Ước gì được bố mẹ yêu thương


Một mong ước nhỏ nhoi đó, một mong ước quá bình thường với các bạn nhưng đối với mình nó lại vô cùng to lớn. Mình chỉ mong được gặp bố mẹ, được nói chuyện với họ, dù cho họ có ghét mình, có mắng chửi mình đi chăng nữa.

Đọc những câu chuyện của các bạn bị bố mẹ so sánh với người khác, rồi thì bố làm mọi cách để con mình đứng thứ nhất, mình cảm thấy tủi thân quá! Nhất là bạn có bố sẵn sàng làm mọi thứ để con mình giỏi nhất thì mình thấy bác ấy là người vô cùng thương yêu con mình. Trong khi đó, mình thì chỉ mong mỏi một lần được bố mẹ chú ý đến, được mắng mỏ, so sánh với ai đó dù chỉ một lần. Thế nhưng chuyện đó đối với mình lại vô cùng khó khăn, thậm chí gọi là “ước muốn” cũng chẳng sai.

Bố mẹ mình ly dị từ năm mình mới học lớp một. Mình cũng không hiểu vì sao họ lại cưới nhau để rồi trong kí ức mình chỉ có hình ảnh của những trận cãi vã, rồi cả cảnh bố đánh mẹ nữa. Cho đến khi mình học lớp một, cũng là lúc không thể chấp nhận sống chung với nhau nữa, bố mẹ mình quyết định ly dị. Mẹ dọn về ở bên nhà ông bà ngoại mà không cho mình đi theo. Bố thì cũng bỏ nhà đi đâu suốt. Lúc ấy chỉ có ông bà nội chăm lo cho mình.

Sau này, bố mình lấy vợ mới và chuyển vào trong TP.Hồ Chí Minh. Một thời gian ngắn sau đó, mẹ mình cũng ra nước ngoài định cư. Mình ở với ông bà nội từ lúc ấy cho đến bây giờ. Ban đầu, mình chỉ biết khóc vì nhớ bố mẹ. Dần dần, mình bắt đầu quen với hoàn cảnh ấy. Tuy có những lúc cũng cảm thấy tủi thân, nghĩ ngợi rồi khóc một mình nhưng cho đến bây giờ thì mình sống chung và đã chấp nhận nó.


Ông bà nội chiều chuộng mình lắm! Có lẽ do mình rơi vào hoàn cảnh chia ly từ rất sớm, lại thiếu thốn tình cảm bố mẹ nên ông bà cũng yêu thương, quan tâm mình hơn rất nhiều. Mình được sống một cuộc sống đầy đủ, được ông bà chăm lo từng li từng tí. Cả các bác, các cô chú, rồi cả những nhà hàng xóm xung quanh, ai ai cũng đều quý và thương mình. Mình chẳng bao giờ bị ai mắng mỏ hay càu nhàu khó chịu vì bất kỳ chuyện gì. Mỗi khi mình mắc lỗi, mọi người lại lắc đầu nói với nhau: "chỉ tại nó không có bố mẹ ở bên". Nói thật, mỗi lần nghe câu đấy mình chẳng còn thiết tha điều gì nữa, nó làm mình cảm thấy vừa tủi hờn, vừa tức giận lại vừa cảm giác mình giống như "cục gạch" thừa thãi đáng thương.

Thứ đơn giản và thứ duy nhất mà mình khao khát muốn có được chính là tình cảm của bố mẹ. Mỗi lần đến lớp, bạn bè được bố đưa đi, mẹ đón về, ríu ra ríu rít trong khi mình toàn tự đi bộ một mình. Chúng nó được bố mẹ đi họp phụ huynh, còn mình lần nào cũng là ông nội. Khi mua sắm quần áo hay sách vở, bà nội đưa mình đến, để mình tự chọn còn bà thì ngồi đợi ở ngoài. Mình nhìn những đứa khác được mẹ chọn cho từng quyển vở, cái bút mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra…


Bố mẹ mình giờ đã có gia đình riêng và những đứa con khác. Họ đều bận chăm lo cho gia đình riêng của mình. Có lẽ vì thế mà quên mất là đã có một đứa con như mình ở trên đời. Đối với họ, dường như điều duy nhất mình cần chỉ là tiền. Họ gửi rất nhiều tiền về cho mình. Nếu như mỗi lần mình đi chơi điện tử không có ông nội ngồi chờ đến khuya hay mỗi lần mình bỏ học, khi trở về nhà lại thấy ánh mắt buồn bã của bà, có lẽ mình đã trở thành đứa trẻ hư hỏng với đống tiền của bố mẹ vứt cho rồi. Từ ngày bố mẹ ly dị, chưa Tết năm nào mình được đón Tết cùng bố hay mẹ…

