Những kinh nghiệm thiết yếu khi đi du học


Quyết định đến một đất nước khác học tập là một quyết định vô cùng khó khăn bởi nó liên quan đến nhiều vấn đề trong cuộc sống của bạn. Vì vậy ngay từ lúc lập kế hoạch du học bạn hãy chuẩn bị kĩ, thăm dò kinh nghiệm từ những người đã từng đi du học để có một bước đệm tốt cho thời gian du học của bạn ở nước ngoài.

Về kiến thức

Để du học, tất nhiên cái đầu tiên bạn cần là một nền tảng kiến thức chuyên môn về ngành bạn dự định học thật vững chắc và khả năng ngoại ngữ thật tốt. Tùy theo quốc gia bạn dự định du học mà bạn cần một chứng chỉ anh ngữ nào nhưng thường đối với các nước nói tiếng Anh sẽ là:

Để nhập học dự bị đại học, A level hoặc cao đẳng: tương đương IELTS đạt 5.0 hoặc 5.5 trở lên và không môn nào dưới 5.

Để vào thẳng đại học: tương đương IELTS 6.0- 7.0 trở lên và không môn nào dưới 6.

SAT, GRE và GMAT nếu du học US, Canada hoặc MBA ở một số nước.

Nếu quốc gia bạn học không sử dụng Anh ngữ là ngoại ngữ chính thì bạn nên học thêm ngôn ngữ của quốc gia đó.


Lưu ý: Bạn nên dành thời gian thích đáng để chuẩn bị cho du học. Chuẩn bị về ngoại ngữ là lâu dài nhất, cần dành ít nhất là 6 tháng đến 1 năm để học ngoại ngữ trước khi du học, sao cho khi đến nước bạn, chúng ta đã có khả năng giao tiếp tối thiểu.

Ngoài ra bạn cần tìm hiểu về phong tục, văn hóa, địa lý mà quốc gia sắp đến để tránh bị bỡ ngỡ trong quá trình sinh sống và học tập.

Về tài chính

Nếu bạn quyết đinh du học theo diện học bổng thì bạn có thể tìm công việc làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt nhưng phải chắc chắn rằng lực học sẽ không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình học.

Nếu bạn chọn du học theo dạng tự túc thì bạn nhất định phải có đủ tiền học và tiền ăn ở trong thời gian du học. Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên lao động để có thêm thu nhập, nhưng thu nhập từ nguồn này khó đủ để trang trải các chi phí lớn trên. Có một thuận lợi là số tiền học phí không phải nộp một lần cho toàn bộ khoá học mà bạn có thể nộp theo năm hoặc theo kỳ; và tiền sinh hoạt phí thì sinh viên trên 18 tuổi có thể tự quản lý, nên thực ra, chỉ cần bạn có kế hoạch sử dụng hợp lý là ổn.

Kĩ năng mềm

Đây là yếu tố mà khá nhiều bạn thiếu sót trong quá trình chuẩn bị. Nếu có điều kiện bạn nên học thêm những khóa bao gồm máy tính, sử dụng internet và điện thoại, giao tiếp, quản lý thời gian, quản lý công việc, quản lý chi tiêu, đi chợ và nấu ăn, chọn hàng, sinh hoạt/ vệ sinh cá nhân kĩ năng thuyết trình, hoạt động đội nhóm, học nấu ăn và nhất là học tự cắt tóc (vì chi phí này ở nước ngoài khá đắt đỏ).

Về tư tưởng

Cuối cùng, đừng nghĩ rằng du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó. Thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với bố mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp nhất: xử lý các vấn đề về học tập, tâm lý, tình cảm của mình.

Ví dụ:
Làm thế nào nếu hết tiền mà bố mẹ chưa kịp gửi tiền sang và tiền làm thêm thì chưa tới. Bí quyết: "hãy tiết kiệm" khi đang rủng rỉnh.

Nếu vẫn chưa làm quen được với ai và không thể hòa nhập. Bí quyết: chưa phải là ngày tận thế, hầu hết các du học sinh đều trải qua tình trạng này, cứ từ từ làm quen từng người một, chăm chỉ đọc báo, nghe tin tức để có thể trò chuyện thoải mái cùng bạn bè.

Nếu bị trượt một vài môn? Bí quyết: đừng hoảng sợ, hãy bình tĩnh xem xét lại suốt quá trình học xem vì sao lại rớt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với Student Advisors.

Hãy nhớ rằng, khi ở nhà bạn được bao bọc bởi bố mẹ, có bố mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện, nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, bố mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết vấn đề của mình, nếu không hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị hoặc những du học sinh khác vì họ sẽ cho những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý .

Vì sao sinh viên chuộng trường quốc tế?


Trường quốc tế là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngay từ khi còn là học sinh trung học, phổ thông họ đã có ý chí, khát vọng được đi du học hay được học ở các trường quốc tế nổi tiếng ở trong nước. Vậy lý do vì sao học sinh Việt lại ưa chuộng trường quốc tế như thế? 

