Học sinh nên làm gì trước và sau khi họp phụ huynh

Đời học sinh sợ nhất là mỗi lần nhà trường bảo họp phụ huynh, khi đó bố mẹ bạn sẽ có được mọi kết quả học tập, mọi hành động của bạn trong thời gian vừa qua. Vậy làm thế nào để mỗi lần họp phụ huynh xong bạn không phải lo lắng nữa.

Sau mỗi cuộc họp, phụ huynh sẽ vui lòng về kết quả mà con em họ đạt được hoặc phiền lòng vì kết quả đó còn chưa được tốt. Nhiều phụ huynh thường có cuộc nói chuyện để nhắc nhở con em mình sao cho có thể đạt được kết quả tốt hơn trong năm học sau. Vậy làm thế nào để sau cuộc họp phụ huynh, bạn và bố mẹ có thể có được những cuộc nói chuyện thoải mái và không bị quát mắng?

1. Thành thật với phụ huynh

Trước khi họp phụ huynh, bạn thường biết được trước kết quả học tập và những lỗi sai của mình mắc phải trong năm học. Vì thế tốt nhất là bạn nên nói trước cho bố mẹ biết về kết quả của mình, để khi đi họp, phụ huynh sẽ không bị sốc. Với những câu hỏi quan tâm của bố mẹ như "Con thi học kì kết quả có tốt không?" hay "Dạo này đi học có gây lỗi gì không?", bạn nên trả lời thành thật, tránh nói vòng vo, lảng tránh như "Cũng bình thường ạ!" hay "Điểm cao ạ". Bởi vì khi đi họp, phụ huynh sẽ sớm biết được câu trả lời.

Phụ huynh trước hết sẽ quan tâm đến những khuyết điểm của bạn. Cuộc nói chuyện về vấn đề học tập của bạn sẽ tràn ngập các câu hỏi “Tại sao”, điển hình như “Tại sao học cùng một lớp mà A lại đạt được kết quả tốt hơn con?” hay “Tại sao con lại bị hạnh kiểm khá?”. Những câu trả lời thành thật chính là điều mà phụ huynh của bạn mong đợi. Họ mong muốn bạn tìm ra lỗi sai của mình, tìm ra khuyết điểm của mình để khắc phục. Ai trong cuộc sống cũng đều mắc lỗi, nhưng việc họ sửa lỗi thế nào mới đóng vai trò quan trọng. Bạn hãy từ tốn giải thích và nêu lễn những ưu điểm, thành thích mà mình đã đạt được.


2. Dọn dẹp nhà cửa, góc học tập

Sau cuộc họp, phụ huynh của bạn về nhà, chưa cần biết là kết quả tốt hay xấu, nếu nhà cửa bề bộn, đồ đạc vứt lung tung, ngay lập tức sẽ gây bực bội cho bố mẹ. Bạn nên tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp lại đồ đạc cho ngăn nắp và hoàn thành những công việc trong nhà. Cuộc nói chuyện giữa bạn và phụ huynh diễn ra trong không gian trong lành sẽ tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Nếu kết quả học tập của bạn không được tốt, thì việc bạn chăm chỉ làm việc nhà sẽ khiến phụ huynh của bạn phần nào bớt đi sự bực tức.

3. Có kế hoạch học tập cho học kì mới

Sau khi học kì cũ kết thúc, bạn sẽ có một khoảng thời gian được nghỉ ngơi. Trong thời gian này, bạn nên lên kế hoạch cho học kì tiếp theo. Trước hết cần phải có kế hoạch ôn tập - học lại những kiến thức mà mình còn chưa chắc chắn. Học lại bài ghi trên lớp, làm lại các bài tập đã được giao và được sửa, hỏi han bạn bè chính là các cách hiệu quả để vá lại lỗ hổng kiến thức. Sau đó, bạn cần lên kế hoạch cho năm học mới: chuẩn bị đồ dùng học tập, bọc sách vở và dán nhãn, đọc trước sách giáo khoa,... Bạn cần tạo ra mục tiêu cho năm học để tạo động lực cho bản thân, nhưng đừng để mục tiêu đó tạo thành áp lực.

