Home » mảnh ghép
Tình yêu là thủ phạm khiến con người trở nên mù quáng
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh được rằng tình yêu là thứ tạo ra nhiều "tổn hại" nhất cho cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người.
Các nhà khoa học chỉ ra, tình yêu chính là thủ phạm khiến con người ta trở nên mù quáng hay hướng đến “mảnh ghép" tệ nhất...
Tình yêu luôn có những tác động nhất định đến cơ thể con người từ cảm xúc, suy nghĩ, đến hành động dù đôi khi chúng ta không nhận ra. Một vài nghiên cứu khoa học và tâm lý đã kết luận rằng, những thay đổi trong não bộ khi yêu đã làm giảm đi khả năng lý trí ở mỗi người bên cạnh việc tạo nên thứ gọi là "sự kì diệu của tình yêu".
Hãy cùng đến với những "tổn hại" do tình yêu tạo ra theo thông tin từ trang Cracked dưới đây.
1. Tình yêu khiến con người ta mù quáng
Chắc hẳn nhiều người đã từng chứng kiến cảnh một cô gái, hoặc chàng trai có “nửa kia” rất tệ. “Một nửa” đó có thể rất thô lỗ, lăng nhăng, thậm chí là nghiện ngập, nhưng dù bạn bè hay người thân có khuyên bảo thế nào thì người trong cuộc vẫn luôn tìm cách bảo vệ người mình yêu. Đó chính là những trường hợp được xem là “yêu mù quáng” - họ thực sự không thể nhận thấy điểm xấu của người yêu.
Khu vực này sáng lên khi một người cần đưa ra quyết định về điều gì đó trong điều kiện bình thường. Nhưng khi đang “say như điếu đổ” một người, thì khu vực này lại “tối như đêm 30”, khiến con người ta khó lòng đưa ra được quyết định chính xác.
Các khoa học gia lý giải, cơ chế sinh học này là một kết quả của quá trình tiến hóa. Cơ thể người cho rằng, việc “làm mù tạm thời” vùng não phán xét có thể giúp con người ta “hạ tiêu chuẩn” trong việc chọn bạn đời, khiến nòi giống loài người không bị diệt vong. Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là thủ phạm khiến nhiều người phải đau khổ vì yêu.
2. Chúng ta thường hướng đến “mảnh ghép”… tệ nhất
Khi lựa chọn “nửa kia”, nhiều người thường tìm kiếm những ai có nhân cách và sở thích gần giống bản thân, nhưng cuối cùng lạị “đổ” trước một người… hoàn toàn trái ngược. Đây có thể coi là những lựa chọn tồi, nhưng dưới góc nhìn khoa học, chúng ta sẽ không thể làm gì được bởi đó là phảm ứng của chất hóa học tình yêu.
Cụ thể, đó là thay đổi của những hormone sinh dục trong cơ thể. Hiện tượng “thu hút đối lập” xảy ra ở những người trội lượng estrogen - xu hướng nhẹ nhàng với người có testosterone trội - thường mạnh mẽ, và ngược lại.
Ví dụ như cô nàng hay quan tâm, chăm lo cho người khác có thể yêu một anh chàng “nổi loạn”, hay một người có tính kiểm soát, độc đoán lại “đổ cái rầm” trước những ai ngoan ngoãn, hiền lành.
Theo các nhà tâm lý học, những người này đang vô thức tìm cách cân bằng sự thiếu sót trong tính cách của mình, như quan hệ âm dương của Á Đông. Tuy nhiên, những mối quan hệ kiểu này thường đem lại nhiều vấn đề, như hiệu ứng “cặp đôi bấp bênh”- precarious couple effect.
Hiệu ứng này nói về các phụ nữ to tiếng, hay chỉ trích “ghép cặp” với đàn ông sống nội tâm. Các cặp đôi này có kết cục không mấy tốt đẹp, một số trường hợp thậm chí ghét cay ghét đắng nhau.
Vậy câu hỏi đặt ra là bằng cách nào họ đến được với nhau? Đó chính là do sự “hấp dẫn đối lập” đã nói ở trên - họ tìm kiếm sự bổ sung cho nhau. Ví dụ, một anh chàng ít nói sẽ thấy một cô nàng hoạt ngôn thu hút, vì nếu cô nàng liên tục nói, anh chàng sẽ không phải nói nữa và cảm thấy thoải mái hơn. Ngược lại, một cô gái nói nhiều sẽ thấy thích những ai chịu lắng nghe cô nói.
