Bóc mẽ những chiêu trò lừa đảo trên internet

Sự bùng nổ và phát triển của công nghệ thông tin một mặt tạo ra nhiều ứng dụng thực tế cho cuộc sống của con người tuy nhiên nó cũng mang lại nhiều tác hại không kém.

Là phương tiện kết nối mạnh mẽ nhất, cũng là mảnh đất "hái ra tiền" của rất nhiều người, internet ngày một tỏ rõ vị thế cũng như lợi ích của mình tới với người dùng. Thế nhưng, ngoài những điều tích cực internet mang lại, kết nối này cũng ẩn chứa rất nhiều hiểm hoạ nguy hiểm, đáng nói nhất là những cú lừa "ngoạn mục" khiến người dùng không thể hiểu nổi tại sao mình lại mắc bẫy. Dưới đây là một số trò lừa phổ biến nhất trên mạng internet.

1. Bạn đã trúng thưởng!

Vào thời kì đầu khi mới sử dụng internet, chắc hẳn chúng ta chẳng còn xa lạ gì với những cửa sổ Pop-up hiện thông tin trúng thưởng với giá trị cao. Nếu như bạn tò mò và click vào, bạn có thể gặp rất nhiều vấn đề khác nhau. Nếu như may mắn, Pop-up này chỉ để quảng cáo cho một sản phẩm nhất định hoặc thu hút lượt click về các website, bạn có thể an tâm. Thế nhưng, rất nhiều Pop-up chứa mã độc có thể đánh cắp mật khẩu, tài khoản của người dùng, tệ hại hơn là lan truyền virus để chiếm đoạt thiết bị của bạn.


Những thông điệp với nội dung "câu kéo" như trên xuất hiện rất nhiều trên mạng, người dùng có thể dính mã độc hoặc virus nếu không thận trọng.

Sự phát triển của internet cùng các thói quen của người dùng đã dần đẩy lùi những thông báo dạng này, giờ đây các loại thông báo hiển thị thường được tích hợp dưới dạng ứng dụng quét virus máy tính hoặc các phần mềm tăng tốc cho thiết bị bạn đang sử dụng. Để tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra, tốt nhất đừng click vào những cửa sổ bỗng dưng xuất hiện hay click chuột để nhận giải thưởng...

2. Những tin nhắn lừa đảo trên mạng xã hội

Ngày một nhiều người dùng Facebook gặp phải tình trạng này, ban đầu là một đường link được chia sẻ trên trang chủ Facebook với những nội dung vô cùng nhạy cảm, chỉ một lần click chuột, đường link này sẽ tự động xuất hiện trên trang cá nhân của bạn cũng như tự động "lây nhiễm" với toàn bộ bạn bè trong danh sách.

Tin nhắn lừa đảo trên Facebook thời gian gần đây, người dùng có thể tránh bị ảnh hưởng nếu kiểm tra kĩ lưỡng đường link chia sẻ.

Những đường link này thường chứa mã độc để ép người dùng like một trang nhất định, lan truyền thông tin hoặc đánh cắp mật khẩu người dùng. Thường những đường link độc hay xuất hiện mỗi khi có các sự kiện lớn xảy ra, gần đây nhất là vụ máy bay MH370 mất tích, hàng loạt đường link chứa mã độc xuất hiện tràn lan trên Facebook.

3. Email giả mạo

Bằng cách này hay cách khác, các hacker có thể giả mạo địa chỉ email của các ngân hàng, tổ chức lớn hay thậm chí là giả cả email của chính phủ để lừa người dùng. Điểm chung của những email này đều là hướng người dùng click vào một đường link chứa mã độc, đường link hướng tới website bị làm giả giao diện từ đó đánh cắp các thông tin liên quan tới người dùng.

Một đoạn email giả mạo nhằm chia sẻ virus nhưng có địa chỉ người gửi... giống hệt thật.

May mắn thay, các hệ thống email lớn đều tự động lọc được các loại email chứa mã độc này. Thế nhưng, để hạn chế hết mức các trường hợp xấu có thể xảy ra, người dùng nên xem thật kĩ địa chỉ email người gửi cũng như kiểm tra đường link được gửi tới có đúng là thật hay không.

