Home » Sài Gòn
Tìm hiểu câu chuyện ông Tây ăn xin ở Sài Gòn
Theo cư dân mạng, “hiện đang có một ông Tây bị cướp hết giấy tờ - bệnh nặng phải trốn viện và phải đi xin tiền ở ngã 6 Phù Đổng để kiếm sống rất đáng thương”. Vậy thực hư đằng sau câu chuyện đó là gì?
Theo một số nguồn tin do độc giả cung cấp, chúng tôi tìm đến góc ngã 6 Phù Đổng (TP.HCM) vào lúc 19h ngày 11/1 để tìm gặp “ông Tây” như lời kể. Để tiện cho việc tiếp xúc nhân vật, chúng tôi đã chia sẻ một chút khó khăn của ông bằng cách quyên góp vào lon tiền một tờ 50.000 đồng (sau khi quan sát thấy trong lon chỉ toàn những tờ tiền mệnh giá lớn từ 10.000 đồng, 20.000 đồng trở lên…).
Tuy nhiên, khá bất ngờ là sau khi chúng tôi tự giới thiệu mình làm ở lĩnh vực thông tin - truyền thông và muốn tìm hiểu để giúp đỡ hoàn cảnh của ông thì “ông Tây” ngay lập tức tỏ thái độ khó chịu và tức giận (?). Ông nói lan man một số chuyện và cho rằng mình không cần ai giúp đỡ khi chúng tôi đề nghị hỗ trợ, giúp ông liên hệ với lãnh sự quán để giải quyết khó khăn này. Sau đó, với thái độ khá nóng giận, ông cho rằng chỉ muốn nhận tiền chứ không muốn tiếp xúc với ai cả, và nói “các bạn đứng đây là đang cản trở công việc của tôi, là bất lịch sự”.
Hình ảnh quen thuộc vào mỗi buổi chiều tại góc ngã 6 Phù Đổng suốt nhiều ngày nay
Không nản chí, chúng tôi quyết định quay lại vào một buổi sáng để tìm hiểu về nhân vật "ông Tây" đang được cộng đồng mạng kêu gọi quyên góp giúp đỡ. Cô M. (bán cờ trước cửa hàng số 70, ngay vị trí ông Tây xin tiền) cho biết: “Ông Tây này xuất hiện ở đây hơn 1 tuần rồi. Tôi cũng không biết ông ấy sống ở đâu nhưng cứ 3h là ông ấy đến vị trí đó (cây cột điện trước ngân hàng) ngồi. Sau đó, khoảng 5, 6h thì chuyển sang góc đèn đỏ ở ngã 6. Có khi trễ hơn thì ông ấy thổi kèm và xin tiền ở đoạn Trống Đồng (Cách mạng tháng 8). Trước đây, khi ông ấy mới đến, mọi người ở đây cũng hay biếu tiền và cho nước suối để uống nhưng sau này thì cũng bớt rồi”.
Khi được hỏi về lý do của việc này, cô M. nói: “Thật sự tôi cũng không biết ông ấy khổ hay gặp khó khăn gì nhưng thái độ của ông lạ và kỳ cục lắm. Ông được nhiều người cho tiền với những số tiền đó rất lớn so với những người ăn xin của Việt Nam mình. Mấy người đi xe hơi cũng hay dừng lại cho ông, toàn là vài trăm nghìn đồng. Hình như ổng cũng biết phân biệt tiền Việt thì phải, vì tôi thấy ai bỏ vào tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng thì ổng vứt ra và rất giận dữ. Có lần, mấy người khách Tây đi qua thấy mấy tờ tiền lẻ ngoài lon tiền của ổng, họ tưởng nó bị rơi ra nên lượm bỏ vào cho ổng thì bị ổng mắng cho một trận. Như mới chiều ngày 12/1, có một thằng bé chạy xe đạp đi ngang qua đây. Nó chạy lố khỏi vị trí của ông Tây nhưng vẫn lùi xe lại để bỏ tiền vào lon tiền ủng hộ. Tôi không thấy rõ đó là tờ tiền bao nhiêu nhưng có thấy ổng nổi giận với nó rồi nói gì đó rất nhiều. Nó ngồi trên xe đạp mặt có vẻ bất ngờ nhưng vẫn im lặng lắng nghe ổng mắng. Rồi sau đó nó mỉm cười bỏ đi. Tôi thấy tội tội”.