3. Tình yêu khiến người ta “nói nhiều” hơn
Theo một số thống kê, hầu hết những người gặp vấn đề về giao tiếp xã hội sẽ trở nên hoạt ngôn, đôi khi "nói nhiều" hơn khi có "tình yêu". Đó chính là sự tự tin do cảm giác "có người yêu" đem lại.
Các nhà khoa học đã tiếp cận sâu hơn vấn đề này. Theo đó, khi hẹn hò với người mình thích, cơ thể sẽ sản sinh ra “hormone tình yêu” oxytocin- hormone xuất hiện khi cảm thấy lãng mạn hoặc đạt cực khoái.
Sự có mặt của oxytocin khiến con người ta trở nên đồng điệu, giúp họ cảm nhận được những tín hiệu tinh tế nhất của cơ thể, cụ thể là ngôn ngữ cơ thể người đối diện. Tuy nhiên trớ trêu thay, bạn chỉ có thể nhận được “hóa chất cưa cẩm” khi và chỉ khi đã “cưa đổ” được một người mà thôi.
Ngoài ra, oxytocin có tiềm năng đem lại hiệu quả điều trị cho những bệnh nhân mắc rối loạn xã hội như tự kỷ. Tuy nhiên, chỉ những người trước đó thực sự kém trong việc định hướng xã hội mới có tác dụng. Nếu bệnh nhân trước đó đã là một người hoạt bát, quảng giao thì không thể cảm nhận được điều gì khi tiếp tục là một người như vậy và đôi khi "nói nhiều" hơn.
4. Tình yêu khiến bạn nhìn mọi thứ trở nên quá đỗi ngọt ngào
Từ xa xưa, tình yêu luôn gắn kết với sự ngọt ngào của những bản tình ca, bức thư, hay bài thơ tình lãng mạn. Ngay cả trong ngôn ngữ - như tiếng Anh - những từ như “honey”- mật ong, hay “sugar”, “sweetie” - đường cũng được sử dụng để gọi người mình yêu.
Mối liên hệ này đã đánh thức sự tò mò của các khoa học gia đi tìm lời giải khoa học đứng sau nó. Một số nhà nghiên cứu tại Singapore đã tìm hiểu về điều này, bằng cách yêu cầu 3 nhóm sinh viên viết bài luận - một nhóm viết về trải nghiệm lãng mạn trong tình yêu của bản thân; một nhóm viết về cảm giác ghen tị và nhóm còn lại viết về bất kỳ điều gì họ thích.
Tất cả học sinh sau đó đều nhận được một thanh chocolate ngọt, đắng, rồi được hỏi về độ ngọt của thanh kẹo đó. Kết quả cho thấy, nhóm sinh viên viết về trải nghiệp tình yêu đánh giá thanh chocolate ngọt hơn 2 nhóm còn lại.
Tiếp đó, các nghiên cứu viên thực hiện lại quá trình thí nghiệm trên một nhóm mới, nhưng lần này, họ yêu cầu sinh viên nếm và đánh giá độ ngọt của một loại nước ngọt mới - thực chất chỉ là nước khoáng. Kết quả cho thấy điều tương tự, khi nhóm viết về trải nghiệm lãng mạn đánh giá chai nước ngọt hơn các nhóm còn lại.
Các khoa học gia cho rằng, khi đắm chìm trong sự ngọt ngào của tình yêu, não bộ chúng ta đã nhầm lẫn. Khi nghĩ về tình yêu và sự lãng mạn, khu vực chịu trách nhiệm dự đoán và tưởng thưởng của não được kích hoạt (đây cũng là khu vực hoạt động khi chúng ta nếm đường). Não bộ sẽ gửi thông điệp “cảm nhận ngọt”, bất kể chúng ta đang ăn gì. Có thể đây là lý do con người ta thường liên hệ tình yêu với sự ngọt ngào, vì đơn giản đồ ăn “ngọt” hơn khi yêu.
Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, nếu bạn luôn nhìn đời bằng "cặp kính màu hồng" hay mong muốn có cuộc sống "như phim" thì có thể phản tác dụng. Nó sẽ khiến bản thân bạn có những "ảo tưởng", không còn ý định cố gắng xây dựng tình yêu.