4. Từ thiện lừa đảo trên internet

Sau một thảm hoạ thiên tai hay những vụ tai nạn thảm khốc, rất nhiều tổ chức trực tuyến tiến hành quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân, họ cũng đồng thời kêu gọi những người dùng trợ giúp trong hành động quyên góp này. Thế nhưng, ngoài các tổ chức chính thống với mục đích lương thiện cũng có rất nhiều website giả mạo được tích hợp sẵn công cụ quyên góp, những website này dựa vào tình thương giữa con người để trục lợi, đút túi khoản tiền từ thiện của người dùng và tệ hại hơn là đánh cắp mật khẩu ngân hàng khi người dùng thực hiện thanh toán.

Để tránh được những trường hợp đáng tiếc như trên có thể xảy ra với bạn, hãy chọn các tổ chức lớn có uy tín, thực hiện đóng góp thông qua ngân hàng thay vì nhập tài khoản trên các website (chuyển tiền chứ không nhập số tài khoản cùng mật khẩu để thanh toán trên mạng). Khi đó, sự đóng góp của bạn sẽ tới đúng nơi, đúng người và trở thành hành động có ích.

5. Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn muốn gặp may mắn cả tháng!

Với những người dùng Facebook, chắc hẳn không ai lạ lùng gì với các đoạn thông điệp trên. Trước đây khi Facebook mới du nhập về Việt Nam, rất nhiều người dùng gửi tin nhắn cho toàn bộ bạn bè mình với thông điệp dạng như: "Hãy chia sẻ bài viết này tới tất cả bạn bè trong danh sách nếu muốn gặp may cả tháng", "nếu bạn không chia sẻ bài viết này bạn sẽ ế suốt đời"... Mặc dù những thông điệp này không gây ảnh hưởng tới người dùng, thế nhưng chẳng ai muốn bị spam cả ngày với loạt thông tin nhảm nhí đó cả.


Ngoài những thông điệp "hại não", trên Facebook còn từng xuất hiện nhiều tin nhắn lừa đảo về việc Facebook thu phí sử dụng cũng như nhiều thông tin khác khiến người dùng hoang mang.

Sau khi người dùng Facebook "tỉnh" hơn, những thông điệp này cũng dần chuyển hướng, thậm chí chúng biến tướng mạnh mẽ hơn thành những hoạt động "câu Like" trắng trợn. Ví dụ điển hình của hành động này là những bài viết dạng như: "Mỗi like tấm hình sẽ đóng góp 1.000 đồng cho các nạn nhân bão lũ", "1.000.000 like để đem lại hoà bình thế giới"... Các loại thông điệp đó thực sự gây khó chịu cho người dùng mạng xã hội.

Theo bạn, còn những hành động lừa đảo nào phổ biến trên internet? Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình trong phần bình luận phía dưới nhé!

"Nghiện" Internet và những biểu hiện của "căn bệnh"


Internet với những cám dỗ của nó đang "hành hạ" giới trẻ hiện nay và đang trở thành một "căn bệnh" nguy hiểm. Vậy những biểu hiện của căn bệnh này như thế nào sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu. 

Trong cuộc sống hiện nay, không ai có thể phủ nhận vai trò của Internet trong tất cả mọi lĩnh vực, từ học tập đến làm việc và đặc biệt là giải trí. Chính bởi sự đa dạng và muôn màu này, Internet bắt đầu trở thành một chất gây nghiện, đặc biệt là đối với giới trẻ. Bạn có đang cảm thấy mình lệ thuộc quá nhiều vào Internet? Hãy cùng kiểm chứng mức độ “nghiện” Internet của bạn bằng các dấu hiệu dưới đây. Bạn nên nhớ rằng bản thân Internet không xấu nhưng cách chúng ta sử dụng nó ra sao cho hiệu quả và hợp lí mới là vấn đề cần lưu tâm. Nếu đang có dấu hiệu "nghiện" Internet, bạn nên nhanh chóng tìm ra một giáp pháp sử dụng thông minh hơn nhé.

