Bí quyết hệ thống lại kiến thức hiệu quả cho teen cuối cấp

Teen cuối cấp thời gian này đang vô cùng lo lắng và áp lực bởi sắp bước vào những kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời. Vì thế nên hôm nay chúng tôi chia sẻ với các bạn học sinh bí quyết hệ thống lại kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Kiến thức chưa được hệ thống, đề thi chưa hoàn thành, cùng vô số đáp án trắc nghiệm,... chắc hẳn đang làm các bạn vô cùng hoang mang.
Đây là thời điểm nhạy cảm đối với các bạn học sinh lớp 12 khi sắp phải đối đầu với những kỳ thi căng thẳng. Kiến thức chưa được hệ thống, đề thi chưa hoàn thành, cùng vô số đáp án trắc nghiệm,... chắc hẳn đang làm các bạn vô cùng hoang mang. Nếu bạn đang ở trong tình trạng này thì cũng đừng quá lo lắng, hãy thử tham khảo một số bí quyết ôn thi dưới đây để hệ thống kiến thức một cách hiệu quả nhất.

1. Học xen kẽ

Chúng ta thường có thói quen học một số môn dễ hoặc những môn ưa thích trước, sau đó mới đến các môn khó hoặc ngược lại. Tuy nhiên, đây là cách học kém hiệu quả và không hề khoa học, bởi vì bạn thường mất rất nhiều thời gian đối với những môn khó, sau đó phải tăng tốc đối với những môn dễ, nếu không biết cách bố trí thời gian thì môn nào cũng chỉ được học một cách qua loa.

Thay vì làm đầu óc căng thẳng trong một thời gian dài, với hàng loạt những môn học khó “nhằn”, bạn hãy học xen kẽ các môn khó và môn dễ với nhau. Hoàn tất tốt môn học trước bạn sẽ có động lực để tiếp tục với những môn học tiếp theo.

2. Bố trí thời gian học hợp lý

Việc ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn nước rút này đương nhiên là ôn luyện kiến thức, tuy nhiên bạn cần biết cách bố trí thời gian học hợp lý.

Một sai lầm dễ mắc phải nhất, đó là thức thật khuya để ôn bài và thức dậy với tình trạng uể oải. Bạn nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm để học bài. Sáng sớm là khoảng thời gian bạn tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất, điều này đã được khoa học chứng minh. Phá vỡ quy luật hoạt động của cơ thể bạn sẽ không có được kết quả tốt. Ngoài giấc ngủ vào ban đêm, cơ thể bạn cũng cần được nghỉ ngơi vào buổi trưa, dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng để chợp mắt hoặc thư giãn nhẹ nhàng, sẽ giúp bạn tiếp thu tốt trong khoảng thời gian còn lại.

3. Hệ thống kiến thức hoàn chỉnh thành một khối

Bạn đừng để kiến thức vung vãi mà hãy hệ thống chúng thành một khối hoàn chỉnh. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy nhìn vào phần mục lục ở cuối sách giáo khoa, đó là toàn bộ khối kiến thức bạn cần nắm vững.

Đầu tiên, bạn hãy đánh dấu vào những phần quan trọng, sau đó hãy đi vào chi tiết. Gom những kiến thức lẻ của từng phần lại, sắp xếp theo thứ tự từ cơ bản đến nâng cao.


Bạn có thể sử dụng hình ảnh, sơ đồ để hệ thống kiến thức. Sử dụng sơ đồ cột, sơ đồ cây, sơ đồ tư duy,... là một cách học logic giúp kiến thức được hệ thống hoàn chỉnh và giúp bạn ghi nhớ tốt.

Đọc to tài liệu cũng là cách ghi nhớ khá tốt với những bạn nhạy cảm về thính giác. Bạn cũng có thể tự giảng bài cho mình bằng cách nói to những nghi vấn và tự giải đáp.

Lựa chọn phương pháp phù hợp với mình hoặc phối hợp những cách trên để ôn luyện kiến thức một cách hiệu quả nhất.

4. Học nhóm

Bạn nên học ôn với một nhóm bạn tin cậy để có điều kiện cùng ôn bài và giải đáp những thắc mắc cho nhau. Nhóm của bạn không nhất thiết là những người học giỏi nhất, chỉ cần có sức học vừa đủ, chăm chỉ và có ý thức.

Học cùng người khác bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và có thêm động lực.


5. Xem lại bài kiểm tra, đề thi cũ

Đây chính là cách phát hiện ra lỗ hổng kiến thức để bạn ôn luyện và hệ thống lại. Hãy xem lại tất cả các lỗi sai trong các bài kiểm tra, đề thi cũ và làm lại nhiều lần dạng bài tương tự. Bạn hãy quyết tâm không để sai hai lần với cùng một lỗi, làm được điều này chắc chắn bạn sẽ có một kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.

6. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là cách giúp bạn xua tan căng thẳng, mệt mỏi và giúp não phục hồi năng lượng. Bạn đừng nên áy náy khi thi thoảng nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, đi dạo ngoài trời hay nhắn tin trả lời một người bạn.