Ông Tây lắng nghe phóng viên giới thiệu và đề nghị giúp đỡ liên hệ với lãnh sự quán
Nhưng sau đó lại rất tức giận và cho rằng mình bị làm phiền
Tiếp chúng tôi tại khách sạn ông Tây này đang cư ngụ, chị K. – đại diện khách sạn - cho biết:“Vị khách này tên là Shane Wolf, quốc tịch Anh. Ông ấy đến đây thuê phòng từ ngày 19/11 với giá phòng là 400.000 đồng/ngày. Theo giấy tờ mà chúng tôi đang giữ thì ông Shane Wolf đã hết hạn visa từ ngày 14/12/2013 nên mặc dù ông đang còn rất nhiều phiếu đi du lịch nhưng không thể sử dụng được. Ngoài ra, ông cũng đang nợ khách sạn chúng tôi một số tiền lớn (khoảng hơn 14 triệu đồng) do suốt thời gian qua ông ở nhưng không có tiền chi trả.
Hiện ông này đang đi thổi kèn và xin tiền ở ngoài ngã 6. Mỗi ngày ông đi từ 3h chiều đến khoảng 11, 12h đêm thì về trả tiền phòng của ngày hôm đó. Chúng tôi có vận động ông nên đến gặp lãnh sự quán để xin giải quyết chuyện visa nhưng không hiểu sao ông cứ hứa hẹn mãi, không chịu giải quyết vấn đề này”.
Về thông tin ông Tây bị cướp hết giấy tờ, bị bệnh nặng phải trốn viện, chị K. cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghe Shane Wolf nói ông ấy bị cướp cả. Giấy tờ của ông ấy thì chúng tôi vẫn giữ ở đây nên chuyện đó có vẻ không đúng. Riêng về chuyện bị bệnh thì đúng là ông ấy đang chữa bệnh về niệu khoa ở bệnh viện Pháp Việt (FV) bên quận 7”.
Visa hết hạn từ tháng 12 của ông Shane Wolf
Phía khách sạn cho biết, họ đang rất đau đầu vì vị khách “bí ẩn” này. Họ sẽ báo cáo lên cơ quan công an để nhờ phía cơ quan chức năng hỗ trợ liên hệ với lãnh sự quán Anh để giải quyết vấn đề, sau nhiều lần chờ đợi ông Shane Wolf thực hiện lời hứa.
Trong một diễn biến khác, bác sĩ D. – người trực tiếp khám và điều trị cho ông Tây này - cho biết: “Ông Shane Wolf được chẩn đoán là bị phì đại tuyến tiền liệt và cần phẫu thuật. Chúng tôi đã gửi đầy đủ kết quả xét nghiệm và tình hình sức khỏe cho bệnh nhân và chờ bệnh nhân quay lại thực hiện tiếp việc chữa trị”.
Riêng về vấn đề kêu gọi lòng hảo tâm, vị bác sĩ trên có ý kiến: “Tôi thấy ông này nếu có vấn đề gì thì nên để lãnh sự quán của ông ấy giải quyết. Điều đó đúng với luật và cũng sẽ chuẩn xác hơn với thực tế vì các bạn thật sự sẽ không hiểu chắc được vấn đề của ông ấy là gì để kêu gọi và ủng hộ, không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng kêu gọi tràn lan với những thông tin sai sự thật như nhiều trường hợp trên mạng hiện nay”.
Một trong những lá thư của bác sĩ gửi về cho ông Shane Wolf
Một trong những topic kêu gọi ủng hộ với những thông tin sai sự thật và có phần khó hiểu khi chủ nhân cho rằng nhóm mình độc quyền quyên góp hỗ trợ cho trường hợp này.