Đọc tâm sự của các bạn kêu ca, nói về bố mẹ mình như kẻ thù, lại còn muốn bỏ nhà đi chỗ khác chỉ vì bị bố mẹ so sánh với người khác…, đúng là cuộc sống, người cần chẳng có, người có thì chẳng cần. Mình chỉ mong bố mẹ mình hiện ra trước mắt, dù cho họ có so sánh mình với bất cứ ai, có ghét mình, có làm kẻ thù hay gì gì cũng được. Dù cho có mắng chửi mình vì có những lúc mình lười học, mình đi chơi điện tử, hay thậm chí là đánh mình thì mình cũng chấp nhận... Chỉ tiếc, mình thì không bao giờ có được điều mà các bạn đang ghét bỏ đấy!!!

Lại xôn xao về đạo đức của các bà bảo mẫu


Chuyện đạo đức của các bà bảo mẫu đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Bảo mẫu dạy trẻ viết chữ đep bằng cách ghi số đề, bảo mẫu bán sữa của con lấy tiền... khiến cho bố mẹ trẻ hết sức đau lòng. Thật là oái ăm.

Chị Lê Thị Hồng đã phát hiện bảo mẫu huấn luyện con mình viết chữ bên cạnh những dãy số dài.

Sự thiếu an toàn của các cơ sở giữ trẻ tư nhân, trong khi các cơ sở công lập quá hẹp, những người có điều kiện kinh tế chọn giải pháp thuê người giúp việc kiêm bảo mẫu tại gia.

Tổn hại thể chất

Anh Đoàn Minh Nghĩa ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm đắt giá của mình: “Vì muốn con trai được chăm sóc tốt, vợ chồng tôi thuê một bảo mẫu tại nhà. Chị ấy khoảng 40 tuổi, có hai con đã lớn, ly hôn chồng nhiều năm, nên chúng tôi nghĩ chị có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ.

Thoạt đầu, khi vợ tôi còn ở cữ tại nhà, chị làm rất tốt nên sau đó chúng tôi tin tưởng giao con nhỏ cho chị để cùng đi làm. Ba tháng sau, thấy con cứ sụt cân, ốm yếu, hay bệnh… vợ tôi đổi sữa, tăng cường thuốc bổ và tăng chất cho các bữa ăn dặm nhưng vẫn không có kết quả. Con tôi bị suy dinh dưỡng, hơn 13 tháng vẫn chưa đứng chựng được. Một hôm, người bán tạp hóa đầu ngõ bỗng nói với vợ tôi: “Người làm của em mới mang sữa ra đây bán cho chị, chị không mua, cô ấy xách ra chợ”. Vợ tôi hoảng hốt về nhà xem lại thì đúng là vỏ hộp sữa đang dùng rất cũ, đã sử dụng nhiều lần. Hóa ra, người giữ trẻ đã thay sữa rẻ tiền vào, lấy hộp sữa nguyên đem bán!”.



Cháu T.T.H. - là nạn nhân của những chai xi rô Théralence.

Chị Hoàng Linh (phường 15, quận Tân Bình) gặp phải tình huống khác. Khi con gái thôi nôi, chị thuê người bà con ở Tiền Giang lên giúp việc nhà và trông nom cháu. Được khoảng ba tháng, chị thấy chiều nào con cũng lờ đờ, mệt mỏi nhưng tối lại thức mãi không chịu ngủ. Chị tìm hiểu nguyên nhân mới phát hiện bốn chai xi rô Théralene (một loại thuốc ho có chất gây ngủ) giấu kỹ trong góc tủ. Thì ra, trưa nào bảo mẫu cũng cho con chị uống bốn muỗng thuốc này để cháu ngủ tới chiều. Bảo mẫu thì đánh một giấc rồi xem phim bộ…

Chị nói: “Tôi giận đến nghẹn thở! Trả lương bảo mẫu đâu có rẻ, lại cho thêm tiền. Vậy mà họ nỡ làm hại sức khỏe của con mình một cách nhẫn tâm như vậy. Sáu tháng rồi mà mặt con tôi vẫn còn đờ đẫn!”.

Đầu độc tinh thần

Chị Lê Thị Hồng, ngụ ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 lại gặp một bảo mẫu “huấn luyện” con chị theo “kiểu mới”.

Chị kể: “Khi thuê người phụ nữ đó chăm sóc hai con, vợ chồng tôi rất ưng ý vì bà ấy sạch sẽ, nói năng lễ độ, nấu ăn ngon. Đặc biệt là hai đứa trẻ luôn quấn quýt bà ấy. Bà còn dạy các cháu tập viết chữ đẹp. Vì thế, chúng tôi rất tin tưởng. Thỉnh thoảng bà bảo mượn tiền cho con trả nợ, con nằm viện, mẹ chồng, cha chồng đau ốm là tôi cho mượn ngay, thậm chí không đòi lại. Đến giờ tôi mới biết, bà ấy toàn mượn tiền để trả nợ số đề”.