Nếu bạn quá buồn ngủ thì hãy gấp sách vở lại và nghỉ ngơi, sau khi thức giấc bạn hãy rửa mặt, hít thở thật sâu để cung cấp thêm oxy cho cơ thể để xua tan mệt mỏi và tiếp tục học.

Chọn sách như thế nào mới hiệu quả?

Bạn là một người rất yêu thích những quyển sách và đam mê đọc sách nhưng lại đang loay hoay không biết lựa chọn quyển sách nào hay, phù hợp với mình. Hôm nay, chúng tôi sẽ mách bạn một số bí quyết chọn sách hay nhất và bổ ích nhất cho bạn.

1. Xác định trước loại sách mình cần

Khi quyết định đi mua sách, hãy xác định ngay mình muốn mua loại sách nào trước khi bước ra khỏi nhà. Việc xác định được cuốn sách mình cần mua giúp bạn không mất thời gian vào việc tìm kiếm và có thể dễ dàng chọn được một cuốn sách hay và đúng chủ đề. Ngược lại, nếu không xác định trước, bạn sẽ bị hút vào những cuốn sách khác nhau và bạn chẳng biết nên mua sách nào, từ đó dẫn đến mua phải những cuốn sách “đẹp mà không hay”, chưa kể mua về mà chẳng bao giờ động đến.

2. Phân loại các thể loại sách

Để chọn được một cuốn sách hay, bạn cần có một kỹ năng cơ bản là phân biệt được các loại sách. Có nhiều cách để có thể phân loại những cuốn sách, nhưng về cơ bản có 4 loại sau đây:

Đầu tiên, sách chuyên môn. Với mỗi đối tượng thì lại có một loại sách chuyên môn khác nhau và cụ thể với học sinh, sinh viên chúng ta là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập,…

Thứ hai, sách nâng cao. Đây là những cuốn sách có liên quan trực tiếp đến sách chuyên môn, nhưng kiến thức ở tầng mở rộng hơn, sâu hơn các kiến thưc cần có. Những cuốn sách này giúp bạn mở mang kiến thức và có sự nghiệp rộng mở hơn.


Thứ ba, sách “hạt giống tâm hồn”. Với nhiều người, những loại sách này chỉ là loại sách “thị trường” không lợi ích gì cả, nhưng hãy khoan coi thường chúng. Bạn không nên chỉ đọc những cuốn sách thiên về kiến thức, bởi nó khiến bạn bị đau đầu và cằng thẳng. Những lúc như vậy, bạn rất cần những cuốn sách “lợi thần kinh” này. Những cuốn sách về truyện ngắn, thơ, truyện ngôn tình,… tạo nguồn cảm hứng, tạo cân bằng, giúp cuộc đời đáng sống hơn.

Cuối cùng sách nền tảng. Là những cuốn sách về phương pháp, nhận thức, bí quyết,… Các loại sách tư vấn về các lĩnh vực. Ví dụ như cuốn sách: “Đọc sách như một nghệ thuật” của hai tác giả J. Adler và Van Doren... Vì thế, đọc loại sách này giúp hấp thụ 3 loại trên.

Tuy nhiên, một điểm chú ý là bạn nên cân bằng các loại sách với nhau, việc cân bằng các loại sách nặng về kiến thức và các loại sách giải trí sẽ giúp bạn tiếp nhận tri thức tốt hơn.

3. Xác định thời điểm mua sách

Mỗi thời điểm khác nhau thì nhu cầu tiếp cận tri thức lại khác nhau. Vì vậy bạn cần phải xác định được thời điểm này ta cần mua loại sách nào.

Ví dụ: Khi bạn chuẩn bị thi, bạn nên mua các loại sách chuyên môn để giúp nắm vững các kiến thức. Hay khi bạn thi xong rồi, những kiến thức cơ bản đã được nắm bắt, thì những cuốn sách nâng cao lại cần thiết, giúp bạn có được nền tảng kiến thức rộng lớn hơn. Tất nhiên nếu đọc được trước khi thi thì càng tốt.

4. Tham khảo từ bạn bè

Không gì nhanh bằng việc “tiếp thu thành tựu” của người đi trước. Họ có thể là bố mẹ, có thể là anh em, có thể là bạn bè, có thể là thầy cô… những người từng trải sẽ cho bạn những lời khuyên vô cùng hữu ích.

Một trong số các nguồn tham khảo hiệu quả khác nữa là: Các trang mạng xã hội, các trang mạng của các công ty sách. Một lưu ý là bạn nên đọc qua những phần bình luận của những người đã mua trước để tham khảo ý kiến của họ,… việc này giúp ích cho bạn rất nhiều.


5. Nắm bắt nội dung cuốn sách

Đây chính là điểm mấu chốt và quan trọng nhất giúp bạn chọn được một đầu sách hay. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để nắm bắt được nội dung của một cuốn sách khi mà thời gian của ta không nhiều?

Giai đoạn đầu tiên là đọc tựa cuốn sách và xem mục lục. Việc này giúp ta biết được một cách tổng quát nhất về cuốn sách. Trả lời câu hỏi: nó viết về cái gì?