Cùng ý kiến với vị bác sĩ, một người sửa xe ở khu vực ngã 6 chia sẻ: “Tôi thấy làm việc thiện là tốt, tôi ở đây nhiều khi cũng được các em, các cháu ghé qua cho quà, cho thức ăn khuya – quý lắm. Nhưng việc mọi người kêu gọi ủng hộ, quyên góp cho ông Tây với những lời đồn quá sự thật để mong nhiều người giúp cho ông ấy thì tôi thấy không phải là cách hay nhất. Tôi ở đây có thấy cách cư xử của ông ta với một số người không tốt lắm. Nhưng thôi, mình không bình luận gì về người ta kẻo mang tội. Việc này nên để mấy anh công an lo, lãnh sự quán của nước ông Tây ở sẽ lo".
Yêu Sài Gòn lắm cơ!
Buổi sáng Sài Gòn, không bộn bề lo toan, không ngủ nướng, bước chân ra khỏi nhà từ rất sớm. Tự nhiên thấy lòng nhẹ nhàng đến lạ. Ngắm Sài Gòn của một buổi sớm mai. Thì ra Sài Gòn buổi sớm cũng thú vị đấy chứ.
Lang thang trên những con phố thân thuộc. Đứng giữa ngã 4, nhìn dòng người chuyển động theo những bánh xe lăn dài trên phố. Hết lớp xe này tới lớp xe khác nối đuôi nhau theo tín hiệu giao thông. Cuộc sống mưu sinh đã bắt đầu. Cơn gió nhẹ thoảng qua mùi thịt nướng, mùi cơm tấm thơm nức mũi.
Nhắm mắt lại và cảm nhận. Hít một hơi, mở mắt ra nhìn xung quanh. Cách đó chừng 10m. Quán cơm tấm hiện ra. Tiến đến, bước vào quán, nhanh chóng tìm cho mình một chỗ ngồi lý tưởng. Đủ để có thể vừa ăn, vừa nhìn người ta nướng thịt, vừa ngắm dòng người qua lại. Từng miếng thịt được tẩm gia vị lần lượt được xếp lên vỉ nướng. Miếng thịt được lật qua lật lại trên vỉ than hồng. Từng làn khói cuộn tròn, lan tỏa, lan tỏa rồi tan biến vào không trung. Những con người vẫn miệt mài và cần mẫn với công việc của mình, hi vọng mang đến cho thực khách bữa sáng ngon lành.
Thưởng thức bữa điểm tâm sáng với cơm tấm và sườn nướng xong. Tôi lại đeo tai phone và nhẹ bước trên con phố với hàng ngàn lá me bay. Ngân nga theo giai điệu của ca khúc “Khi người lớn cô đơn” của tác giả Phạm Hồng Phước.
Nghe nhạc, đi bộ, ngắm nhìn lá me bay, gió thổi, mưa phùn. Cái se lạnh có gì đó khiến người ta xao lòng. Co mình, đút tay vào túi áo, và rồi lại lang thang trên con đường một mình. Vô tình lướt qua cô hàng xôi, khó lòng cưỡng lại. Quay lại gánh hàng xôi, mùi thơm ngây ngất với đủ các loại xôi. Mùi sầu riêng lan tỏa trong từng gói xôi thơm man mác, không quá nồng như khi ăn múi sầu riêng. Đậu xanh đánh nhuyễn, xôi dẻo, sầu riêng. Tất cả được hòa quyện trong một gói xôi nhỏ béo ngậy mà không ngán. Xôi bắp, xôi vò, xôi gấc, xôi đậu đen,... Đủ các loại được gói cẩn thận trong từng chiếc bịch nilon hay lá chuối xanh mướt với đủ các màu sắc: xanh, đỏ, vàng.
Tàu hũ nóng hổi cũng được nâng niu trên đôi vai gầy của những người phụ nữ nghèo. Chúng được đặt xuống mỗi khi có khách mua. Một chén tàu hũ có giá chỉ khoảng 5.000 đồng được bày ra chén cho khách. Màu trắng của từng lát tàu hũ mềm, mịn, mùi thơm của nước đường, lá dứa, mùi thơm của gừng. Vị béo của cốt dừa, vị ngọt của món ăn, cùng những viên bột lọc dai dai mềm mềm ăn rất vui miệng.
