thân hình gợi cảm từng milimet như người mẫu là được hàng triệu người thán phục. Thành công của những gì họ làm được đo bằng lượng like, comment dưới mỗi tấm hình, mỗi status, bất kể việc đó đúng hay sai. Sự “ồn ào” trên mạng khiến cho không ít giá trị bị đảo lộn, thật giả bất phân minh. Nhiều bạn trẻ chạy theo những thứ phù phiếm bề nổi được lăng xê một cách mù quáng, “vô tội vạ”. Họ chuộng vật chất hào nhoáng, xa hoa, ưa hưởng thụ, thích đòi hỏi quyền lợi hơn là tận tâm cống hiến.

Ít giao tiếp, vô cảm và sống tẻ nhạt hơn

Một cặp tình nhân cùng bước lên xe buýt, ngay khi vừa vào chỗ ngồi, họ lập tức dán mắt vào màn hình điện thoại. Suốt 1 tiếng trên xe, họ hầu như không nói với nhau câu nào mà chỉ chăm chăm lướt qua những thông tin được update liên tục trên smartphone. Những hình ảnh như vậy hiện nay không còn quá xa lạ nếu không muốn nói là cực kỳ quen thuộc. Mải mê với mạng xã hội, người trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Facebook đang khiến nhiều bạn trẻ lầm tưởng giữa giá trị ảo và thật (Ảnh minh họa internet)

Người ta đâu cần gặp mặt trực tiếp, họ trò chuyện qua facebook, quan tâm hỏi han nhau bằng những comment, xin lỗi cũng bằng facebook. Thậm chí, để nói câu “anh yêu em” hay “em yêu anh” chỉ cần gửi tin nhắn với ba ký tự duy nhất: aye hoặc eya. Và lúc chia tay, đơn giản là cắt quan hệ (unfriend) trên Facebook, hay xóa luôn tài khoản (account) của mình. Họ cứ ngỡ như vậy là đủ mà đâu hay rằng tình người - sợi dây liên kết thực sự đang bị nới lỏng hơn bao giờ hết.

Trên mạng, người ta trở nên vô cảm và thực dụng hơn gấp nhiều lần. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Người dùng facebook thì vô tình tiếp tay cho kẻ trục lợi đạt được mục đích. Thực chất, “like” hoàn toàn là hành vi ảo vô nghĩa, nó đâu thể quy ra tiền mua đồ ăn, thức uống, đâu thể chuyển hóa thành vacxin cho trẻ nhỏ, mái ấm cho người già…?

Một nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ “những khoảnh khắc lung linh” của bản thân trên Facebook. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian săm soi những điều vui vẻ của người khác chỉ khiến bản thân bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt. 

Có thể nói, Facebook, smartphone đã thay đổi đời sống con người, tích cực có nhưng tiêu cực cũng rất nhiều. Làm thế nào để người trẻ không vi phạm ranh giới này mà đi đúng hướng khi dùng mạng xã hội?

Để không mất phương hướng trong thế giới online

Sử dụng facebook một cách chừng mực, có định hướng và chủ động là điều giới trẻ cần quan tâm nếu không muốn sa đà vào quá nhiều trò vô bổ trên mạng xã hội này. Bạn nên sắp xếp thời gian biểu cụ thể cho từng việc học hành, vui chơi, truy cập internet…dành thời gian làm những việc quan trọng trước. Chỉ xem facebook như một công cụ tiện ích, chứ hoàn toàn không phải là toàn bộ con người, toàn bộ cuộc sống của bạn.

Thay vì mải mê với thế giới ảo, hãy mở lòng với cuộc đời thực. Lúc rảnh rỗi, quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… Bạn sẽ dần nhận thấy rằng, thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn gấp nhiều lần thế giới trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

“Từ khi hạn chế lên mạng xã hội, mình có nhiều thời gian thực hiện những dự định của bản thân. Mình vừa thi đủ điểm IELTS để năm sau đi du học – một điều tưởng chừng như không thể trước đây. Giờ mình chỉ vào Facebook để cập nhật thông tin khi cần chứ không tối ngày cắm cúi vào đó nữa” – Huyền Trang (ĐH Ngoại thương HN) chia sẻ.

Cậu bạn Hoàng Tuấn (THPT T.P) thì khẳng định: “Cai Facebook không quá khó, chỉ cần bạn quyết tâm và đề ra mục tiêu rõ ràng. Tớ đã nói lời chia tay mạng xã hội được 2 tháng rồi và không hề hối hận về quyết định của mình.

Hãy học cách sử dụng facebook chủ động, văn minh, đúng mực, đừng để thế giới ảo ảnh hưởng đến cuộc sống thực của chính mình, bạn nhé!