Các kế hoạch sẽ chứng tỏ rằng bạn đã sẵn sàng để cải thiện kết quả học tập và sẵn sàng cho học kì mới. Phụ huynh của bạn sẽ phần nào vơi đi những lo lắng về kết quả còn chưa được tốt của học kì cũ.

4. Những điều không nên làm

Điều đầu tiên, bạn không nên lờ đi cuộc họp phụ huynh, không nói cho bố mẹ mình biết về thời gian họp để bố mẹ mình không tham dự. Điều này sẽ gây bức xúc cho phụ huynh, vì họ đã tạo điều kiện cho con em mình đi học, chỉ mong đợi được gặt lại kết quả. Không được tham dự cuộc họp sẽ khiến phụ huynh không nắm được kết quả sau một học kì của con cái, sẽ khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hơn rất nhiều.

Với những bạn có kết quả kém, bạn không nên lấy người khác ra để so bì hay lấy những lí do không chính đáng ra để biện minh cho kết quả của mình. Những lí do như “A nó đi học thêm nên nó học giỏi”, “Chẳng qua lúc đi thi con bị xếp ngồi bàn đầu” hay “Bởi vì chúng nó chép bài nhau” sẽ chỉ làm cho bạn trở thành một người “lí sự cùn”. Hãy nhận lỗi và tìm cách khắc phục nó.

Tạm kết

Sự chuẩn bị cho cuộc nói chuyện với bố mẹ sau khi họp phụ huynh là điều cần thiết. Bạn hãy giữ bình tĩnh và có thái độ quan tâm đến những gì phụ huynh nói. Đặc biệt với những bạn học sinh cuối cấp, hãy bắt tay vào để ôn thi và chú ý lắng nghe những lời mà phụ huynh của bạn nhắc nhở nhé!

Những cú sốc tinh thần lớn trong cuộc đời sinh viên của mỗi người

Trở thành một tân sinh viên là niềm mơ ước của rất nhiều bạn học sinh THPT, tuy nhiên khi bước vào cuộc đời của một sinh viên thì bạn lại vấp phải những cú sốc lớn và cần phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần để vượt qua được.

Bạn đã từng học cấp 3? Chắc chắn bạn sẽ nhìn các anh chị sinh viên đại học với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, bạn mơ ước, khao khát một ngày mình cũng sẽ bước vào giảng đường và phát triển sự nghiệp…
Bạn cũng đã từng học đại học? Chắc chắn bạn sẽ nhìn những anh chị đã đi làm với chức danh nọ kia chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng, giám đốc… rất oai, họ kiếm được tiền, họ tự do chi tiêu, họ không phải xin xỏ ai, bạn cũng bắt đầu ước mơ, khao khát một ngày mình cũng được như họ, bước chân vào doanh nghiệp, hoặc tạo lập 1 doanh nghiệp cho riêng bạn.

Nhưng giấc mơ thường chỉ là giấc mơ!

Cú sốc thứ nhất: Từ học sinh trở thành sinh viên một trường cao đẳng, đại học

Trái với hình dung của hầu hết các bạn học sinh cấp 3, sinh viên khác lắm, họ năng động, trưởng thành, giỏi vô cùng… Họ được tự do, thoải mái, không phải học một cách gò bó, ít chịu sự quản thúc, rồi được tiếp xúc với nhiều thứ hay ho, những chuyên ngành hoành tráng như Tài chính, Ngân hàng, Pháp luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại… nghe hoành tráng thế, to thế! Nhưng khi bắt đầu học thì sao?


Những năm đầu tiên của đại học, bạn phải học toàn những môn đại cương "chán nhất quả đất" như Triết học, Kinh tế chính trị, Kinh tế vĩ mô vi mô, Kinh tế lượng, Toán cao cấp… những môn mang đầy màu sắc chính trị, học thuật, chẳng khác gì cấp 3. Có điều sách dày hơn, kiến thức cũng xa vời, khô khan và khó hiểu hơn.

Phương pháp dạy gần như vẫn thế, đọc và chép, chỉ có điều các thầy cô chẳng quan tâm bạn có chép bài hay không. Năm đầu tiên gần như đã giết chết thói quen học tập hằng ngày mà bạn rèn từ bé tới giờ. Lên đại học rồi, lớn rồi, kiểm tra mới học, thi mới học thôi!