Đi ngang qua con phố dài ở đó có những quán cà phê mang phong cách lãng mạn, cổ điển mùi thơm nồng nàn và quyến rũ, màu khói lan tỏa trên ly cà phê bàn sát đường. Tần ngần, bước vào quán. Cô nhân viên phục vụ dáng người nhỏ nhắn, hơi xanh, đôi mắt to tròn với mái tóc ngố ngang trán bước ra mỉm cười. Gọi cho mình một ly cà phê đen nóng. Không phải để uống, đơn giản chỉ để được ngửi mùi thơm của nó. Mùi thơm của cà phê hòa vào với những bản nhạc không lời, cộng với không khí se lạnh khi mùa đông về. Hạt mưa lất phất bay.
Xoay nhẹ chiếc cốc làm ấm đôi tay, nâng cốc cà phê lên mũi ngửi. Tất cả như một liều thuốc an thần khiến lòng bình yên...
Bước ra khỏi quán, mùi khói xe khét lẹt xộc vào mũi chịu không nổi. Nhanh chân chạy vào công viên, tìm chiếc ghế đá trống và ngồi xuống. Nhìn người người tập thể dục, thấy cuộc sống khỏe khoắn hẳn lên. Nhìn một cô nàng với sợi dây trên tay dắt chú chó đáng yêu đi dạo thấy cuộc sống thảnh thơi, thư thái.
Ngắm nhìn vô vàn những thứ xung quanh khác đang chuyển động xung quanh mình. Những dòng suy nghĩ cứ miên man trong lòng, nối tiếp nhau.
Thì ra Sài Gòn cũng thú vị và đáng yêu đấy chứ!
Sài Gòn trở lạnh đột ngột khiến nhiều người ngạc nhiên và thích thú.
Sáng nay, Nhiệt độ bất ngờ giảm xuống còn 22 - 23 độ C khiến người dân Sài Gòn được dịp sống trong không khí mùa đông hiếm có. Cùng ngắm nghía hững hình ảnh người đi đường co ro trong cái lạnh hiếm có ở vùng đất này.
Trái với cảm giác nắng nóng cách đây 2 ngày, người dân Sài Gòn không còn phải "ganh tị" với người dân Thủ đô Hà Nội, và đặc biệt là Sapa đang phủ đầy tuyết khi mà trời Sài Gòn đã chuyển lạnh vào chiều tối qua (17/12). Dù không thể sống trong nhiệt độ 11 độ C như Hà Nội nhưng chỉ cần thời tiết thế này thôi cũng đủ làm người Sài Gòn thích thú và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều sau những ngày nóng bức gây mệt mỏi.
Một nam sinh co ro sau lưng mẹ trên đường đến trường sáng nay
Những hình ảnh ghi lại vào lúc 7h sáng nay tại các khu quận Bình Thạnh, quận 2 cho thấy đa số người dân ra đường đều phải mặc thêm áo ấm kín cổ. Một số người không kịp đón nhận tin tức thời tiết đã phải co ro vì “xem thường” cái lạnh đầu mùa. Trong số đó, không ít người dân đã chọn cho mình giải pháp thông minh “mặc đỡ áo mưa chống gió” khi tham gia giao thông.
Người cha này phải dùng tay che gió cho đứa con nhỏ của mình
Một thanh niên (áo sơmi phía sau) co ro vì "quên" áo ấm
Mặc tạm áo mưa - giải pháp cho ngày lạnh khi quên áo ấm
Tôi không biết con tôi tìm đâu ra một người quái dị như vậy
Trông cô ta già dặn hơn tuổi của mình rất nhiều. Thảo nào mà cô ta rù quến thằng con khờ khạo của tôi,nhìn nó bây giờ, tôi biết nó bị con kia bỏ bùa mê thuốc lú rồi,trời!