1. Bắt đầu đọc hoặc xem những thứ mà bản thân không thực sự quan tâm.


Cũng tương tự như những ngày TV còn là một phương tiện giải trí độc tôn cho giới trẻ, mặc dù bạn liên tục than vãn rằng chẳng có gì hay ho nữa để xem thì bạn vẫn không thể tránh xa khỏi nó được. Đối với một người “ghiền” Internet, họ luôn nghĩ ra những việc để làm trên thế giới mạng, đôi khi chỉ là vô thức lướt một trang báo mạng trong khi bạn chưa cảm thấy có nhu cầu cập nhật thông tin hay thậm chí là chỉ... vừa mới truy cập trang mạng này vài phút trước đó.

2. Hộp thư của bạn có hàng nghìn thư chưa được đọc từ rất nhiều website.


Gặp một diễn đàn hay ho, đăng kí làm thành viên nhưng sau đó quên nó đi. Đăng kí một mạng xã hội nhưng chẳng bao giờ vào lại... có lẽ đối với người sử dụng Internet thường xuyên, những tình huống kể trên chẳng có gì hiếm gặp. Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi bạn để lại địa chỉ email của mình ở quá nhiều nơi, những dịch vụ, diễn đàn kể trên sẽ liên tục gửi thư cho bạn nhằm mục đích nhắc nhở quay trở lại với dịch vụ của họ. Nếu bạn đang có cả trăm hoặc thậm chí là cả nghìn những email chưa đọc thuộc loại trên, có lẽ bạn nên xem lại mức độ “ghiền Internet” của bản thân rồi.

3. Tự hứa sẽ đi ngủ sớm những rồi quên khuấy vì có một điều gì đó hay ho trên Internet.


Ngủ đủ giấc vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mỗi cá nhân, điều này thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Thú nhận đi, mỗi tối bạn phải “đấu tranh” với bản thân để có thể tắt PC và đi ngủ. Nhưng khi đã yên vị trên giường rồi, không ít trong số các bạn lại lấy smartphone ra, check lần lượt tất cả các mạng xã hội, đọc báo, đọc truyện... Và rồi quên khuấy luôn mục tiêu quyết tâm đi ngủ sớm.

4. Bạn không thể nhớ nổi tại sao bạn lại truy cập một trang web nào đó.



Điều này thì cũng chẳng có gì lạ, giả sử bạn đang “lướt” Facebook, cuộn chuột qua hàng chục tấm hình “tự sướng”, hàng tá “check-in”... đột nhiên bạn thấy một bài đăng chia sẻ dẫn link một trang web nào đó bạn chưa từng truy cập. Bạn vào đường link này và dĩ nhiên một thời gian sau đó nếu có vô tình gặp lại trang web trên, bạn cũng chỉ mang máng mình đã từng đọc nó còn lí do tại sao thì chắc có lẽ bạn chẳng thể nào nhớ nổi.

5. Biết không sót một Internet meme nào


“Meme” trước đây được định nghĩa như “một ý tưởng, quan điểm, hành vi hoặc phong cách được lan truyền từ người này sang người khác trong một nền văn hóa”. Tuy nhiên, “meme” hiện đại được nhiều người biết đến thì chủ yếu tập trung vào các yếu tố hài hước. Các hình ảnh “meme” được cộng đồng đón nhận khá nhiệt tình bởi tính hài hước và được chia sẻ trên các mạng xã hội với tần suất dày đặc, thậm chí các website chuyên dụng để chia sẻ các “meme”, hình chế... đang mọc lên như nấm. Nếu bạn chẳng lạ bất cứ “meme” nào cũng như ý nghĩa của chúng thì chắc chắn bạn đang là tín đồ của loại hình “văn hóa mạng” này rồi!

6. Bắt đầu muốn làm việc trên mạng


Rất nhiều người đang làm việc online và điều này thì chẳng có gì xấu cả, vấn đề là mục đích tại sao bạn lại muốn bản thân mình có được một công việc như vậy. Có phải bạn không thể chịu nổi cảnh làm việc ở văn phòng nơi những website như Facebook, Youtube... bị chặn? Hay bạn không thể ngừng chơi Candy Crush trên chiếc smartphone của mình?

