Video Clip giúp giữ lại những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của tuổi học trò

Video Clip về lớp là một món quà kỉ niệm tuyệt vời giúp giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi học trò, vậy thì sao lớp bạn không làm một video kỉ niệm nhỉ. 

Hãy cùng làm một video clip, hãy cùng nhau quay lại những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của lớp mình để giữ lại từng chút một tình cảm dành cho nhau nhé.
Mùa chia tay, những lứa sinh viên cuối cấp rục rịch chuẩn bị chụp ảnh kỷ yếu, viết lưu bút, tổ chức những buổi dã ngoại tập thể, quay video clip… để lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ cùng nhau. Sau đây chính là 10 lý do lớp bạn nên làm một video clip kỷ niệm.

Ghi lại khoảnh khắc trưởng thành

Đó chính là lý do để bạn thấy được hình ảnh đáng yêu và tự nhiên nhất của mình cùng bạn bè, thầy cô và mái trường. Còn giống như một cuốn lưu bút bằng hình ảnh sinh động để ghi lại một nấc thang trong quá trình trưởng thành của tất cả thành viên trong tập thể lớp.

Gắn kết tình bạn

Nếu lớp bạn có một vài cá nhân quá trầm lặng, không để lại nhiều ấn tượng, nếu lớp bạn có một vài nhóm bạn đang xích mích mà chưa có dịp hòa giải thì đây chính là dịp để kết nối trái tim của tất cả thành viên một cách hữu hiệu nhất. Hãy chuẩn bị một kịch bản vừa có ý nghĩa lại mang tính tập thể cao, hãy để tất cả mọi người cùng hồ hởi “nắm tay nhau” làm video clip, khi ấy bạn sẽ thấy tập thể lớp mình đoàn kết thế nào.


Lắng nghe tâm sự

Để từng cá nhân tâm sự về tình cảm của mình, về ấn tượng và những kỷ niệm mình không thể nào quên với tập thể lớp, từ những lần đùa dai nghịch dại đến những lần xấu hổ muốn chết. Đây chính là điều mà chẳng ai “nỡ” từ chối cả. Hơn nữa những lời tâm sự này sẽ giống như là một món quà khiến bất cứ ai xem cũng đều thấy vui vẻ.

“Từ trái tim đến trái tim”

Đúng vậy đó, một video clip sẽ vô tình tiết lộ rất nhiều bí mật, đặc biệt là chuyện tình củm. Trong những giây phút xúc động người ta thường bày tỏ tình cảm của mình đến với những người mình yêu quý. Có thể những người được bày tỏ sẽ khá bất ngờ, có thể sẽ rất vui và hạnh phúc vì trong suốt quãng thời gian học với nhau lại có thể để lại ấn tượng đẹp như vậy trong lòng bạn học.


Ngưng đọng thời gian

Vẫn biết sẽ có ngày phải chia tay nhau để đến một nấc thang mới, vẫn biết hiện tại ngày hôm nay có thể trở thành quá khứ của ngày mai. Việc ngưng đọng thời gian không phải là mượn từ chiếc túi thần kỳ của chú mèo máy Doraemon mà là sức mạnh niềm tin của tất cả mọi người. Chỉ cần nhấc máy quay lên, nhớ về quá khứ, cảm nhận hiện tại, bạn sẽ không còn cảm thấy thời gian sao mà trôi quá nhanh nữa.

Trang hồi ức để nhớ về

Mục đích chung của hầu hết những tấm ảnh kỷ yếu, những trang lưu bút đều là vun đắp kỷ niệm để bất cứ một ngày nào đó lật giở lại có thể nhớ về. Khoảnh khắc đã từng trải qua những vui buồn hờn giận trong suốt quãng thời gian còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có bạn bè, thầy cô.

Hình ảnh là thứ giúp truyền đi cảm xúc nhanh nhất, cũng chính là kho báu vĩnh viễn không hề biến mất, video clip kỷ niệm chính là mang quá khứ thu lại, để bạn có thể mang nó đi theo suốt cuộc đời.


Món quà gửi đến tương lai

Để mỗi khi gặp phải áp lực, mỗi khi cảm thấy chán nản hay tuyệt vọng, buồn bã hay cô đơn, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn lại và lấy dũng khí sống tốt hơn, lấy dũng khí làm lại và vực dậy quyết tâm. Mỗi lần xem lại những gì đã làm trong video kỷ niệm ấy có thể mỉm cười vì những phút giây trong trẻo, tự nhiên nhất ở quá khứ, có thể thấy vui vẻ yêu đời vì đã từng trải qua một thời đi học đầy ý nghĩa như thế.


Động lực để yêu thương nhiều hơn


Làm một video clip kỷ niệm cũng chính là cách để bạn học tập và đánh thức cảm xúc yêu thương. Tất cả mọi người đều sẽ nhận ra cần phải thể hiện tình cảm thế nào, cần phải chia sẻ thế nào cho nhau. Một video clip ý nghĩa còn khiến tất cả các thành viên trong lớp nhận ra ý nghĩa của tình cảm gắn bó tập thể trong suốt những năm học chung, từ đó sẽ muốn yêu thương nhau nhiều hơn.


Hoàn thành những điều chưa làm được

Thường thì khi phải chia tay, người ta thường nhớ về những điều chưa làm được và hy vọng có thể thực hiện. Thử lên một kịch bản để hoàn thành tâm nguyện của tất cả các thành viên trong lớp xem, có thể sẽ là món quà giá trị nhất đối với từng cá nhân đó.

Gửi đi những lời chúc phúc

Trong mỗi video clip sẽ luôn có những lời chúc phúc, những lời chúc may mắn, vui vẻ, thành đạt, những lời chúc đáng yêu và chứa đựng tình cảm chân thành của từng người một với các thành viên trong lớp. Ghi lại khoảnh khắc ấy trong video clip sẽ là điều tuyệt vời lắm phải không?

Làm bất cứ điều gì để lưu lại kỷ niệm cũng đều là những hành động ý nghĩa giúp chúng ta nhớ nhau, yêu thương nhau và trân trọng nhau trong những tháng ngày cận kề với giờ phút chia tay. Hãy cùng làm một video clip, hãy cùng nhau quay lại những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của lớp mình để giữ lại từng chút một tình cảm dành cho nhau nhé.

Những trò nghịch nguy hiểm của lứa tuổi học trò

"Nhất quỷ nhì mà thứ 3 học trò" đúng chẳng sai một tí nào. Lứa tuổi học trò luôn gắn liền với những trò nghịch ngợm và có những trò nghịch vô cùng nguy hiểm mà chúng không thể nào biết hết được.

Để bút dưới mông bạn

Đây là trò nghịch ngợm vô cùng quen thuộc của thế hệ học trò cả xưa và nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng lường trước những nguy hiểm của nó. Khi bị va chạm mạnh với đầu nhọn của bút, các bạn có thể sẽ phải chịu những chấn thương từ nhẹ đến nặng như xây xước, chảy máu, chấn thương sâu bên trong…

Thậm chí, nếu vết thương quá sâu, nó còn có thể chảy nước, mủ và rất lâu lành hoặc nguy hiểm hơn là làm thủng, rách ruột. Vì vậy, tuyệt đối không nên chơi những trò nguy hiểm như vậy nhé!


Thổi bụi tẩy vào nhau

Học sinh luôn “sáng tạo” ra những trò chơi rất quái đản. Một trong những trò chơi điển hình ấy chính là thổi bụi tẩy vào nhau. Có thể rất nhiều bạn cho rằng trò chơi này vô hại, tuy nhiên, nó lại có thể gây ra những nguy hiểm khôn lường. Khi thổi bụi tẩy và làm rơi vào mắt, mũi, những hạt bụi tẩy đó có thể rơi vào khí quản, gây ảnh hưởng đến quá trình hô hấp hoặc rơi vào mắt, làm tổn thương giác mạc... Đặc biệt, nếu tiếp tục dụi mắt thì chúng còn có thể gây ra những tổn thương nặng hơn và dẫn đến mù mắt.

Leo lên ghế nhựa xếp chồng

Đây là một trong những trò chơi “mới” nhưng được trưng dụng rất thường xuyên để thể hiện “cá tính”. Các bạn học sinh xếp chồng những chiếc ghế nhựa lên nhau và đứng lên đó giống như đang làm “xiếc”. Điều này thực sự rất nguy hiểm bởi những chiếc ghế nhựa có thể bị gãy, lệch đi dễ dàng và làm các bạn ngã bất cứ lúc nào.