Cú sốc này diễn ra âm thầm, lặng lẽ khiến cho nhiều bạn sinh viên vô cùng chán nản, nó là tiền đề rất xấu cho việc học tập sau đó của các bạn. Rất buồn học đại học như vậy lại là bước lùi của nhiều bạn sinh viên.

Cú sốc thứ hai: Từ sinh viên trở thành cựu sinh viên

Những môn chuyên ngành gắn nhiều với thực tế cuộc sống hơn, đã giúp cho các bạn sinh viên tinh thần phấn chấn hơn một chút, nhưng lại đưa bạn vào một mê cung khác. Những lời lẽ tuyệt vời của các thầy cô đã vẽ ra cho bạn những viễn cảnh tuyệt vời về nghề nghiệp sau khi học xong đại học, về những thành tích lẫy lừng mà những giáo sư, tiến sĩ đạt được. Bạn bắt đầu vẽ ra một viễn cảnh tương lai đầy hứa hẹn với một niềm tin sắt đá rằng cầm tấm bằng đại học trong tay, bạn có thể san bằng cả thế giới!


Và rồi, khi chuẩn bị ra trường, tìm hiểu về công việc, bạn giật mình nhận ra rằng mình đang chẳng có gì trong tay. Những gì bạn được dạy trong trường đại học chỉ là một phần rất rất nhỏ so với yêu cầu của những nhà tuyển dụng. Bạn bắt đầu hoang mang, cú sốc này quá nặng! Vì giờ bạn đã 22 tuổi, không được phép xin tiền gia đình nữa! Không làm việc thì làm gì tiếp theo? Nhiều bạn bắt đầu trách móc sao nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm, đòi hỏi đủ thứ khác trong khi trường không dạy. Điều đó quá vô lý! Nhưng hãy nghĩ lại xem, trong trường hợp này, ai mới là người vô lý?

Bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu, học từ những thứ nhỏ nhất! Ngay cả việc làm 1 văn bản word như thế nào…

Vẫn còn nhiều cơ hội cho những bạn sinh viên vẫn còn đang trên ghế nhà trường nếu bạn thay đổi cách học, cách rèn luyện. Đừng phụ thuộc hoàn toàn vào trường đại học.

Vẫn còn nhiều cơ hội cho những bạn cựu sinh viên đang loay hoay tìm hướng đi, chỉ cần bạn quyết tâm và nỗ lực, bạn vẫn có thể thành công.

Hãy lấy lại tinh thần và tiếp tục cố gắng, bạn nhé!

Những việc làm có ý nghĩa trong những năm học phổ thông


Tuổi học sinh là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Vậy nên bạn hãy tranh thủ làm những việc có ý nghĩa trong quãng đời học sinh của mình để sau này nhớ lại luôn cảm thấy hạnh phúc.

1. Thi đỗ Đại học

Đó là cái gì chúng ta đã biết: các trường Đại học căn cứ vào những kiến thức bạn đã tích lũy được khi còn học phổ thông. Để thành công, bạn không nhất thiết phải chọn trường Đại học, nhưng nếu bạn nghĩ rằng đó là con đường mà bạn muốn đi thì hãy cố gắng thu nhận và tích lũy kiến thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các trường đại học đang nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển hơn và bạn ngày càng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn, đó là một trong những lý do để cố gắng tốt nhất khi bạn còn học ở trường trung học.

2. Rèn luyện kỹ năng sống

Nỗ lực hết mình khi bạn còn học ở trường trung học cũng giúp hình thành kỹ năng sống tuyệt vời! Dù bạn quyết định làm gì trong cuộc sống, nếu bạn muốn trở thành một người thành đạt, bạn sẽ luôn luôn cần phải nỗ lực hết sức của bạn. Nếu bạn cố gắng hết sức để làm các bài tập của bạn, nghiên cứu cho các bài kiểm tra sắp tới, hay tham gia vào các môn thể thao, bạn đã nhận được ba kỹ năng sống có giá trị ngay. Bây giờ bạn đã học được cách làm thế nào để chuẩn bị và làm thế nào để trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng, đó là tất cả các kỹ năng mà rất có thể giúp bạn.