7. Tìm sóng wi-fi bất cứ khi nào đi ra ngoài


Mục đích để đi ra ngoài là gặp gỡ mọi người và tránh xa mạng Internet cũng như máy tính trong một thời gian phải không? Chúng đã từng đúng cho đến khi sóng Wi-fi trở nên phổ biến ở những nơi công cộng. Có lẽ bạn cũng chẳng còn lạ gì nữa nếu bước chân vào một quán cà phê và câu đầu tiên bạn nói với người phục vụ là: “Bạn ơi, mật khẩu wi-fi của quán là gì nhỉ?” phải không?

8. Chỉ mới nghĩ đến việc nói không với Internet trong vòng một tuần cũng đủ để làm bạn rùng mình.


Hãy thử đặt mình vào tình huống bạn được mời đi cắm trại trong vòng một tuần cùng bạn bè với điều kiện nói không với Internet trong suốt khoảng thời gian đó. Nếu bạn đang rất muốn đi nhưng trong đầu nghĩ thầm về viễn cảnh một tuần không Internet, làm sao chịu nổi thì... chúc mừng bạn, bạn đã có thêm một dấu hiệu của việc quá mê Internet rồi đó!

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Sự phát triển của mạng xã hội, internet và tốc độ lan truyền chóng mặt đẩy giới trẻ hiện nay vào một lối sống rất khác. Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, nó cũng kèm theo vô số hệ lụy đáng báo động. Sống lâu trong thế giới ảo, người ta dần trở thành “con người ảo”, tôn sùng cái tôi một cách quá mức, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, mù quáng chạy theo những giá trị rất hư vô, ảo tưởng và đang dần dần hiện rõ một thực trạng giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Đắm chìm trong mạng xã hội và internet, những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình. Họ: ăn facebook, ngủ facebook, gặp gỡ tán gẫu qua facebook…

Giá trị ảo lên ngôi

Facebook hội tụ đầy đủ những yếu tố của một xã hội thu nhỏ. Ở đó, mỗi người thỏa sức thể hiện mình bằng nhiều cách khác nhau. Không cần biết bạn là ai, giàu hay nghèo, xinh đẹp hay xấu xí, ngốc nghếch hay giỏi giang…, mọi thành viên đều bình đẳng, được nói, được tranh luận, được bày tỏ chính kiến. Cái động tác “post status”, post hình, share link… là một thói quen, thậm chí trở thành thứ thuốc “gây nghiện” đối với giới trẻ.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online
Update Facebook trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người trẻ (Ảnh minh họa internet)

Người trẻ trên mạng xã hội sẵn sàng xù lông nhím nếu có ai lỡ động đến mình. Một người cháu dám ngang nhiên chửi bà của mình, học trò xúc phạm thầy cô, bạn bè khi xích mích đăng status bêu xấu lẫn nhau. Thậm chí, vì không vừa lòng với kẻ khác, nhiều người ra sức lập những tài khoản ảo “hội đả đảo người ngày”, “anti người kia”… ngập tràn lời lẽ tục tĩu, vô lễ. Họ hả hê khi ném đá ai đó không thương tiếc và mục tiêu “dìm hàng” của mình được đám đông tung hô hưởng ứng.

Thời facebook, giới trẻ không cần có tài năng trí tuệ hơn người, chỉ cần một câu nói gây sốc kèm theo một bức ảnh “thiếu vải” là đủ thành Bà Tưng, một thân hình gợi cảm từng milimet như người mẫu là được hàng triệu người thán phục. Thành công của những gì họ làm được đo bằng lượng like, comment dưới mỗi tấm hình, mỗi status, bất kể việc đó đúng hay sai. Sự “ồn ào” trên mạng khiến cho không ít giá trị bị đảo lộn, thật giả bất phân minh. Nhiều bạn trẻ chạy theo những thứ phù phiếm bề nổi được lăng xê một cách mù quáng, “vô tội vạ”. Họ chuộng vật chất hào nhoáng, xa hoa, ưa hưởng thụ, thích đòi hỏi quyền lợi hơn là tận tâm cống hiến.