Nó không chỉ dẫn đến những tổn thương nhẹ trên da mà còn có thể ảnh hưởng đến xương, thậm chí gây chấn thương sọ não do chúng ta ngã ở trên cao. Trò chơi này được liệt vào danh sách những trò chơi nguy hiểm nhất của học sinh, các bạn tuyệt đối không nên thử.


Các trò chơi với phấn bảng

Những ai từng là học sinh sẽ vô cùng quen thuộc với những trò chơi với phấn bảng như vẽ lên bàn, ghế để chia “lãnh thổ”, dùng phấn ném nhau..., thậm chí, có những bạn nghịch ngợm còn sử dùng bột phấn bảng nghiền để làm “vũ khí”. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi bụi phấn chứa những chất rất độc hại đối với sức khỏe của chúng ta.

Khi các bạn chơi những trò chơi như vậy, bụi phấn có thể bay vào tai, mắt, mũi và gây nên rất nhiều căn bệnh về tai, mũi, họng hay mắt. Nguy hiểm hơn, nó còn có thể gây nên những căn bệnh mãn tính về tai, mũi, họng… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đấy!

Ngôi trường Quốc học Huế đẹp màu ước mơ


Ngôi trường Quốc học Huế đã có lịch sử hàng trăm năm nay với những thế hệ học trò giỏi giang, thành công và nổi tiếng khắp cả nước, đó là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng, ý chí của bao thế hệ học trò.
Đối với các thế hệ học trò trường Quốc học, đây là mái nhà thứ hai, là nơi nuôi dưỡng ước mơ, nơi họ vẫn tự hào gọi với cái tên thân yêu ngôi trường mang “màu ước mơ”


Quốc học Huế là ngôi trường đẹp nổi tiếng với lối kiến trúc khá lạ và độc đáo.


Những bức tường được sơn màu hồng nổi bật đã trở thành đặc trưng riêng của trường và vẫn được các bạn học sinh gọi với cái tên thân thương “màu ước mơ”.


Lê Hồng Khanh học sinh lớp chuyên Lý khóa 2010- 2013, dù đã ra trường nhưng nhắc về nơi đây, vẫn nhớ “những giờ ra chơi, bọn mình hay tụ tập đá cầu ở khoảng sân trước cửa lớp”.


Thuở học trò đáng nhớ đôi khi bởi có bác bảo vệ vui tính, vẫn thỉnh thoảng đùa với học sinh, có cụ già bán xôi hiền hậu và có cô lao công cần mẫn vẫn thường gọi học trò là “con”. Cậu học trò cũ Hồng Khanh còn nhớ “Có cụ già bán xôi ở cổng phụ, dù mưa hay nắng cụ cũng ngồi đó. Vì thương cụ nên bọn mình rất hay mua xôi ở đó”.


Từ những ô cửa sổ nhỏ hay dãy hành lang trước phòng học, biết bao cô cậu học trò đã từng thả hồn, nghĩ về trường lớp, bạn bè, về cuộc sống và về tương lai. Một thuở mộng mơ, hồn nhiên. Các bạn học sinh của ngôi trường này đều tự hào rằng cái tuổi đẹp nhất của con người được gắn bó với ngôi trường đẹp lung linh mang tên Quốc học Huế này.



Tô Trần Chân Như, học sinh chuyên Anh khóa 2008-2011 chia sẻ: “Mình thích nhất góc sân thượng ở tầng 2 của nhà chơi. Ở đó có cửa sổ leo ra ngoài mái nên bọn mình trèo được ra ngoài để có thể ngồi ngắm trăng. Từ đó cũng có thể nhìn thấy một góc rất khác của trường, đẹp và gần gũi”.


Điệp anh đào, loài hoa đặc trưng và làm nên thương hiệu của trường Quốc học Huế. Mỗi mùa hoa đến lại làm rung rinh bao trái tim học trò. Mỗi bước chân đều vương lại cánh hoa rơi. Cả ngôi trường bừng sáng một sắc hồng, như ghi dấu và làm đẹp thêm những tình bạn học trò trong sáng.


Mọi người thường gọi nó với cái tên “hoa đỗ mai” và hình như chỉ dân Quốc học Huế mới gọi loài hoa tháng 2 ấy với cái tên thân thương “điệp anh đào”.



Mỗi góc nhỏ của trường đều rất đẹp trong mắt các bạn học sinh.

Tình yêu tuổi học trò

Ngày xưa, lễ giáo trong mỗi nhà trường và gia đình thường rất khắt khe, học sinh không được phép yêu đương mà chỉ có ăn - ngủ - học. Nhưng ngày nay, tư tưởng đã rộng mở hơn, tình yêu tuổi học trò đã dần được xã hội chấp nhận và ủng hộ. 

Yêu là không tập trung học hành

Trong những ngày tháng học tập cùng nhau, việc phát sinh tình cảm là điều không thể nào tránh khỏi. Một tuần có 7 ngày thì hết 5 ngày các bạn đã gặp nhau ở trường, chưa kể thời gian đi học thêm và tham gia các sinh hoạt đội nhóm. Chuyện gặp nhau thường ngày đã trở thành thói quen của không chỉ riêng mỗi cá nhân nào.

Việc gặp mặt nhau thường xuyên như thế làm cho tình cảm của các bạn ngày một tăng lên, sự quan tâm dành cho nhau cũng nhiều hơn và đó sẽ là một sự báo động nếu như việc quan tâm người yêu vượt quá mức độ, ảnh hưởng đến việc học hiện tại. Đa số các phụ huynh và những người lớn tuổi đều cho rằng, một khi đã vướng vào tình yêu, các bạn sẽ không thể nào chuyên môn tập trung cho việc học của mình được. “Mới tí tuổi đầu mà vướng vào những chuyện yêu đương như thế thì tâm trí đâu mà lo bài vở. Cứ thấy chúng nó suốt ngày chở nhau đi trên đường hẹn hò này nọ, có thấy đứa nào lo ở nhà học hành gì đâu” – cô M.K, 1 phụ huynh tâm sự khi được hỏi về vấn đề này. Hơn nữa, việc cứ giáp mặt nhau hằng ngày làm cho các bạn không thể nào chấm dứt được tình cảm dành cho đối phương, nhất là khi áp lực học hành, áp lực từ bố mẹ và người lớn khiến các bạn không còn đủ sức để “yêu” nữa.

Tình yêu đi và lý trí đi ra

Độ tuổi học trò phần lớn thuộc giai đoạn dậy thì mới lớn, tâm sinh lý vẫn chưa ổn định và hoàn thiện nên suy nghĩ của nhiều bạn vẫn chưa chín chắn. Nếu nhìn mọi thứ bằng con mắt thực tế, chưa chắc các bạn đã có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Đằng này khi yêu, các bạn hầu hết đều sử dụng con tim và tình cảm để suy nghĩ và dùng tiếng lòng của mình để đưa ra quyết định thì thường sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu xảy ra. Tò mò muốn thử, suy nghĩ đơn giản không tính đến hậu quả phía trước, sợ hãi, giấu giếm người lớn khi sự việc đã vỡ lỡ, tất cả sẽ như một cánh cửa đóng sầm tương lai mà lẽ ra sẽ thật tươi sáng của các bạn.

Tình yêu học trò cũng chẳng có gì đáng trách?

“Nói yêu thì nặng nề quá. Tụi mình thật ra là chỉ dừng lại ở mức độ trên quý mến nhau một tí. Có chuyện gì buồn hay vui thì chia sẻ cho nhau nghe, bài tập khó thì cùng nhau làm, hôm nào cuối tuần rảnh rỗi thì lại đi trà sữa giải khuây. Thay vì có một cô hay một cậu bạn thân, thì giờ đây mình lại có một cậu bạn được gọi là trên mức bạn bè, cùng mình trải qua những kỉ niệm đẹp của thời học sinh” – nữ sinh lớp 12 chia sẻ.