3. Kiến thức và sự hiểu biết

Giáo viên đã luôn luôn nói với chúng ta rằng kiến thức là sức mạnh. Và kiến thức sẽ là thứ chúng ta thu nhận được trong lớp học! Vì vậy, chỉ đơn thuần là để cải thiện kiến thức của bản thân, bạn nên nỗ lực cao nhất khi còn học trong trường trung học. Bằng cách đó bạn có thể tiếp thu thật nhiều kiến thức để có thể trở thành một người trẻ độc lập và có kiến thức.

4. Không bị lưu ban

Không ai muốn bị lưu ban hay phải thi lại những kỳ thi mà tất cả bạn bè mình đã vượt qua? Nếu bạn bị như thế, chắc hẳn bạn sẽ rất xấu hổ với bạn bè và cảm thấy có lỗi với cha mẹ. Để tránh bị lưu ban hay thi lại, bạn hãy nỗ lực hết mình bằng cách học tập thật chăm chỉ. Vì một số môn thi là bắt buộc, bạn cần phải vượt qua chúng để tốt nghiệp.


5. Để có những kỳ nghỉ hè thảnh thơi

Mùa hè và học là hai từ không bao giờ được nhìn thấy trong cùng một câu! Nhưng nếu bạn không cố gắng hết sức, bạn sẽ phải đi học thêm rất nhiều trong kỳ nghỉ hè để bổ sung lại lượng kiến thức thiếu hụt. Sẽ thật buồn khi bạn phải cắp sách đi học thay vì phơi mình trong ánh nắng mặt trời trên bãi biển, hay ngắm nhìn phong cảnh đẹp và thưởng thức đồ ăn ngon cùng gia đình, bạn bè.

6. Có thời gian theo đuổi các niềm đam mê

Nếu bạn là một vận động viên, bạn cần phải cố gắng hết sức trong việc học để giữ điểm trung bình của bạn ổn định. Nếu bạn bắt đầu buông lơi trong một vài môn học, điểm trung bình của bạn sẽ bắt đầu trượt dốc và trượt cho đến khi bạn không còn được phép tham gia vào các môn thể thao hay theo đuổi niềm đam mê nào khác. Điều quan trọng với một học sinh là có kết quả học tập ổn nhất và không ai cho phép bạn theo đuổi các niềm đam mê mà bỏ quên đi việc học tập. Bằng cách nỗ lực hết sức, bạn có thể duy trì điểm trung bình cần thiết để gặt hái được nhiều thành công mà bạn mong đợi.


7. Làm vui lòng cha mẹ

Đối với một số người, cha mẹ và niềm mong ước của họ đã đủ là động lực để cố gắng tốt nhất. Nếu cha mẹ của bạn có những kỳ vọng quá cao, đừng để áp lực đó ảnh hưởng đến việc học của bạn! Thay vào đó, hãy chứng minh cho họ thấy rằng bạn là một học sinh tuyệt vời bằng cách cố gắng tốt nhất có thể trong suốt cả năm học. Mặt khác, nếu cha mẹ dường như có những kỳ vọng thấp cho bạn, bạn có thể cho họ thấy rằng bạn có khả năng như thế nào bằng cách chăm chỉ học tập và đạt kết quả cao trong các kỳ thi!

Nhiệt độ ngoài trời 7 độ C khiến học sinh Hà Nội vất vả khi đi học


Những ngày gần đây Hà Nội rơi vào tình trạng thời tiết rét buốt, nhiệt độ liên tục giảm xuống khiến cho sinh hoạt của người dân gặp phải nhiều khó khăn đặc biệt là việc đi học của học sinh rất vất vả.

Trái ngược hoàn toàn với thời tiết nắng ấm trong dịp Tết, gần 1 tuần nay, nhiệt độ tại Hà Nội liên tục xuống thấp khiến việc đi học của học sinh khá vất vả.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam, ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh Bắc và Trung Bộ. Không khí lạnh kèm mưa khiến nhiệt độ miền Bắc giảm thấp. Nhiệt độ thấp nhất đo được tại Hà Nội vào ngày hôm nay (13/2) là 7 độ C, cao nhất là 13 độ C. Không giống như những ngày nghỉ đợt Tết Nguyên Đán vừa qua, chỉ ngay khi bắt đầu quay trở lại với nhịp sống thường ngày, người dân Thủ đô đã phải chịu những đợt rét dài. Thời tiết khắc nghiệt này cũng đã khiến học sinh Hà thành đi học khá vất vả.

