Bài học để đời từ vụ "hôi bia


Có lẽ đây là câu chuyện để đời, nó không chỉ đơn thuần là một số lượng lớn bia bị đổ ngập tràn ra đường mà còn là câu chuyện về đạo đức trong cuộc sống của những người dân nơi đây.

Mấy hôm nay, trên các mặt báo lớn, đâu đâu cũng thấy tin tức về vụ hôi của. Thật ra thì bao nhiêu sự thất vọng, bao nhiêu sự xấu hổ thì người ta cũng nói hết rồi (Tôi xin tránh từ nhục nhã vì nó thật tình nghe nặng nề quá). Buồn thì cũng buồn, thương thì cũng thương thật nhiều. Nhưng rồi đọng lại, tôi nghĩ chúng ta đánh đổi được nhiều bài học. Dù cái giá thực sự cay đắng và chua chát.

"Bài học ư? Bài học gì? Tôi chỉ thấy xấu hổ và choáng váng mà thôi."

Nếu bạn đặt câu hỏi như vậy, thì chắc chắn rằng bạn đã học được một bài học. Đó là bài học về lòng tự trọng. Chắc chắn một điều rằng, khi mà cái hình ảnh mấy chục con người, chạy vồ lấy bãi bia, thu nhặt một cách man dại đó đã tạo cho bạn một cái ám ảnh thật khủng khiếp về hôi của, một ám ảnh sẽ mãi theo bạn đến suốt cuộc đời này, khiến bạn cảm thấy ghê tay mỗi khi nhặt lên một thứ không phải của mình.

"Tôi thấy nhục nhã vì đã hôi bia trước mặt con gái mình"

Nếu là bạn, bạn có nhục nhã không? Khi về nhà và đối mặt với cô con gái đã nhìn thấy mình hôi của, bạn thấy sao? Khi bật tivi lên, mở báo ra là hình ảnh mình đang hí hửng ôm trong mình cả chục lon bia, bạn thấy thế nào? Đó tiếp tục lại là một bài học "đau nhớ đời" cho tất cả những con người đã nhặt nhạnh bia ở hiện trường hôm đấy và trong nhiều cuộc "hôi của" khác nữa. Một bài học mà họ đã bỏ lỡ suốt vài chục năm sống trên đời.

"Thôi được, bài học đó tôi đã thấm nhuần từ lâu. Thật tình tôi chỉ thấy thương cho người lái xe."

Vậy đấy, khi con người ta cảm nhận được tình yêu thương trong trái tim, họ lại không nhận ra đấy chính là một bài học. Bài học về sự yêu thương và tranh đấu. Câu chuyện về anh lái xe nhà nghèo, phải nuôi gia đình nay đứng trước nguy cơ phải đền 400 triệu, thậm chí là đi tù vì một lỗi chẳng phải của mình. Hình ảnh một người lái xe đen thui, gầy gò đứng hoang mang, khóc lóc van xin người dân đừng hôi của. Tất cả đã khiến trái tim những người trẻ rung động, phẫn nộ mạnh mẽ. Tình thương và sự căm ghét trước thói tham lam đã khiến những con người tưởng chừng như khoác lên mình vỏ bọc lạnh lùng, chẳng hề quan tâm tới thế giới xung quanh - trở nên ấm áp và tất thảy đều hòa cùng một nhịp. Đó là một bài học và cũng là một món quà mà không phải lúc nào, chúng ta - những kẻ thừa vật chất được nhận.



Bằng một lý do nào đó, câu chuyện hôi bia này chắc chắn đã trở thành một bài học khắc ghi trong trái tim hàng triệu người Việt Nam, một bài học mà có cả nghìn quyển sách giáo dục công dân, hàng triệu quyển Đạo đức mà chúng ta học suốt 12 năm ròng cũng chẳng bằng vài ngày ngắn ngủi. Một bài học chẳng tốn tiền mua, chẳng mất thời gian học thuộc, tự khắc nó ghi vào trong óc ta và làm ta nhớ đến già.

"Đừng bị đánh lừa, tất chỉ là một kịch bản truyền thông."

Đây là bài học cay đắng nhất, nếu ai đó rút ra được như vậy.

Vì nó vô lí và tàn nhẫn.