Ít giao tiếp, vô cảm và sống tẻ nhạt hơn

Một cặp tình nhân cùng bước lên xe buýt, ngay khi vừa vào chỗ ngồi, họ lập tức dán mắt vào màn hình điện thoại. Suốt 1 tiếng trên xe, họ hầu như không nói với nhau câu nào mà chỉ chăm chăm lướt qua những thông tin được update liên tục trên smartphone. Những hình ảnh như vậy hiện nay không còn quá xa lạ nếu không muốn nói là cực kỳ quen thuộc. Mải mê với mạng xã hội, người trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

Facebook đang khiến nhiều bạn trẻ lầm tưởng giữa giá trị ảo và thật (Ảnh minh họa internet)

Người ta đâu cần gặp mặt trực tiếp, họ trò chuyện qua facebook, quan tâm hỏi han nhau bằng những comment, xin lỗi cũng bằng facebook. Thậm chí, để nói câu “anh yêu em” hay “em yêu anh” chỉ cần gửi tin nhắn với ba ký tự duy nhất: aye hoặc eya. Và lúc chia tay, đơn giản là cắt quan hệ (unfriend) trên Facebook, hay xóa luôn tài khoản (account) của mình. Họ cứ ngỡ như vậy là đủ mà đâu hay rằng tình người - sợi dây liên kết thực sự đang bị nới lỏng hơn bao giờ hết.

Trên mạng, người ta trở nên vô cảm và thực dụng hơn gấp nhiều lần. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Người dùng facebook thì vô tình tiếp tay cho kẻ trục lợi đạt được mục đích. Thực chất, “like” hoàn toàn là hành vi ảo vô nghĩa, nó đâu thể quy ra tiền mua đồ ăn, thức uống, đâu thể chuyển hóa thành vacxin cho trẻ nhỏ, mái ấm cho người già…?

Một nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ “những khoảnh khắc lung linh” của bản thân trên Facebook. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian săm soi những điều vui vẻ của người khác chỉ khiến bản thân bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt. 

Có thể nói, Facebook, smartphone đã thay đổi đời sống con người, tích cực có nhưng tiêu cực cũng rất nhiều. Làm thế nào để người trẻ không vi phạm ranh giới này mà đi đúng hướng khi dùng mạng xã hội?

Để không mất phương hướng trong thế giới online

Sử dụng facebook một cách chừng mực, có định hướng và chủ động là điều giới trẻ cần quan tâm nếu không muốn sa đà vào quá nhiều trò vô bổ trên mạng xã hội này. Bạn nên sắp xếp thời gian biểu cụ thể cho từng việc học hành, vui chơi, truy cập internet…dành thời gian làm những việc quan trọng trước. Chỉ xem facebook như một công cụ tiện ích, chứ hoàn toàn không phải là toàn bộ con người, toàn bộ cuộc sống của bạn.

Thay vì mải mê với thế giới ảo, hãy mở lòng với cuộc đời thực. Lúc rảnh rỗi, quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… Bạn sẽ dần nhận thấy rằng, thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn gấp nhiều lần thế giới trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.

Giới trẻ mất phương hướng trong thế giới online

“Từ khi hạn chế lên mạng xã hội, mình có nhiều thời gian thực hiện những dự định của bản thân. Mình vừa thi đủ điểm IELTS để năm sau đi du học – một điều tưởng chừng như không thể trước đây. Giờ mình chỉ vào Facebook để cập nhật thông tin khi cần chứ không tối ngày cắm cúi vào đó nữa” – Huyền Trang (ĐH Ngoại thương HN) chia sẻ.

Cậu bạn Hoàng Tuấn (THPT T.P) thì khẳng định: “Cai Facebook không quá khó, chỉ cần bạn quyết tâm và đề ra mục tiêu rõ ràng. Tớ đã nói lời chia tay mạng xã hội được 2 tháng rồi và không hề hối hận về quyết định của mình.

Hãy học cách sử dụng facebook chủ động, văn minh, đúng mực, đừng để thế giới ảo ảnh hưởng đến cuộc sống thực của chính mình, bạn nhé!

Giới trẻ dần quên đi cuộc sống thực mà tuyền chìm vào thế giới ảo


Giới trẻ ngày càng đằm chìm trong mạng xã hội và internet, những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình họ dần rơi tõm vào thế giới ảo. Họ ăn facebook, ngủ facebook, gặp gỡ tán gẫu qua facebook.