Từ ngày ba thằng Thắng mất, tôi chưa bao giờ thấy cái gánh mà tôi đang vác trên vai lại nặng nề như thế. 46 tuổi, ngay cả trong mơ tôi cũng không tin là mình sắp sửa làm mẹ chồng. Vậy mà điều đó sắp trở thành sự thật. Hoặc là tôi chấp nhận con dâu “trời đánh” hoặc tôi mất con. Nó đã ra tối hậu thư với tôi như vậy.
Cả tháng nay, không có đêm nào tôi ngủ được. Kể từ khi thằng Thắng dẫn con Nga về, tôi có cảm giác có một trận cuồng phong đang chờ đợi đâu đó và sẽ bất ngờ giáng xuống đầu mình. Tôi không dám nhìn lâu cái đầu tóc nhuộm đỏ choét của cô gái đó, cũng không đủ can đảm ngồi nói chuyện với cô ta quá 3 câu.
Tôi không biết con tôi tìm đâu ra một người quái dị như vậy. Từ tóc tai, quần áo, nói năng, đi đứng... cô ta đều trái ngược với những gì mà trước đây tôi từng mường tượng, hi vọng về một cô con dâu cho đứa con trai độc nhất của mình. Giờ đây, mỗi khi nghĩ về cô gái đó, tôi lại thấy đau thắt ruột gan. Tôi nghĩ mình luôn lấy nhân nghĩa để đối đãi với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ những cảnh đời khốn khó, chưa từng hại ai mà sao số phận lại ác nghiệt với tôi như vậy?
Nhớ hôm đầu tiên Thắng nói đưa người yêu về giới thiệu, nó bỏ nhỏ với tôi: “Mẹ đừng nhìn bên ngoài mà đánh giá Nga, cô ấy tốt lắm mẹ ạ”. Trời ơi, suýt chút nữa là tôi ngất xỉu khi thấy cô ta, vậy mà nó còn bảo cô ta tốt lắm nghĩa là sao? Người có tâm tốt không bao giờ bộc lộ ra bên ngoài một ngoại hình kinh khiếp như vậy. “Ba con theo vợ bé bỏ mẹ con từ hồi con còn nhỏ xíu. 5 tuổi con phải theo mẹ con ra ga Sài Gòn bán trà đá, bánh mì dạo...”- Nga kể với tôi trong bữa cơm.
Nghĩa là cô con dâu tương lai của tôi xuất thân từ giới giang hồ đầu đường xó chợ; từ nhỏ đã quen nói tục, chửi thề, tranh giành, đánh nhau. Nga chỉ học hết lớp 9 bổ túc văn hóa. “Mới đầu con mở cái shop nhỏ xíu bán quần áo cũ, sau đó dành dụm mở cái bự hơn. Cứ vậy mà bây giờ con được mấy cái tiệm thời trang...”- Nga vừa gắp thức ăn cho thằng Thắng vừa kể.
Tôi quan sát cô gái 22 tuổi đang ngồi đối diện. Trông cô ta già dặn hơn tuổi của mình rất nhiều. Thảo nào mà cô ta rù quến thằng con khờ khạo của tôi.
Khi ba thằng Thắng mất, tất cả yêu thương tôi dồn hết cho con những muốn sau này nó nên người, coi như tôi hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất. Vậy mà học hết lớp 11, nó nhất quyết bỏ học: “Con học không vô nữa, mẹ ép con, con cũng không học được”- nó nói như khóc.
Hết năn nỉ, khuyên nhủ đến dọa nạt, nó cũng không nghe, tôi đành phải để con đi học nghề sửa chữa xe máy với ông sửa xe trong xóm theo ý nguyện của nó. Nó lanh lẹ, thông minh nên ông rất thương và truyền hết các ngón nghề. Vì thế, không bao lâu, nó đã thành thợ sửa xe chủ lực trong tiệm của ông. Tôi mừng vì điều đó nhưng trong lòng vẫn luôn mang mặc cảm. Tôi muốn con tôi học đại học ra làm ông này bà kia chứ không phải suốt ngày lấm lem dầu nhớt như vậy. Thế mà thực tế lại quá cay đắng.