Đầu tiên là dàn xếp một vụ tai nạn lật xe đến bung cả cửa sắt, đổ cả ngàn két bia tung toé xuống đường, rồi dự đoán được người dân sẽ ùa vào cào xé hôi của để ngày hôm sau chiếm trọn mọi tít báo. Một chiến dịch hoàn hảo không thua gì một bộ phim Hollywood.
Rồi sau đó, hàng loạt chuyên gia marketing đại tài nhảy xổ vào và kêu lên rằng, vụ này lợi nhất là anh Tiger. Tên của anh ấy, logo của anh ấy lên hết các mặt báo, nhắc đến liên tục trong hàng trăm tin tức về vụ này. Anh ấy nên làm nốt việc nữa là xoá khoản đền bù mấy trăm triệu của anh lái xe đi. Quá đẹp. Quá hoàn hảo cho một chiến dịch truyền thông.

Thế nhưng, tôi phải mượn lời của một FBer để nói về "chiến dịch truyền thông đầy viễn tưởng" này:

"Nhân dịp đọc rất nhiều quan điểm của các "chuyên gia" chiến lược truyền thông đại khái xoa đầu Tiger bảo: các chú non và xanh lắm, đáng lẽ phải nhảy ra làm Bụt khi cô Tấm khóc thì giá trị mấy trăm triệu đó lại chả bằng mấy cái TVC quảng cáo làm đến mấy chục tỉ ấy chứ.

Nếu câu chuyện cổ tích chóng vánh nhẹ nhàng vậy thì:

- Liệu câu chuyện gia cảnh anh Tấm có được đẩy lên thành kịch tính vậy không? Với những keywords rất đi vào lòng người: nhà nghèo - khóc lóc van xin họ đừng lấy bia - đền 400tr - nguy cơ đi tù... khiến cho cộng đồng phản ứng mạnh với câu chuyện bi kịch vậy không?

- Liệu những người "hôi" bia có hàng ngày tự nhục nhã trước gương, tự cúi gằm mặt trong bữa ăn gia đình trước những thông tin về việc anh Tấm phải đối mặt với hậu quả mà họ gây ra?

- Liệu câu chuyện đạo đức sống của xã hội sắp bị lãng quên có được cộng đồng lôi lên gắn chuông rung lắc ầm ĩ (gọi văn vẻ là: gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức con người) vậy không?

- Liệu có còn sự xuất hiện của tấm băng rôn xin lỗi thể hiện sự tự trọng của những người còn ý thức kia không?

.... tất cả, nếu có sự xuất hiện của anh Bụt nhiều tiền kia ra cái vẻ anh hùng thì câu chuyện lại kết thúc gọn lẹ và mai 1 xe gì đó tiếp tục đổ ra đường và nhanh chóng bốc hơi mất trước sự hân hoan của quần chúng".

Vì vậy, xin đừng xui hoặc ép hoặc (lại) xúm vào khoác áo cổ tích lên lỗi lầm của xã hội. Làm sai thì phải bị trừng phạt, và không sự trừng phạt nào ghê gớm bằng sự "cắn rứt lương tâm". Nếu họ chịu không nổi thì sẽ biết được cách làm thế nào sửa sai để giúp cho lương tâm thanh thản.

Và tóm lại là, đây là bài học đạo đức của cả dân tộc, đừng xách yếu tố PR rẻ tiền vào mà áp dụng! Mình tin là giám đốc truyền thông của Tiger cũng nghĩ được điều các "chuyên gia" đang hướng dẫn cả mà."



Một câu chuyện gây rúng động cả xã hội như vậy, nó không được đong đếm bằng tiền bạc, không được vẽ ra trong chiến dịch kinh doanh nào cả. Đơn giản, nó là một sự thật trần trụi, nó cho chúng ta thấy được góc tối trong những lý tưởng hàng ngày mà ta vẫn thường nghĩ về nhau.

Câu chuyện này không chỉ đơn thuần là 1500 thùng bia vương vãi ra đường với logo thương hiệu ngập tràn mặt ảnh, mà nó là bức tranh trần trụi về sự lãnh cảm của không ít người trong số chúng ta trước nỗi bất hạnh của người khác. Đó là những bài học mà chúng ta, mỗi người Việt Nam, đều phải học và đánh đổi bằng sự đắng cay, xấu hổ, bất lực trước cái xấu xa của những người Việt Nam khác, đó cũng là câu chuyện mà người lái xe nọ đã đối mặt với cả sự sợ hãi và tương lai của gia đình mình.


Cô đào Marilyn Monroe có một câu nói mà các bạn nữ rất mê, đại loại tóm tắt thì là như này: "Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó". Vâng, mọi chuyện diễn ra là đều có lý do cả, nhưng lý do ở đây không phải là sự sắp đặt trước. Nó đơn giản là một quy luật tự nhiên, điều xấu xảy ra để bạn trân trọng điều tốt.