Có mặt từ sớm trên đường phố Hà Nội, chúng tôi đã ghi lại được những hình ảnh trùm kín mít từ đầu đến chân của nhiều bạn học sinh. Có vẻ như thời điểm này thì giữ ấm cơ thể là điều quan trọng nhất khi ra đường. Từ mũ len, khẩu trang, khăn quàng, găng tay, giày, tất cả những phụ kiện giữ ấm đều được tận dụng triệt để. Theo ghi nhận của chúng tôi, do trời lạnh nên nhiều trường học trong sáng nay cũng đã để cổng trường mở đến 7h30.

Với những ngày lạnh thế này, lựa chọn ăn sáng bằng những món ăn ấm nóng cũng là một cách khá phổ biến. Trên nhiều hàng xôi nóng, thịt xiên nướng hai bên đường, rất nhiều bạn học sinh đã tập trung khá đông để mua phục vụ nhu cầu bữa sáng của mình.



Gia sư cho học sinh 9 tuổi kiếm được 2 tỷ đồng một năm


Một gia đình giàu có đến từ Weybridge (Anh) đã đăng quảng cáo tìm gia sư cho con gái 9 tuổi với mức lương đáng mơ ước khoảng hơn 400 triệu VNĐ/tháng. Thông tin này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người.

Ông bà Surrey lo rằng con gái họ sẽ không làm tốt trong bài thi cuối năm nên sẵn sàng trả một số tiền lớn nếu gia sư có thể thúc đẩy việc học hành của cô bé. Với số tiền bỏ ra một tháng vào khoảng hơn 400 triệu, một năm gia đình này sẽ phải trả cho gia sư số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Theo quảng cáo trên mạng, bé Surrey là một học sinh thông minh nhưng đang bị “lạc lối”, thuộc top 5 lúc vào trường nhưng bây giờ bị tụt lại so với bạn học, luôn ở top cuối và trên 20% điểm dưới mức trung bình: “Sự tuột dốc này bắt đầu từ khi chuyển trường mới. Có lẽ sự ganh đua giữa học sinh cao hơn và trí thông minh bẩm sinh không đủ để giữ cho cô bé duy trì thành tích học tập tốt. Rõ ràng là việc này đã ảnh hưởng đến sự tự tin và là một hình ảnh không tốt làm cho nhà trường không thấy được sự trưởng thành mà họ mong đợi ở cô bé trong giai đoạn này.”


Ảnh minh họa

Gia sư cần phải có kinh nghiệm trong chương trình tiểu học Anh để dạy môn toán, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tiếng Pháp, giáo dục cá nhân, xã hội, sức khỏe (PSHE), nghiên cứu tôn giáo và vẽ. Giờ học là từ 6h đến 8h30 tối các ngày trong tuần và 5 tiếng học liên tục sáng thứ bảy và sáng chủ nhật.

Chưa đầy một tháng trước đây, một sinh viên Cambridge cũng đưa ra mức thù lao 48.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ VNĐ) cho gia sư chỉ trong 16 tuần.

Sửa xe miễn phí cho học sinh, cư dân mạng cảm kích trước tấm lòng của ông cụ tên Tâm


Hôm qua, một cư dân mạng đã chụp được một tấm hình ý nghĩa của một tiệm sửa xe ven đường với nội dung sửa xe miễn phí cho học sinh của ông cụ tên Tâm và post lên mạng xã hội khiến dân cư mạng hết sức cảm kích trước tấm lòng của ông cụ.


Hình ảnh chụp lời nhắn sửa xe miễn phí cho học sinh của ông Tâm được dân mạng chia sẻ với sự cảm kích vô bờ bến về lòng tốt không điều kiện.

Ngày hôm nay (19/12) trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đã truyền tay nhau bức ảnh rất ý nghĩa chụp một bảng thông báo sửa xe đạp miễn phí giúp các bạn học sinh cấp 1, cấp 2 của cụ ông tên Tâm.

Những câu từ được viết giản dị lên chiếc bảng đen, khiến rất nhiều người cảm động về tấm lòng của ông cụ: “Các cháu học cấp 1, cấp 2 đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa, ông không lấy tiền. Ông chưa sửa kịp, ông đưa đến trường”.