Hóa ra suốt bốn năm qua, hàng ngày khi vợ chồng chị Hồng đến trang trại ở Bình Phước làm việc, bà giúp việc lại nách hai trẻ với lỉnh kỉnh cơm canh ra quán cà phê ngồi đút chúng ăn rồi tranh thủ bàn số đề… Bà còn huấn luyện hai đứa trẻ quen với các số đề để chúng mơ thấy cái gì, gặp vật gì thì báo cho bà đánh.
Những trang tập viết của cháu N.L.T.K., con của chị Lê Thị Hồng dưới sự “dìu dắt” của bà bảo mẫu.

Chị Hồng đưa ra tập rèn chữ của hai cậu con trai: “Vợ chồng tôi chẳng biết gì về số đề nên khi thấy bà ta dạy con viết chữ, viết số là ưng ý, đâu có ngờ mấy dãy số 15, 55, 95 và chữ con chuột, rồi 06, 46, 86 và chữ con cọp… toàn là số ghi đề”. Chị Hồng cho biết, chị chỉ mới phát hiện sự việc khoảng mười ngày trước và đã cho bà giúp việc ấy nghỉ ngay lập tức.

Chị nói: “Tôi vô cùng ân hận vì đã bỏ lơ con cho người giúp việc quá lâu. Tôi vẫn nghĩ con ngoan, lễ phép, biết kính trên nhường dưới là yêu cầu căn bản nhất, nên thấy con phát triển đúng theo hướng đó thì yên tâm, đâu có ngờ... Bài học này chua xót quá. Chắc sắp tới tôi không thuê bảo mẫu nữa mà phải gác bớt việc để lo cho các con!”.

Đừng bỏ lơ con

Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể gác bớt công việc để chăm con như chị Hồng. Anh Minh Nghĩa cho biết, anh đang trầy trật tìm người giúp việc mới. Anh nói: “Trong tình huống con chưa tới tuổi để vào trường công lập, ông bà lại ở xa, tôi vẫn ưu tiên phương án chọn bảo mẫu tại nhà. Vì vậy, dù thấy việc theo dõi người làm nhỏ nhen, kỳ cục… nhưng vợ chồng tôi vẫn phải chịu”.

Không ít phụ huynh đã lâm vào cảnh tiền cha mẹ mất, tật con mang vì có người giữ trẻ giành ăn luôn khẩu phần của trẻ hay lười đút trẻ ăn, lén mang thức ăn đổ vào sọt rác, nên dù được chăm sóc riêng, trẻ vẫn suy dinh dưỡng. Có người giúp việc dùng ti vi và máy vi tính làm công cụ hỗ trợ, cho trẻ chúi mũi xem hoạt hình hoặc chơi vi tính hết giờ này sang giờ khác để họ được nghỉ ngơi. Lúc cha mẹ phát hiện thì con cái hoặc đã thành game thủ, hoặc bị cận thị, loạn thị, béo phì, thậm chí biến thành những đứa trẻ thụ động, giao tiếp kém…

Thạc sĩ giáo dục Vũ Thị Sai - giảng viên Khoa Tâm lý - giáo dục trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn: “Việc thuê người giúp việc kiêm bảo mẫu vốn là giải pháp tối ưu của những gia đình kinh tế tương đối, trong khi thời gian của người mẹ eo hẹp. Có nhiều người giúp việc có kinh nghiệm, tận tâm, giúp trẻ phát triển tốt không chỉ về thể trạng, lối sống mà còn biết cách giúp trẻ phát huy trí tuệ, là chỗ dựa tình cảm cho trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người tham lam, lười biếng, chăm sóc qua loa, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Đặc biệt nguy hiểm là một bộ phận người giúp việc do ít học vấn, nghèo khó, có lối sống chưa lành mạnh đã tác động trực tiếp đến tâm lý, tâm thần của đứa trẻ. Vì vậy, dù có như thế nào thì cha mẹ vẫn phải dành thời gian cho con. Để ý con không chỉ là quan sát xem con có bị đánh trầy xước hay tụt cân, dơ bẩn, mà còn phải để ý đến thái độ, tinh thần, lời ăn tiếng nói, cách hành xử, phương pháp lẫn tinh thần học tập… Dù sao, người giúp việc cũng chỉ là người hỗ trợ cha mẹ coi sóc, chăm nom con chứ không thể là người thay thế cha mẹ được. Đừng bỏ lơ con trẻ”.