Tôi chưa kịp mừng vì cái sự học của nó thì đùng một cái, nó tuyên bố cưới vợ (Ảnh minh họa)
Tôi đành phải chấp nhận mà trong lòng không có lấy một ngày vui. Tôi biết thằng con tôi sẽ gắn bó với cái nghề vất vả này suốt đời bởi nó cứ liên tục đi học hết lớp này tới lớp khác để nâng cao tay nghề. Và bây giờ khi đã 23 tuổi đời, nó lại đi học bổ túc văn hóa để lấy cái bằng cấp III. Nó bảo tôi: “Mai mốt con sẽ thi vô trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, học cho có bài bản”. Tôi chưa kịp mừng vì cái sự học của nó thì đùng một cái, nó tuyên bố cưới vợ. Nghe đâu nó quen Nga lâu lắm rồi, từ khi con nhỏ còn bán đồ sida.
Sau lần gặp đầu tiên, tôi bảo con: “Mẹ không đồng ý. Con phải biết rằng xuất thân của một con người rất quan trọng. Ba con Nga bỏ vợ con theo vợ bé, nó là bụi đời thứ thiệt, làm sao có thể làm dâu con nhà này? Hơn nữa, con còn quá trẻ, phải lo sự nghiệp, vướng vô vợ con làm gì?”.
Nhưng Thắng không nghe. Nó bảo hiện giờ cả nó và Nga đều có công ăn việc làm ổn định, không chỉ lo cho bản thân mà còn có thể lo cho cha mẹ, anh em đủ đầy. Về ngoại hình kinh khiếp của Nga, thằng con tôi bênh vực người yêu: “Coi cô ấy vậy chớ không phải vậy đâu mẹ. Chẳng qua là do làm ăn, buôn bán nên phải hầm hố một chút cho thiên hạ ngán, không dám ăn hiếp”. Nhưng tôi kiên quyết: “Mẹ nói không là không! Nếu con không nghe lời thì đừng có trách mẹ”. Thằng con tôi nhăn mặt: “Mẹ thiệt kỳ. Chuyện hạnh phúc của đời con chớ có phải của mẹ đâu mà mẹ lo dữ vậy?”.
Nó nói cứ tỉnh rụi như không. Tôi không ngờ nuôi con không lớn đến từng này rồi mà nói nó chẳng chịu nghe lời, lại còn đi bênh vực người dưng. Tôi buồn đến đổ bệnh. Nó bảo con Nga đi chợ, cơm nước cho tôi. Công bằng mà nói, con nhỏ nấu ăn cũng được. Nhưng sao mỗi khi nhìn thấy nó là máu trong người tôi lại sôi sục.
Tôi bảo thằng Thắng: “Con nói với con Nga đừng có tới lui nữa, nhìn nó, mẹ bệnh thêm”. Thằng con tôi lại giở câu nói quen miệng của nó: “Mẹ thiệt kỳ...”. Tôi quát: “Kỳ, kỳ cái gì? Mẹ từng tuổi này rồi, mẹ biết nhìn người. Cái ngữ ấy mà dâu con gì? Rước nó về, mai mốt nó leo lên đầu con mà ngồi”.
Có lẽ trong cơn nóng giận, tôi đã nói nhiều lời khó nghe nên thằng Thắng ra “tối hậu thư”: “Mẹ không cưới Nga cho con thì con tự cưới. Mẹ không cần phải bận tâm. Nhưng con nói trước, nếu như vậy thì con sẽ đi ở rể nhà người ta thì mẹ đừng có trách”.
Trời ơi, lại còn như vậy nữa? “Được rồi, chúng mày thích làm gì đó thì làm, tao không quan tâm. Muốn đi đâu đó thì đi”- tôi lại quát lên. Thằng Thắng bỏ ra ngoài. Từ bữa đó, nó lầm lũi đi về, không ríu rít chuyện trò với mẹ như trước. Tôi hỏi gì thì nó trả lời, không thì thôi. Tôi có cảm giác như có ai đó đang bóp nghẹt trái tim mình.
Không lẽ tôi sắp mất con thật hay sao? Nhìn nó bây giờ, tôi biết nó bị con kia bỏ bùa mê thuốc lú rồi, nhưng cái ngữ ấy thì dâu con gì hả trời!