Tình yêu học trò còn là động lực hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau

Tuổi học trò hơn ai hết là những người có lòng tự trọng cao vút trời, sĩ diện của tuổi trẻ với cái tôi bản thân không chịu thua ai, đó chính là một trong những nguyên nhân ngầm giúp các bạn phấn đấu vươn lên trong học tập. Dù cho đôi khi mục đích chỉ để cảm thấy không mất mặt, không bị đặt “dưới cơ” cô cậu người yêu được cho rằng học giỏi hơn mình, thì vô tình kết quả các bạn nhận được cũng là một sự tiến bộ vượt bậc trong học tập.

Cũng có thể thay vì lấy thời gian hẹn hò trà nước tốn kém, các bạn lại chọn cách học nhóm cùng nhau, vẫn có thể được gặp nhau, được nói chuyện với nhau, mà lại mang đến những hiệu quả tích cực. Phải đỗ đại học cùng nhau, phải cố gắng để được cùng tham gia kì thi học sinh giỏi với đàn anh đẹp trai khóa trên, phải có thành tích mới được các em xinh gái khóa dưới công nhận.

Không thể khẳng định những điều này một cách hoàn toàn, nhưng có ai phủ nhận rằng liệu không có gốc rễ tình cảm làm động lực thúc đầy, thì liệu các bạn có thể kiên trì cố gắng đến cuối cùng hay không?

Tình yêu học trò cũng cần lắm sự giúp đỡ của người lớn

Đôi khi tình yêu tuổi học trò không quá nặng nề như những gì người lớn định kiến, thực ra đó vẫn là những tình cảm rất đỗi trong sáng, cũng có lúc vui vẻ, cũng có những hờn dỗi, điều quan trọng là các bạn được giáo dục về cách nhận thức tình yêu như thế nào là đúng. Trong vấn đề này, cha mẹ thầy cô được xem là những người có vai trò cực kì to lớn, tác động đến suy nghĩ cũng như những hành động của các bạn. “Quả thật lúc đầu cô cũng thấy lo, nhưng sau thấy chúng nó cũng giúp đỡ nhau trong chuyện học hành cũng như tham gia các hoạt động đoàn thể này nọ cũng tốt. Không đi quá giới hạn cho phép thì được rồi, trẻ con bây giờ lớn sớm lắm, càng cấm cản chúng nó càng làm càn thì khổ” – cô L.A, mẹ của 1 học sinh lớp 11 chia sẻ.


“Các em thường có xu hướng dùng sự bướng bỉnh của mình để chống lại người lớn, ép buộc không làm thì các em sẽ càng cố sức vẫy vùng làm ngược lại. Dù biết đó là hành vi không đúng, nhưng các em cho rằng đó là cách duy nhất để phản kháng và chứng tỏ bản thân. Thay vì ra sức ngăn cấm các em, thì cứ nhẹ nhàng khuyên bảo và hướng tới hành động tích cực hơn. Chỉ khi nào sự việc quá lắm mới phải dùng biện pháp mạnh” – GVCN 1 trường THPT cho biết.

Yêu nhau đâu phải chuyện gì cũng nói cho nhau nghe, đặc biệt những chuyện xảy ra đối với người trong cuộc, những lúc như thế, lời tâm sự giải bày với người lớn, hy vọng có được lời khuyên bổ ích và hành động đúng đắn là liều thuốc tốt nhất và kịp thời nhất đối với những mầm xanh non trong con đường tình cảm đầy khó khăn này.

Tạm kết

Tình yêu tuổi học trò không phải là điều xấu, đó chỉ là những rung động đầu đời rất đỗi đáng yêu mà mỗi người ai cũng phải trài qua khi cắp sách đến trường. Có thể tình yêu này mang đến cho các bạn những ngọt ngào hạnh phúc, nhưng hãy nhớ rằng, ở lứa tuổi này, tình yêu không phải là tất cả. Như một đồng xu hai mặt, vấn đề nào cũng tồn tại những cái lợi cũng như những cái hại, quan trọng là bạn biết rõ tay mình đang cầm mặt nào của đồng xu và tung nó như thế nào để không bị vướng phải những bất lợi do nó mang lại. Tình yêu tuổi học trò cũng như thế, đừng quá sức chăm chút vào nó, hãy để nó mãi tồn tại đúng như định nghĩa ban đầu mỗi khi được nhắc đến “hồn nhiên, ngây thơ và đầy đáng yêu”.