Tin nhắn của cụ Tâm khiến nhiều người cảm kích

Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh đã nhận được hơn 10.000 lượt yêu thích và hàng trăm lượt chia sẻ. Bức ảnh xuất hiện khiến nhiều người không khỏi cảm động về lòng tốt hiện hữu trong cuộc sống.

Bạn có nickname Thoa Trương bình luận: “Vẫn còn những người thật tuyệt vời, yêu thương giúp đỡ trẻ nhỏ như chính con cháu mình. Mong sao có nhiều người như thế để giúp đỡ các em nhỏ lúc gặp khó khăn mà không có cha mẹ ở kề bên. Cám ơn rất nhiều đến người ông của các cháu mà chúng mình chưa hề biết mặt, biết tên”.


Hàng nghìn lượt like

“Thật tuyệt vời, không có lời nào tốt hơn, kính chúc ông mạnh khỏe để hiến cho đời nhiều quả ngọt, hoa thơm”, bạn Khoat Nguyen chia sẻ sau khi xem được bức ảnh.

Còn bạn Hí Mít cũng chung quan điểm của nhiều thành viên khác cho rằng: “Nhìn hình ảnh này mình lại càng phải luôn cố gắng phấn đấu sống sao cho đẹp”.

Giữa cuộc sống xô bồ thường nhật nhiều khi người ta quên mất rằng đâu đó vẫn còn những tấm lòng tốt, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích cá nhân để hướng đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Sở GD&ĐT Hà Nội quy định trong lễ chào cờ học sinh phải hát Quốc ca

Quy định mới này của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa ra nhằm mục đích thể hiện tính trang nghiêm và ý nghĩa của buổi lễ chào cờ trong các trường học.

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra quy định kèm văn bản hướng dẫn chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca đối với giáo viên và học sinh thuộc các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, TTGDKT-TH, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục khác. Theo đó, quy định này yêu cầu trong các lễ chào cờ đầu tuần và các buổi lễ kỷ niệm thì tất cả giáo viên, cán bộ công nhân viên lẫn học sinh đều phải trực tiếp hát Quốc ca. Như vậy, đối với một số trường trước đây thường bật loa với bài Quốc ca được thu sẵn, thì nay học sinh, giáo viên đều sẽ phải hát trực tiếp.

Ảnh minh họa.

Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra nguyên do và nhấn mạnh rằng, chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca vốn là một nghi thức quan trọng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào và trách nhiệm của người Việt Nam với Tổ chức và nhân dân. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều trường học và cơ sở giáo dục đào tạo không hát Quốc ca mà chỉ nghe trên loa. Nên đã làm giảm tính trang nghiêm lẫn ý nghĩa của buổi lễ chào cờ Tổ quốc.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội còn yêu cầu các nhà trường, cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên, các đơn vị, tổ chức liên quan cùng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của lễ chào cờ Tổ quốc, tập hát Quốc ca để học sinh, sinh viên hiểu và hát Quốc ca trong lễ chào cờ Tổ quốc và các buổi lễ kỷ niệm để thể hiện tinh thần nhiệt huyết, lòng tự hào dân tộc của tuổi trẻ Việt Nam.

Không tưởng với trò nhảy dây bằng người của học sinh thời nay

Giới trẻ ngày nay do ảnh hưởng của mạng xã hội đã xuất hiện nhiều những trò chơi không mang tính chất giáo dục, thường thấy các em hay chơi các trò rất vô bổ và tỏ ra thiếu hiểu biết trong cuộc sống. Các em có thể sáng tạo ra các kiểu chơi mà người lớn gần như không thể tưởng tượng nổi. 

Mới đây một clip có tên "Trò chơi mới của học sinh "nhảy người" phát tán trên Youtube ghi lại một trò chơi "nghịch dại" của một nhóm học sinh đang còn đeo khăn quàng đỏ.

Trò chơi được thực hiện ngay trong lớp học. Một bạn nam đã bị dùng làm dây đu qua, đu lại cho một bạn khác nhảy qua người. Cả nhóm chơi trong sự thích thú nhưng không hề nghĩ đến sự nguy hiểm và hậu quả nếu chẳng may tuột tay làm rơi bạn nam, hoặc bạn kia không nhảy qua mà va chạm hoặc dẫm lên người nhau.