Rơi tõm vào thế giới ảo

Hãy thử lướt qua Yahoo, Twitter hay Facebook… ai cũng dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ, với đủ đầy hỉ, nộ, ái, ố; thượng vàng hạ cám. Để thỏa trí tò mò và đam mê khám phá, kể cả những giờ học, thậm chí là giờ ăn, trước khi đi ngủ, các tín đồ cũng tranh thủ tối đa để “ghé thăm” địa chỉ quen thuộc cho “đỡ nhớ”.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những đám bạn đi chơi, đi uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm trên tay một chiếc smart phone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt facebook… Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới trẻ lại "cắm mặt" vào thế giới áo đó.

Một “tín đồ cuồng” của facebook cho biết bạn đã dành hơn 8 tiếng/ngày cho việc lên facebook, thậm chí có bạn còn cập nhật facebook ở tất cả các thời điểm trong ngày. Có người trở thành “cú đêm” của facebook.

Như vậy, vô hình chung, giới trẻ đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Trên mạng, người ta vô cảm và thực dụng hơn gấp nhiều lần. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Người dùng facebook thì vô tình tiếp tay cho kẻ trục lợi đạt được mục đích. Thực chất, “like” hoàn toàn là hành vi ảo vô nghĩa, nó đâu thể quy ra tiền mua đồ ăn, thức uống, đâu thể chuyển hóa thành vắc-xin cho trẻ nhỏ, mái ấm cho người già…?

Một nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ “những khoảnh khắc lung linh” của bản thân trên Facebook. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian săm soi những điều vui vẻ của người khác chỉ khiến bản thân bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt.

Thạc sĩ tâm lí Đào Lê Hòa An cho rằng, không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng mạng xã hội, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng. Nhưng vì sống trong thế giới “phẳng” và “ảo” nên rất nhiều bạn trẻ cư xử thiếu văn hóa trên facebook và các trang mạng xã hội khác. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại “câu” được nhiều “like” của người xem, kèm theo là các dòng “comment” gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa.

Giới trẻ dần quên đi cuộc sống thực mà tuyền chìm vào thế giới ảo
Không nên có cái nhìn phiến diện

Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội thời gian gần đây, nơi thu hút đông đảo thành viên đủ mọi thành phần xã hội tham gia như một địa chỉ gặp gỡ quen thuộc. Từ Yahoo, Twitter, Blogspot và đặc biệt là sự bùng nổ của Facebook. Công bằng mà nói, mạng xã hội không có tội. Sự ra đời và thịnh hành của các trang mạng này thực sự mang lại nhiều tiện ích cho công việc cũng như quan hệ của mỗi cá nhân. Mọi người dễ dàng tìm hiểu, trao đổi thông tin, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết… một cách nhanh chóng với chi phí rẻ nhất.

Một tiện ích không thể không nhắc tới đó là khả năng kết nối tuyệt vời, giúp mỗi người mở rộng phạm vi kết bạn hay tìm kiếm, liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp của mình. Nếu sử dụng có chừng mực và đúng mục đích, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giải trí hoàn hảo và lành mạnh mỗi khi rảnh rỗi; là địa điểm để xả stress lý tưởng.

Ứng xử với mạng xã hội

Đã có không ít ý kiến phản ứng dữ dội và yêu cầu “đóng cửa” mạng xã hội. Theo chúng tôi, để mạng xã hội tiếp tục phát huy được ưu điểm vượt trội của nó, trước hết, những thành viên của cộng đồng này nhất thiết phải xây dựng cho mình một thái độ ứng xử đẹp và sử dụng nó với mục đích nghiêm túc. Giao tiếp lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng người khác là những nguyên tắc cao nhất cần phải đảm bảo.

Ngoài ra, tiết chế và kiểm soát có hiệu quả thời gian sử dụng cũng là một việc làm cần thiết, đặc biệt là với đông đảo giới trẻ, khi mà thực tế hiện tại cho thấy tầng lớp này đang quá tùy tiện và lãng phí quá nhiều thời gian.

Thay vì mải mê với thế giới ảo, hãy mở lòng với cuộc đời thực. Lúc rảnh rỗi, quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… Bạn sẽ dần nhận thấy rằng, thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn gấp nhiều lần thế giới trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.