Ngôn ngữ

Lý do đầu tiên để sinh viên lựa chọn chính là việc giúp các bạn cải thiện và nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Việc học tập và làm việc thường xuyên với các giảng viên nước ngoài, bắt buộc các bạn phải giao tiếp bằng ngôn ngữ quốc tế, vô hình trung trở thành thói quen, lâu ngày ngấm dần vào khiến các bạn sử dụng nó theo phản xạ một cách tự nhiên. Đặc biệt, việc phải hoàn thành các bài tập, cũng như làm tiểu luận bắt buộc phải bằng ngôn ngữ quốc tế, điển hình là tiếng Anh, sẽ giúp ích các bạn rất nhiều trong cách hành văn của riêng mỗi cá nhân, trở thành điểm mạnh của bản thân khi ứng tuyển việc làm vào các công ty, đặc biệt là về các công việc có liên quan đến mảng phân tích báo cáo.


Môi trường

Năng động – thoải mái, ít bị gò bó trong khuôn khổ nội quy của trường. Hầu hết các bạn đều được tự do trong việc lựa chọn trang phục khi đến trường, không cần 5 tuần một ngày đều phải khoác trên người những bộ đồng phục giống nhau. Chỉ cần phù hợp và lịch sự, các sinh viên trường quốc tế không bị kiểm soát quá khắt khe trong vấn đề này.

Cơ sở vật chất

Đây cũng là một ưu điểm của loại hình trường học này. Hệ thống phòng học với các trang thiết bị đầy đủ, ngoài ra còn có phòng thực hành nghiên cứu, giúp các bạn có thể áp dụng được kiến thức lý thuyết vào thực tế thay vì chỉ ngồi đọc sách và tự tưởng tượng ra. “Tiền nào của nấy” – học phí các bạn phải trả hàng kì rất nhiều, đồng nghĩa với việc học tập của các bạn phải được “phục vụ” đến nơi đến chốn. Những thắc mắc, cũng như kiến nghị của sinh viên đều được phòng đào tạo đáp ứng và trả lời rõ ràng. Các bạn có quyền lên tiếng vì quyền lợi của mình, không vì khép nép sợ sệt mà nhắm mắt cho qua.


Nhiều hội nhóm, CLB hoạt động rầm rộ

Đa số các câu lạc bộ, hội nhóm của các trường quốc tế hoạt động rất mạnh và có đầu tư kĩ càng về bên trong lẫn bên ngoài. Những sự kiện do các bạn tổ chức tuy chỉ dừng lại ở quy mô của sinh viên, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt hiện nay nhiều sự kiện còn có cả phóng viên, báo chí đến tham gia.

Lựa chọn môn học còn là một trong những điều đặc biệt mà các sinh viên quốc tế cảm thấy thích thú. Các bạn sẽ có cơ hội được học những chuyên ngành mình yêu thích dù cho nó không phổ biến và không hề tồn tại trong chương trình dạy của các trường công từ trước đến nay. Việc được học đúng ngành đúng sở thích ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ và tương lai của mỗi sinh viên, nó sẽ tạo tiền đề vững chắc giúp các bạn tự tin hơn trong vấn đề nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, các môn học ngoại khóa không chỉ dừng lại ở những môn cổ điển như cầu lông, bóng chuyền mà còn có cả những môn đầy thú vị mà tưởng như chỉ có thể xem qua trên các bộ phim truyền hình.

Nền tảng tốt

Một điểm cộng cho sự lựa chọn này đối với những bạn có mong muốn được đầu quân vào các công ty đa quốc gia. Tiếp xúc với các thầy cô người bản ngữ cũng như ngoại ngữ từ những năm học Đại học, quá quen với cách làm việc theo phong cách nước ngoài là như thế nào, các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ khi bước chân vào làm việc cho những tập đoàn nước ngoài.

Cơ hội cao

Học bổng từ lâu đã không còn xa lạ đối với các bạn sinh viên, chỉ cần có thành tích xuất sắc, không quan trọng là học ở môi trường nào, bạn đều có học bổng. Nhưng phần lớn ở các trường quốc tế, số lượng cũng như chất lượng học bổng dường như có “sức nặng” hơn, thậm chí có nhiều học bổng tương đương với học phí của nguyên 1 học kì. Ngoài ra, chương trình liên kết với các trường Đại học nước ngoài cũng chắp cánh cho ước mơ du học của các bạn được bay cao bay xa một cách dễ dàng hơn.

Hầu hết suy nghĩ cố hữu từ trước đến nay vẫn luôn cho rằng, trường quốc tế chỉ dành cho những kẻ não rỗng lắm tiền, không học hành giỏi giang, không có khả năng vào các trường công lập mới vung tiền vào các trường quốc tế xa xỉ ấy. Thừa nhận rằng điều này cũng đúng, nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải cứ sinh viên trường công là ù lì thụ động chỉ biết học, không phải cứ sinh viên trường quốc tế đều mang cái mác “nhà giàu dốt nát”, thực chất vẫn có rất nhiều bạn thi Đại học với kết quả cao, dư sức để trở thành một trong những gương mặt sáng giá của các trường công tiêu biểu, nhưng họ vẫn lựa chọn con đường quốc tế mà người khác vẫn cho là không tốt ấy. Việc học của mỗi người chính là do mỗi bản thân tự lựa chọn, quan trọng là họ cảm thấy môi trường nào phù hợp với điều kiện, có thể giúp họ tiến xa hơn thì sẽ nắm lấy.