Không tưởng với trò nhảy dây bằng người của học sinh thời nay

Không tưởng với trò nhảy dây bằng người của học sinh thời nay

Trò chơi mạo hiểm trên tính mạng của học sinh

Đây không phải là lần đầu tiên những trò chơi nguy hiểm của học sinh được tung lên mạng. Trước đó, cộng đồng mạng đã lên án mạnh mẽ những kiểu nghịch dại của học trò như: xếp trồng ghế nhựa và đứng thăng bằng, vờ thả bạn gái ra ngoài ban công,...

Học sinh 14 tuổi đâm chết cô giáo dạy toán


Một học sinh 14 tuổi đã bị buộc tội giết chết cô giáo dạy toán bằng giao rọc giấy ngay tại khuôn viên trường

Cậu học sinh Philip Chism ngồi vẽ nguệch ngoạc và nghe nhạc trong giờ đại số của cô giáo Colleen Ritzer. Cảm thấy việc vẽ vời như vậy dường như rất không bình thường với Chism nên sau khi chuông hết tiết vang lên, lúc 13 giờ 55 ngày 22-10, cô giáo đã yêu cầu cậu ở lại sau giờ học - một bạn gái học cùng lớp nói với CNN.

Học sinh 14 tuổi đâm chết cô giáo dạy toán

Cô giáo Colleen Ritzer

Theo người bạn cùng lớp tên Cambria Cloutier, Chism ít khi tham gia các thảo luận trong lớp “nhưng thực sự là một học sinh tốt”. Sau khi có việc quay lại gần khu vực lớp học, Cloutier cho biết em đã nhìn thấy cô Ritzer đứng gần máy tính và Chism ngồi trên ghế cách đó 2-3 m. Cô giáo còn mỉm cười với học trò.

Nguồn tin thân cận từ cơ quan điều tra cho biết sau đó, cô Ritzer đi lên phòng tắm nữ sinh Trường Trung học Danvers ở lầu một và Chism đã bám theo cô gây án.

Học sinh 14 tuổi đâm chết cô giáo dạy toán

Nam sinh Philip Chism - nghi can giết cô giáo (bìa phải)

Trường học mở cửa trở lại hôm 25-10 sau khi những lời giải đáp đầu tiên xuất hiện. Cô Ritzer đã bị giết bằng con dao rọc giấy mà Chism mang đến trường. Theo nguồn tin CNN, trước khi đâm chết cô giáo, hung thủ còn đấm vào mặt cô. Thi thể của cô giáo Colleen Ritzer đã bị nam sinh này cho vào thùng rác, đẩy ra bên ngoài và bỏ lại cách bìa rừng khoảng 6 m, sau khu thể thao của trường.

Sau khi gây án, Chism thay quần áo, đến nhà hàng thức ăn nhanh Wendy và đi xem phim. Sau đó, cảnh sát thị trấn lân cận thấy y đi bộ trên một con đường xe cộ đông đúc rạng sáng 23-10.

Tuy nhiên, nghi vấn vì sao một nhà giáo dục luôn được học trò yêu quý lại bị giết chết bởi nghi phạm là một thiếu niên được bạn bè, gia đình mô tả khá kín đáo và cư xử tốt, vẫn là điều bí ẩn.

Học sinh 14 tuổi đâm chết cô giáo dạy toán

Xác cô giáo được phát hiện ở sau khu thể thao của trường

Chism, cậu học sinh mới chuyển đến Danvers, một thị trấn 26.000 dân ở vùng ngoại ô Boston, trước khi bắt đầu năm học mới, vẫn bị tạm giam hôm 24-10. Theo lời bạn bè, Chrism không dùng thuốc hoặc rượu, xuất thân từ gia đình tốt và khá nhút nhát. Về phía cô giáo Ritzer, học sinh và đồng nghiệp mô tả cô là một người luôn tận tâm vì học sinh.

Cái chết của cô Ritzer khiến nhiều giáo viên và học sinh trường Danvers choáng váng. Cô giáo Charlotte Dzerkacz, một đồng nghiệp cô Ritzer, nói: “Cô ấy thật nhiệt tình và sống rất tình cảm. Bạn không thể mong đợi gì nhiều hơn thế từ một giáo viên hay một người bạn”.