Giai đoạn hai là đọc lướt các đầu đề bài trong sách và xem tranh ảnh, phần in đậm. Công việc này giúp ta có thể nhìn chi tiết hơn về nội dung cuốn sách. Trả lời câu hỏi: Nó viết như thế nào?

Còn giai đoạn ba và cũng là cuối cùng, bạn nên đọc qua các bài, các phần bạn thấy ấn tượng. Điều này giúp bạn trả lời câu hỏi: Có hay không?

Khi đã trả lời được các câu hỏi: Cuốn sách viết gì? Viết như thế nào? Và có hay không? Thì câu hỏi "liệu bạn có mua" sẽ có câu trả lời.

Những kinh nghiệm thiết yếu khi đi du học


Quyết định đến một đất nước khác học tập là một quyết định vô cùng khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề trong cuộc sống của bạn. Vì vậy ngay từ lúc lập kế hoạch du học bạn hãy chuẩn bị kĩ, thăm dò kinh nghiệm từ những người đã từng đi du học để có một bước đệm tốt cho thời gian du học của bạn ở nước ngoài.

Về kiến thức

Để du học, tất nhiên cái đầu tiên bạn cần là một nền tảng kiến thức chuyên môn về ngành bạn dự định học thật vững chắc và khả năng ngoại ngữ thật tốt. Tùy theo quốc gia bạn dự định du học mà bạn cần một chứng chỉ anh ngữ nào nhưng thường đối với các nước nói tiếng Anh sẽ là:

Để nhập học dự bị đại học, A level hoặc cao đẳng: tương đương IELTS đạt 5.0 hoặc 5.5 trở lên và không môn nào dưới 5.

Để vào thẳng đại học: tương đương IELTS 6.0- 7.0 trở lên và không môn nào dưới 6.

SAT, GRE và GMAT nếu du học US, Canada hoặc MBA ở một số nước.

Nếu quốc gia bạn học không sử dụng Anh ngữ là ngoại ngữ chính thì bạn nên học thêm ngôn ngữ của quốc gia đó.


Lưu ý: Bạn nên dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho du học. Chuẩn bị về ngoại ngữ là lâu dài nhất, cần dành ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để học ngoại ngữ trước khi du học, sao cho khi đến nước bạn, chúng ta đã có khả năng giao tiếp tối thiểu.

Ngoài ra bạn cần tìm hiểu về phong tục, văn hóa, địa lý mà quốc gia sắp đến để tránh bị bỡ ngỡ trong quá trình sinh sống và học tập.

Về tài chính

Nếu bạn quyết đinh du học theo diện học bổng thì bạn có thể tìm công việc làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt nhưng phải chắc chắn rằng lực học sẽ không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình học.

Nếu bạn chọn du học theo dạng tự túc thì bạn nhất định phải có đủ tiền học và tiền ăn ở trong thời gian du học. Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên lao động để có thêm thu nhập, nhưng thu nhập từ nguồn này khó đủ để trang trải các chi phí lớn trên. Có một thuận lợi là số tiền học phí không phải nộp một lần cho toàn bộ khoá học mà bạn có thể nộp theo năm hoặc theo kỳ; và tiền sinh hoạt phí thì sinh viên trên 18 tuổi có thể tự quản lý, nên thực ra, chỉ cần bạn có kế hoạch sử dụng hợp lý là ổn.

Kĩ năng mềm

Đây là yếu tố mà khá nhiều bạn thiếu sót trong quá trình chuẩn bị. Nếu có điều kiện bạn nên học thêm những khóa bao gồm máy tính, sử dụng internet và điện thoại, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý chi tiêu, đi chợ và nấu ăn, chọn hàng, sinh hoạt/ vệ sinh cá nhân kĩ năng thuyết trình, hoạt động đội nhóm, học nấu ăn và nhất là học tự cắt tóc (vì chi phí này ở nước ngoài khá đắt đỏ).

Về tư tưởng

Cuối cùng, đừng nghĩ rằng du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó. Thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với bố mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp nhất: xử lý các vấn đề về học tập, tâm lý, tình cảm của mình.

Ví dụ:
Làm thế nào nếu hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi tiền sang và tiền làm thêm thì chưa tới. Bí quyết: "hãy tiết kiệm" khi đang rủng rỉnh.

Nếu vẫn chưa làm quen được với ai và không thể hòa nhập. Bí quyết: chưa phải là ngày tận thế, hầu hết các du học sinh đều trải qua tình trạng này, cứ từ từ làm quen từng người một, chăm chỉ đọc báo, nghe tin tức để có thể trò chuyện thoải mái cùng bạn bè.

Nếu bị trượt một vài môn? Bí quyết: đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh xem xét lại suốt quá trình học xem vì sao lại rớt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với Student Advisors.

Hãy nhớ rằng, khi ở nhà bạn được bao bọc bởi bố mẹ, có bố mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện, nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, bố mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết vấn đề của mình, nếu không hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị hoặc những du học sinh khác vì họ sẽ cho những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý .