Mùa thi của học sinh sinh viên và những "dịch vụ" có một không hai

Mùa thi của học sinh sinh viên kéo theo rất nhiều "dịch vụ" có một không hai như: làm tiểu luận thuê, thi hộ, nhắc bài thuê...

Làm tiểu luận thuê

Rất nhiều trường đại học, cao đẳng yêu cầu sinh viên làm tiểu luận về một vấn đề liên quan đến môn học trong kỳ thi hết học phần. Tiểu luận nhằm giúp sinh viên nâng cao khả năng suy luận, tư duy, lẫn tìm tòi, đọc hiểu các tài liệu. Tuy nhiên với nhiều sinh viên, đây lại là lỗ hổng để họ có thể tìm cách gian lận một cách dễ dàng và “không dấu vết”. Sẵn tâm lý muốn được điểm cao, nhiều sinh viên đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền từ 200-300 ngàn để có được một tiểu luận ưng ý mà không cần bỏ một chút công sức nào.

Trên Facebook dịch vụ... hằng ngày có hàng trăm lượt sinh viên tìm kiếm các sinh viên khác làm tiểu luận thuê cho mình với mức giá rất hấp dẫn.


Thi hộ

Nhiều sinh viên đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi hết học phần để thuê những bạn sinh viên khác vào thi những môn mà mình “không tự tin lắm”. Với mức giá từ 300-500 ngàn, nhiều sinh viên đã có thể thuê một sinh viên khác có học lực khá hơn để có được số điểm ưng ý. Thi hộ mang lại khá nhiều vấn đề cho chả người thuê và cả người đi thi hộ: như người đi thi hộ không làm được bài, bị giám thị phát hiện... Tuy nhiên, dịch vụ này ngày một nở rộ và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Gia sư cấp tốc

Với nhiều môn học, khi không thể tự ôn thi vào thời điểm cuối kỳ, nhiều sinh viên đã tìm những bạn sinh viên giỏi trong trường và nhờ gia sư cấp tốc với mức giá cả khoảng 200 ngàn 1 buổi. Chỉ sau vào buổi với sự giúp đỡ của những sinh viên giỏi, nhiều sinh viên có thể tự tin hơn khi bước vào phòng thi với môn thi hết học phần đầy căng thẳng.


Nhắc bài thuê

Đây là một trong những tiểu xảo mà nhiều sinh viên đã thực hiện trót lọt trong phòng thi. Ngày nay, với sự giúp sức của công nghệ và mạng xã hội, nhiều sinh viên đã có thể chụp ảnh đề thi và gửi ra ngoài để “cầu cứu” những bạn sinh viên ở ngoài với mức tiền từ 200 ngàn. Một số sinh viên khác đã lợi dụng những lỗ hổng trong công tác coi thi để gian lận bằng cách đeo tai nghe và nhờ những sinh viên bên ngoài nhắc bài với giá cả rất mềm.

Mỗi mùa thi không chỉ là mùa để thử thách kiến thức, độ bền, sự quyết tâm của mỗi sinh viên, mà còn là mùa để thử thách đạo đức và lòng tự trọng của họ.

Sinh viên và những thói hư tật xấu khó bỏ

Quãng đời sinh viên là quãng thời gian vui và ý nghĩa nhất đối với mỗi người tuy nhiên cũng là quãng thời gian sinh ra nhiều thói hư tật xấu nhất.

Hãy cũng nhìn ra những vấn đề này để tìm cách hóa giải nó.

1. Trí nhớ kém

Sự quá tải hay áp lực sẽ khiến đầu óc trở nên “lù bù” và ảnh hưởng nặng nề đến công việc, cũng như việc học tập của bạn. Những lúc như vậy, hãy cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn giúp bộ não trở lại tình trạng “sung sức” nhất.

2. Thói quen trì hoãn

“Thôi để mai”, “để mai tính”, “tí nữa”, “còn nhiều thời gian mà”,… là những câu nói rất quen thuộc khi bạn muốn trì hoãn một việc gì đó. Đây là thói quen khó bỏ và trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều sinh viên, học sinh.


3. Lười biếng

Lười biếng có lẽ là căn bệnh dễ mắc phải, và cũng khó chữa nhất của sinh viên và học sinh. Ai cũng hiểu lười biếng là không tốt, nhưng không phải ai cũng vượt được qua nó. Đó mới là sự nguy hiểm!

4. Nghiện điện tử, internet, thích xem tivi…

Cuộc sống càng tiến bộ, con người lại càng có nhiều thứ hấp dẫn để lựa chọn. So với những trò chơi, phim ảnh, mạng xã hội,… thì việc học vất vả hơn nhiều. Nếu không thể kìm hãm và quản lí bản thân, sẽ rất nhiều bạn trở nên học hành sa sút.

5. Khó hiểu bài

Có rất nhiều lí do khiến bạn khó tiếp thu bài giảng của thầy cô. Những lúc như thế này, bạn chỉ muốn “về nhà”, đây cũng chính là một trong những nỗi ám ảnh của sinh viên và học sinh. Một nỗi ám ảnh mà khó lòng có “thuốc trị”.

6. Dễ xao nhãng

Đang ngồi trong lớp nhưng lại để ý một chuyện đâu đâu. Hiện tượng này quá phổ biến, chắc hẳn ai cũng đã từng có lần gặp phải.

7. Khả năng tập trung ngắn hạn

Bạn đang tập trung học bài, đang rất trôi chảy, nhưng tình trạng đó chẳng được lâu, bởi bạn đang bị phân tâm bởi nhiều sự việc khác.

8. Mất tập trung

Bạn đã rất cố gắng rồi nhưng thực sự không thể tập trung được. Nguyên nhân thì vô vàn, và lời khuyên giống như “bệnh” trí nhớ kém, bạn nên nghỉ ngơi.

9. Sợ thi cử

Chắc chắn phải có đến quá nửa sinh viên dù ở bất cứ nơi đâu, hay quốc gia nào cũng sợ thi cử hay ít nhất là chẳng thích thú với thi cử.

10. Hay phạm lỗi do bất cẩn

Sự bất cẩn đôi khi xảy ra những hậu quả không hề nhỏ. Giải pháp là bạn cần cẩn trọng hơn trong mọi việc.

11. Chịu áp lực từ gia đình

Học cho bản thân chứ đâu phải học cho gia đình. Ai cũng biết vậy, nhưng bạn thử bị đuổi học hay phạm lỗi gì ở trường, bạn có thể gây ra tội lớn. Đó là áp lực từ gia đình và còn nhiều những tình huống khác.

12. Có quá nhiều thứ để học và có quá ít thời gian

Có lý luận cho rằng “chỉ những người không biết sắp xếp thời gian mới bận rộn”. Điều này không sai, nhưng đôi khi nó không hợp lí. Rất nhiều khi chỉ trong một tuần và tất cả các môn học đều có bài tập dài và quan trọng thì tất nhiên bạn sẽ có lúc bị rối bù lên.


13. Không có động lực để học

Chán nản, chẳng còn tâm trí để bận tâm đến học hành. Đó là căn bệnh không hiếm gặp trong đời học sinh, sinh viên nếu như không muốn nói rằng, ai cũng mắc phải. Áp lực đôi khi cũng khiến bạn có động lực để học.

14. Dễ dàng bỏ cuộc

Có rất nhiều yếu tố khiến bạn không kiên trì với mục tiêu của mình. Nguyên nhân là vì bạn không thấy thích thú, vì không có được mục tiêu đủ hấp dẫn.

15. Không thích thú với nội dung bài giảng

Đây có lẽ là tình trạng phổ biến nhất của sinh viên, học sinh. Mỗi người lại có một sở thích với những môn học riêng và ngược lại cũng có "sở ghét". Khi học môn không thích thì chẳng còn tâm trạng nào nghe giảng.

16. Không ưa thầy (cô) đang giảng

Không thích thầy cô có nhiều nguyên nhân, như: từng bị cô phạt, từng bị điểm kém, hay đơn giản vì “ghét cái thái độ,… hay cũng có thể vì cách dạy của thầy cô không hợp với bản thân… Ai cũng biết, không ưa thầy cô là không tốt nhưng không phải ai cũng tránh được.

Đọc vị ra các vấn đề “khó nhằn” không chỉ của sinh viên, học sinh Việt nam mà còn là của cả thế giới để mỗi chúng ta có thể biết được và có những phương pháp riêng để khắc phục.

Tìm hiểu các phương pháp học tiếng Anh hiệu quả

Tiếng Anh là một môn học khiến rất nhiều bạn lo lắng và sợ hãi mỗi khi đến lớp hoặc đến kì thi, vậy làm thế nào để có thể học tốt môn học quan trọng này. Dưới đây là một số phương pháp nhỏ rất hiệu quả cho quá trình học tiếng Anh của bạn.

Khỏi phải bàn cãi về tầm quan trọng của tiếng Anh, nó là ngôn ngữ thông dụng, được sử dụng trong hầu hết các hoạt động giao tiếp quốc tế, là công cụ sử dụng trong làm việc, học tập cũng như giải trí… Có tiếng Anh không những chúng ta có công cụ để phục vụ trong công việc mà còn có thêm sự hiểu biết về văn hóa các nước cũng như sự tự tin trong mọi hoạt động.

Có rất nhiều người gặp khó khăn trong quá trình học tiếng Anh, trong đó không ít bạn là học sinh sinh viên. Nhưng cũng có rất nhiều người đã và đang học rất tốt tiếng Anh, vậy tại sao họ làm được?


Có rất nhiều phương pháp học khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học tiếng Anh như từ sách vở, Internet, truyền hình… đâu đâu cũng có những phương pháp khác nhau. Và câu hỏi nhiều nhất là học theo phương pháp nào là hiệu quả nhất? Không có tiếng Anh, bạn sẽ lạc hậu. Nên bạn đã sẵn sàng chuẩn bị cho mình một kế hoạch dài hơi để học và sử dụng cho bằng được tiếng Anh chưa? Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn học tốt nó.

1. Học tiếng Anh mỗi ngày

Học tiếng Anh hàng ngày rất quan trọng. Tuy nhiên, không được quá cường điệu hóa, học trong thời gian 30 phút một ngày thay vì học 2 tiếng trong một tuần. Học ít nhưng tập trung còn hiệu quả hơn học trong một thời gian dài nhưng không theo một quy tắc cơ bản nào. Thực hiện thói quen như vậy trong khi học tiếng Anh sẽ giữ cho trí nhớ của bạn về những thứ đã học được lâu và vững chắc.

2. Sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để học tiếng Anh

Không nên áp dụng duy nhất một phương pháp để học tiếng Anh. Sử dụng đa dạng các phương pháp sẽ giúp cho tất cả các phần của não bộ hoạt động và sẽ giúp bạn học hiệu quả. Ví dụ bạn đang trong phần học từ vựng, bạn có thể miêu tả một bức tranh, tạo sơ đồ từ, thiết lập các danh sách từ và học nó, viết một đoạn văn ngắn… tất cả các phương pháp này sẽ củng cố cho bạn trong quá trình học.

3. Học tiếng Anh với một nhóm bạn

Đây là một yếu tố quan trọng. Bạn sẽ có cơ hội được thực hành thực tế, cùng nhau thực hành một đoạn hội thoại. Tất nhiên cũng như các môn học khác, sửa và đóng góp cho nhau sẽ giúp bạn học tiếng Anh rất hiệu quả.


4. Chọn một chủ đề mà bạn thích

Một trong những thứ quan trọng nhất cần làm trong khi học tiếng Anh là chọn một chủ đề mà bạn thích. Điều này sẽ thúc đẩy bạn bởi vì bạn sẽ tìm được điều thú vị trong khi học tiếng Anh. Tùy theo khả năng, không nên học nhiều những chủ đề khó dễ dẫn đến chán nản.

5. Tự tin

Đây cũng là yếu tố quan trọng để học tốt tiếng Anh. Thông thường thì do bản thân mỗi người tự có. Tuy nhiên, mạnh dạn và không sợ sai khi thực hành giao tiếp, bạn sẽ tích lũy được rất nhiều sự tự tin; nó sẽ giúp bạn trong quá trình chinh phục mục tiêu này.

Học tiếng Anh cũng như các môn học khác, đòi hỏi bạn cần phải quyết tâm theo đuổi, thực hiện và cũng cần có một chút đam mê. Không nên quá nóng vội mà đốt cháy giai đoạn, học tiếng Anh là cả quá trình xây dựng vốn từ vựng, ngữ pháp và tích lũy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tích cực, chăm chỉ, cần mẫn và một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra sự khác biệt.

Những việc làm vô ích khiến đời sinh viên trôi qua trong vô nghĩa

Đời sinh viên vừa học, vừa chơi, vừa tham gia các hoạt động xã hội... nhưng có một số bạn trẻ lại tự mình khiến cho đời sinh viên trôi qua vô nghĩa bởi những việc làm vô ích.

1. Phàn nàn

Đồ ăn ở quán không ngon, học phí quá cao, bài tập khó, thầy giảng khó hiểu, buồn ngủ, muốn về.... Là những điều bạn thường xuyên kêu ca phàn nàn. Không nghi ngờ gì, những lời than vãn ấy đã khiến bạn lãng phí rất nhiều thời gian mà chẳng đạt được hiệu quả gì. Thay vào đó, hãy tự cảm thấy hài lòng và nỗ lực để vươn lên, chắc chắn, điều đó sẽ có ích hơn là ngồi than vãn rất nhiều.

2. Chơi game

Lẽ ra bạn phải ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu thì bạn lại dành thời gian để chơi game. Bạn cần phải thư giãn và trò chơi điện tử là một sự lựa chọn “hoàn hảo”. Những trò chơi điện tử thường gây nghiện, và bạn rất vui đến nỗi quên hết cả thời gian.

3. Bỏ quên bạn bè

Nhiều bạn cho rằng khi đi học bạn bè chỉ cần xã giao, còn đến lớp chỉ là tập trung cho việc học. Thường gặp nhất vẫn là các học sinh năm cuối, chỉ muốn ôn luyện cho mau tốt nghiệp mà ít khi thiết lập mối quan hệ với bạn bè, những người bạn cùng phòng. Điều đó có thể giúp bạn cải thiện việc học, nhưng cũng có thể khiến bạn mất đi những điều ý nghĩa, tốt đẹp của thời sinh viên. Những cũng đừng quá mải mê "thiết lập mối quan hệ" mà đi quá đà.

4. Xem phim

Bạn có thích xem phim truyền hình dài tập không? Những bộ phim truyện điện ảnh của nước ngoài thu hút bạn? Bạn cũng ham mê những game show truyền hình thực tế được phát lại trên Internet. Và những niềm đam mê đó lôi cuốn bạn từ ngày này qua ngày khác. Cho đến khi bạn nhận ra rằng, thật quá lãng phí thời gian dành cho những niềm đam mê đó. Tuy nhiên nếu việc sắp xếp thời gian của bạn hợp lý, bạn hoàn toàn có thể đan xen giữa việc học và xem. Nhưng xem ở đây mang tính chất "giải trí, thư giãn và xả stress" hơn là cho "đã", cho "thỏa cơn ghiền".


5. Lạm dụng Internet

Bạn check Facebook 24/24, lướt web và nghe nhạc. Bạn có thể dán mắt vào màn hình chiếc smart phone suốt cả ngày. Bạn không thể không mở máy tính lên mà không truy cập mạng xã hội hay game mà bạn yêu thích. Trong giờ học, bạn quan tâm đến Facebook và Twitter hơn là lời nói của giảng viên. Mỗi khi có bài tập hoặc một kiến thức nào bạn muốn nhớ, bạn không ngần ngại lên mạng tra Google hoặc Wiki. Internet đang đánh cắp trí nhớ của bạn.

6. Khóc và buồn bã

Nhiều lúc bạn thấy chán ghét bản thân mình. Bạn nhớ nhà, muốn về gặp gia đình. Kết quả học tập tồi tệ, chuyện tình cảm gặp sóng gió. Bạn khóc, suy sụp và buồn bã một thời gian dài. Trong thực tế, những câu chuyện đó không đáng để bạn phải khóc và buồn bã trong một thời gian dài như thế. Điều tốt hơn cả là sống vui vẻ, lạc quan và biết hy vọng vào những điều phía trước.

7. Tranh cãi

Bạn tranh cãi với bạn cùng phòng xem ai sẽ là người lau dọn phòng. Bạn tranh cãi với bạn bè vì những chuyện nhỏ nhặt. Bạn tranh cãi với nhân viên nhà hàng vì hóa đơn đắt đỏ. Tranh cãi thường không phải là cách giải quyết hay với nhiều vấn đề mà tranh cãi chỉ làm cho câu chuyện thêm rối rắm và khó giải quyết hơn mà thôi.

Những lưu ý khi quyết định làm thêm của sinh viên

Là sinh viên hầu như ai cũng đã trải qua thời gian đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thành phố hay để trang bị kiến thức trước khi ra trường... Nhưng các bạn sinh viên nên ghi nhớ một số điều sau để công việc làm thêm không ảnh hưởng xấu tới việc học mà vẫn hiệu quả.

Làm thêm vì tích lũy kinh nghiệm chứ không phải để mưu sinh

Có rất nhiều bạn vì tình hình kinh tế gia đình khó khăn nên rất cần đi làm thêm để kiếm thêm tiền trả học phí, nhà thuê, ăn uống,... và đủ thứ "tiền tiền và tiền" khác. Nhưng tất cả những điều đó cuối cùng cũng là để việc học của bạn được đảm bảo và hoàn thành một cách trọn vẹn, tốt đẹp hơn. Nên chẳng có lý gì bạn lại bỏ lỡ mất việc học chỉ vì quá tham vài triệu đồng một tháng, hay lỡ thích công việc làm thêm này quá rồi. Hãy luôn nhớ rằng bạn đi làm vì muốn học hỏi thêm kiến thức và tiếp thu kinh nghiệm chứ không phải mưu sinh.

Xác định được mục tiêu đúng, bạn sẽ có được sự tập trung và lĩnh hội hoàn toàn khác. Bạn sẽ chủ động tìm kiếm các giá trị tốt cho bản thân, những giá trị lớn hơn giá trị của tiền. Ví dụ như các mối quan hệ, khả năng giao tiếp, hay cả niềm vui nữa…

Trái lại, một mục tiêu sai lệch sẽ khiến bạn lãng phí thời gian và kết quả lại không như ý muốn.


Chọn việc làm thêm gần với ngành nghề

Nếu có thể, hãy chọn việc làm thêm gần với ngành học của mình hoặc nghề nghiệp tương lai mà bạn theo đuổi. Việc này giúp bạn bổ sung kiến thức cho ngành nghề mình lựa chọn, giúp bạn hiểu hơn về nghề nghiệp tương lai của bản thân.

Một công việc làm thêm gần với ngành nghề sẽ là một điểm cộng trong bảng lịch sử kinh nghiệm làm việc của bạn. Sẽ là một điều tuyệt vời khi bạn vừa ra trường thì sơ yếu lý lịch đã có ngay một dòng thể hiện kinh nghiệm cho vị trí ứng tuyển.

Không dễ nhưng cũng không quá khó khăn để bạn tìm một việc làm thêm như vậy, chỉ cần bạn nhiệt tình và kiên nhẫn. Ví dụ như sinh viên ngành Ngữ văn – Báo chí thì có thể cộng tác với các tòa soạn báo; sinh viên trường Marketing, Kinh tế có thể trải nghiệm ở các vị trí PG, bán hàng thời vụ, cộng tác viên cho các sự kiện truyền thông; sinh viên ngành Xây dựng có thể thực tập không lương tại các công trường…

Học hỏi kinh nghiệm từ các bậc “tiền bối”

Không ai có thể thành tài và nên người mà không có sự dẫn dắt. Có thể bạn chăm chỉ, thông minh và khéo léo nhưng bạn cần được hướng dẫn thì những tố chất kia mới có thể hỗ trợ đắc lực và biến những điều bạn từng làm thành kinh nghiệm thực tế. Nên hỏi, xin ý kiến và lời tư vấn của người đi trước để có những chỉ dẫn thiết thực, lời khuyên bổ ích giá trị.

Bạn có thể để ý và thấy ngay những tờ rơi tuyển việc làm do những công ty đa cấp hay lừa đảo thường có dòng chữ “ưu tiên sinh viên năm nhất, năm hai”. Và thực tế thì không ít sinh viên đã “sập bẫy” khi không chịu tham khảo ý kiến của các anh chị hay bạn bè đi trước.


Cân đối thời gian và sức khỏe

Điều cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng đó là phải biết cân đối thời gian và sức lực, sắp xếp thời khóa biểu giữa việc học và đi làm sao cho thật hợp lý.

Các bạn trẻ rất dễ rơi vào trường hợp vì quá mê công việc mà thiếu tập trung cho việc học, dẫn đến phải thi lại, kết quả học tập sa sút và tệ hơn nữa là nghỉ học. Một hiện tượng rất phổ biến là rất nhiều bạn sinh viên ngủ gục khi lên lớp vì khi đi làm thêm không biết cân đối thời gian và sức khỏe nên không thể giữ được sự tỉnh táo.

Không bao giờ được quên rằng nhiệm vụ chính của bạn là học. Điều này rất rõ ràng, tất cả các bạn đều biết, nhưng thực tế không ít sinh viên đi làm thêm đã bắt đầu lạc mất con đường mình theo đuổi lúc nào không hay. Vì vậy, dù hoàn cảnh như thế nào, hãy luôn là chính mình và cân bằng cuộc sống.

Nghề gia sư và những trắc trở hay gặp phải

Gia sư là một công việc làm thêm gắn liền với cuộc đời sinh viên của mỗi bạn sinh viên. Bởi vì nó vừa mang lại thu nhập cho bạn, vừa tăng thêm các kĩ năng, kiến thức xã hội cho bạn. Tuy nhiên, nghề này cũng không ít những trắc trở, khó khăn.

Công việc gia sư mặc dù có thể giúp các bạn sinh viên kiếm thêm một khoản thu nhập đáng kể, nhưng đó chỉ là một nghề làm thêm bên cạnh việc học là chính yếu.
Nghề gia sư từ lâu đã trở thành công việc làm thêm quen thuộc, thu hút được lượng đông đảo các bạn sinh viên. Công việc “gõ đầu trẻ” tưởng chừng là nhàn rỗi, ấy vậy mà dân “ét –vê”(tên gọi vui dành cho sinh viên) lại gặp phải không ít những câu chuyện cười ra nước mắt mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Mất tiền chẳng biết kêu ai

Bước đầu tiên để có thể nhận lớp giảng dạy, các bạn sinh viên đều phải thông qua các trung tâm gia sư với những từ ngữ rất kêu và hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải tất cả các trung tâm gia sư đều là những địa chỉ đáng tin cậy để sinh viên có thể tìm kiếm đối tượng giảng dạy. Thay vào đó là những trung tâm “chui”, lừa đảo, làm ăn “chộp giật” với mục đích moi tiền của sinh viên.

Vân Anh – sinh viên năm 3 trường ĐH Ngoại Ngữ Huế vẫn còn nhớ như in ngày đầu đến trung tâm gia sư để đăng ký suất dạy: “Hồi mới năm nhất mình cũng muốn kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống xa nhà nên đến đăng kí tại một trung tâm gia sư sau khi tìm hiểu địa chỉ trên internet. Trung tâm gì mà chỉ có một chị nhân viên ngồi ghi danh, xung quanh thì tối và ẩm thấp chẳng khác gì phòng trọ, người ta đòi 50% tiền hoa hồng tháng đầu tiên, cuối tháng đến nhận tiền tại trung tâm. Đến cuối tháng mình quay lại lấy tiền thì tìm không ra địa chỉ, hỏi chủ nhà thì không ai biết, sinh viên xa nhà nên chẳng biết kêu ai, lúc đó mình chỉ muốn khóc thôi, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ấm ức lắm”.


Nhan nhản các tờ rơi, quảng cáo ở trên tường, cột điện.

Không chỉ lừa đảo, các “trung tâm” còn chỉ khéo các sinh viên cách nói dối nếu muốn được nhận lớp nhanh, khiến cho nhiều sinh viên lâm vào những hoàn cảnh dỡ khóc dở cười.

“Có chị bên trung tâm bảo mình khi đến gặp phụ huynh cứ nói là học năm cuối, trường đại học Y Dược. Mình dạy cũng được 3 tháng, tưởng đâu mọi việc êm xuôi, ai ngờ hôm đó mình để quên thẻ sinh viên tại nhà người ta, phụ huynh phát hiện được thế là cắt ngang luôn hợp đồng, còn dọa là báo lên trường mình nữa” – Tấn Lâm , sinh viên năm 3 trường ĐHKH Huế chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các “trung tâm” thường không quan tâm lắm đến học vị và trình độ của sinh viên, trong khi đó các trung tâm được thành lập ra với chức năng gắn kết, liên hệ giữa những nhu cầu lại với nhau. Nhưng điều này càng thể hiện rõ sự liên hệ và gắn kết đó nhiều khi là sự vô trách nhiệm, hời hợt. Chỉ cần cung cấp tên, số điện thoại, môn học đảm nhiệm là đã có thể thiết lập được một lý lịch hoành tráng về gia sư đó khi giới thiệu với phụ huynh, điều này không chỉ khiến các vị phụ huynh mập mờ trong việc thẩm định chất lượng gia sư, còn gây nên vô số khó khăn cho các bạn sinh viên khi đối mặt với những tình huống trở trêu trong suốt quá trình đảm nhiệm công việc.

Những câu chuyện buồn, vui

Đối với nhiều bạn, gia sư không chỉ đơn thuần là một nghề làm thêm kiếm thêm thu nhập, mà còn là đam mê, là môi trường lý tưởng để trau dồi kỹ năng sư phạm. Thanh Ngọc - sinh viên năm cuối trường ĐH Sư Phạm chia sẻ: “ Là sinh viên năm cuối nên mình muốn nhân cơ hội này đi dạy ở kèm để nâng cao khả năng sư phạm, tránh sự bỡ ngỡ về sau. Mình yêu công việc này, tuy có hơi vất vả nhưng nó giúp mình tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống”.
Không chỉ vậy, các bạn sinh viên đa số cho rằng niềm vui của công việc gia sư đến từ sự thân thiện, thoải mái của các vị phụ huynh. Một khi làm tốt vai trò, các bạn sinh viên sẽ xây dựng được niềm tin nơi phụ huynh và được học trò quý mến, nhiều gia sư còn được các gia đình coi như con, cháu trong nhà và đối xử rất tốt. Cô Nguyễn Thị Xuân (phường Phước Vĩnh, TP Huế) cho biết : “Cô thương mấy đứa chịu thương, chịu khó, nên cô luôn coi như con cháu trong nhà, trả lương đúng hẹn để có thể kịp thời trang trải cho cuộc sống, cô sẵn sàng tạm ứng trước cho gia sư nếu em nó cần.”


Muôn kiểu dở khóc dở cười nghề “gõ đầu trẻ”

Tuy nhiên, không phải bạn sinh viên nào khi bước chân vào công việc gia sư cũng đều có những thuận lợi, may mắn. Trong khi đó lại có một số trường hợp lâm vào những hoàn cảnh “cười ra nước mắt”, gặp phải trở ngại trong lần đầu tiên chạm đến nghề. Thanh Tùng – sinh viên năm 3 trường đại học Y Dược tâm sự rằng cách đây 3 tháng, Tùng làm gia sư môn Toán cho một cậu bé lớp 8. Sau một màn "chào hỏi” kiến thức, Tùng mới tá hỏa rằng cậu bé mất căn bản trầm trọng từ năm lớp 7, nghiêm trọng hơn là kì thi học kì đang đến gần, Tùng đành phải tăng số buổi học để kịp ôn luyện. Ấy vậy mà cậu bé vẫn lười biếng, sáng học kèm, chiều đi chơi, khiến Tùng chẳng biết giải thích như thế nào về kết quả học tập tồi tệ của cậu bé trước mặt các vị phụ huynh.

Ai đã từng đi làm gia sư mới thấu hiểu được nỗi khổ tâm luôn đè nặng trong lòng người dạy, áp lực không chỉ đến từ học trò, mà còn xuất phát từ các vị phụ huynh thường quan trọng con điểm hơn là những kiến thức mà con em mình tiếp nhận được. Nhiều vị phụ huynh còn yêu cầu gia sư dạy ở phòng khách để mình dễ quản lý, có khi xếp ghế ngồi phía sau quan sát nhất cử nhất động gia sư, khiến cho các bạn sinh viên hoàn toàn không thoải mái để có thể tiếp tục công việc dở dang của mình. “Gặp những lần như vậy mình khó chịu lắm, phản ánh nhiều lần mà phụ huynh cũng không hiểu, nhiều khi mình tức muốn khóc” - Thanh Tuyền - sinh viên năm 2 trường đại học Kinh Tế nhớ lại hoàn cảnh trớ trêu trong những tháng ngày “gõ đầu trẻ”.

Công việc gia sư mặc dù có thể giúp các bạn sinh viên kiếm thêm một khoản thu nhập đáng kể, nhưng đó chỉ là một nghề làm thêm bên cạnh việc học là chính yếu. Tuy nhiên công việc này lại chiếm khá nhiều thời gian của sinh viên, khiến một số bạn vì thường xuyên đi dạy nên bỏ bê việc học, thậm chí là còn “cúp” học để dạy bù khi phụ huynh mong muốn. Điều này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của việc học tập ở trường khi các bạn phải dành một khoảng thời gian nhất định để làm bài tập nhóm, tham khảo các giáo trình liên quan đến ngành học, học ngoại ngữ…

Để thực sự an toàn và chắc chắn, các bạn sinh viên nên tìm đến những trung tâm gia sư trực thuộc trường đại học nơi các bạn đang học tập - đó thực sự là những địa chỉ vô cùng hữu ích để các bạn có thể tìm được đối tượng giảng dạy phù hợp cho bản thân mình.

Những ích lợi thiết thực khi bạn tham gia các hoạt động đoàn thể

Tuổi trẻ đang hừng hực khí thế học tập và chinh phục cuộc sống thì bạn nên đi đây đi đó, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện... để nâng cao kĩ năng giao tiếp, kiến thức xã hội của mình. Bởi vì đời sinh viên sẽ trở nên ý nghĩa hơn và khi ra trường bạn đã có một vốn liếng kĩ năng nhất định phục vụ cho công việc của bạn.

Một trong những yếu tố quan trọng để bạn được các nhà tuyển dụng để mắt chính là kinh nghiệm. Có nhiều cách để sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm, và một trong số đó chính là tham gia các hoạt động đoàn thể của trường.
Kinh nghiệm làm việc có thể đến với mọi người bằng nhiều con đường khác nhau như: tìm việc làm thêm gần với nghề nghiệp của mình sau này, cộng tác với cơ quan mình mong muốn sẽ được làm việc sau khi tốt nghiệp, tự học hỏi kinh nghiệm (từ sách vở, từ các bậc tiền bối),… Nhưng có lẽ tham gia các hoạt động đoàn thể của nhà trường, là môi trường thực tế và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực nhất.

Hiện nay, chúng ta có thể thấy hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều có rất nhiều các câu lạc bộ (CLB) đoàn thể như: CLB ngoại ngữ, chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, thanh niên xung kích,… Và một đặc điểm là trường nào cũng có những câu lạc bộ chuyên về ngành nghề mà trường đó thường đào tạo. Ví dụ như, đại học Ngoại ngữ thì có CLB ngoại ngữ, Học viện Báo Chí thì có câu lạc bộ báo chí-truyền thông,…


Nếu nhìn vẻ ngoài thì hầu hết các câu lạc bộ đoàn thể đều thiên về thể chất và vui chơi,… nhưng những chương trình kể trên sẽ dạy cho bạn nhiều kinh nghiệm thú vị và kỹ năng thực tế mà không lý thuyết nào miêu tả được.

Qua những sự cọ xát và với đặc thù riêng của mình, các câu lạc bộ - đội nhóm này sẽ là môi trường tốt nhất cho bạn học lấy tinh thần đồng đội và khả năng làm việc nhóm. Về mặt cá nhân, những thứ bạn có được là kinh nghiệm giao tiếp, xử lí tình huống, kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử,… Tất cả đều có ở đó!

Hãy trở thành một sinh viên năng động ngay từ khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Tự tin và linh hoạt kết nối với thế hệ anh chị đi trước, cả với các sinh viên khác khoa để tạo dựng mối quan hệ rộng rãi cho chính mình.

Nhắc đến “mối quan hệ rộng rãi”, xin kể một câu chuyện rất ý nghĩa sau: “Có hai người cùng đến một công ty xin việc, một điều trùng hợp là tất cả các tiêu chuẩn mà công ty đó đặt ra thì cả hai người này đều đáp ứng được, cả hai đều xứng đáng “một chín một mười”. Nên cuối cùng các nhà tuyển dụng đã có một cách rất hay, đó là yêu cầu hai người này cho xem danh bạ điện thoại, người có nhiều tên lưu trong danh bạ hơn đã được chọn”. Một tình huống không đúng với mọi trường hợp nhưng là bài học khiến chúng ta phải ngẫm ngợi.


Ngay từ bây giờ, mỗi sinh viên cần nắm bắt ngay ý nghĩa và tầm quan trọng của một mối quan hệ rộng rãi. Một mạng lưới thông tin liên lạc mạnh mẽ và nhiều người quen biết là điều kiện tốt nhất mà bất kỳ người tìm việc nào cũng mơ ước.

Tham gia các chương trình của nhà trường cũng là cơ hội để bạn “làm đẹp” cho học bạ của mình. Nếu là các thành viên xuất sắc, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học dù là cấp nhà trường thôi, nhưng nếu được ghi vào học bạ thì đó cũng là một điểm cộng khi đi xin việc.

Đừng ngại ngần khi bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, cũng đừng tự ti mình còn thiếu hụt thông tin lẫn tri thức. Qua quá trình trau dồi và rèn luyện, các bạn sẽ gặt hái được rất nhiều thứ. Hãy thử xem, chúc các bạn thành công!

Những cú sốc tinh thần lớn trong cuộc đời sinh viên của mỗi người

Trở thành một tân sinh viên là niềm mơ ước của rất nhiều bạn học sinh THPT, tuy nhiên khi bước vào cuộc đời của một sinh viên thì bạn lại vấp phải những cú sốc lớn và cần phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần để vượt qua được.

Bạn đã từng học cấp 3? Chắc chắn bạn sẽ nhìn các anh chị sinh viên đại học với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, bạn mơ ước, khao khát một ngày mình cũng sẽ bước vào giảng đường và phát triển sự nghiệp…
Bạn cũng đã từng học đại học? Chắc chắn bạn sẽ nhìn những anh chị đã đi làm với chức danh nọ kia chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng, giám đốc… rất oai, họ kiếm được tiền, họ tự do chi tiêu, họ không phải xin xỏ ai, bạn cũng bắt đầu ước mơ, khao khát một ngày mình cũng được như họ, bước chân vào doanh nghiệp, hoặc tạo lập 1 doanh nghiệp cho riêng bạn.

Nhưng giấc mơ thường chỉ là giấc mơ!

Cú sốc thứ nhất: Từ học sinh trở thành sinh viên một trường cao đẳng, đại học

Trái với hình dung của hầu hết các bạn học sinh cấp 3, sinh viên khác lắm, họ năng động, trưởng thành, giỏi vô cùng… Họ được tự do, thoải mái, không phải học một cách gò bó, ít chịu sự quản thúc, rồi được tiếp xúc với nhiều thứ hay ho, những chuyên ngành hoành tráng như Tài chính, Ngân hàng, Pháp luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đối ngoại… nghe hoành tráng thế, to thế! Nhưng khi bắt đầu học thì sao?


Những năm đầu tiên của đại học, bạn phải học toàn những môn đại cương "chán nhất quả đất" như Triết học, Kinh tế chính trị, Kinh tế vĩ mô vi mô, Kinh tế lượng, Toán cao cấp… những môn mang đầy màu sắc chính trị, học thuật, chẳng khác gì cấp 3. Có điều sách dày hơn, kiến thức cũng xa vời, khô khan và khó hiểu hơn.

Phương pháp dạy gần như vẫn thế, đọc và chép, chỉ có điều các thầy cô chẳng quan tâm bạn có chép bài hay không. Năm đầu tiên gần như đã giết chết thói quen học tập hằng ngày mà bạn rèn từ bé tới giờ. Lên đại học rồi, lớn rồi, kiểm tra mới học, thi mới học thôi!

Cú sốc này diễn ra âm thầm, lặng lẽ khiến cho nhiều bạn sinh viên vô cùng chán nản, nó là tiền đề rất xấu cho việc học tập sau đó của các bạn. Rất buồn học đại học như vậy lại là bước lùi của nhiều bạn sinh viên.

Cú sốc thứ hai: Từ sinh viên trở thành cựu sinh viên

Những môn chuyên ngành gắn nhiều với thực tế cuộc sống hơn, đã giúp cho các bạn sinh viên tinh thần phấn chấn hơn một chút, nhưng lại đưa bạn vào một mê cung khác. Những lời lẽ tuyệt vời của các thầy cô đã vẽ ra cho bạn những viễn cảnh tuyệt vời về nghề nghiệp sau khi học xong đại học, về những thành tích lẫy lừng mà những giáo sư, tiến sĩ đạt được. Bạn bắt đầu vẽ ra một viễn cảnh tương lai đầy hứa hẹn với một niềm tin sắt đá rằng cầm tấm bằng đại học trong tay, bạn có thể san bằng cả thế giới!


Và rồi, khi chuẩn bị ra trường, tìm hiểu về công việc, bạn giật mình nhận ra rằng mình đang chẳng có gì trong tay. Những gì bạn được dạy trong trường đại học chỉ là một phần rất rất nhỏ so với yêu cầu của những nhà tuyển dụng. Bạn bắt đầu hoang mang, cú sốc này quá nặng! Vì giờ bạn đã 22 tuổi, không được phép xin tiền gia đình nữa! Không làm việc thì làm gì tiếp theo? Nhiều bạn bắt đầu trách móc sao nhà tuyển dụng nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm, đòi hỏi đủ thứ khác trong khi trường không dạy. Điều đó quá vô lý! Nhưng hãy nghĩ lại xem, trong trường hợp này, ai mới là người vô lý?

Bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu, học từ những thứ nhỏ nhất! Ngay cả việc làm 1 văn bản word như thế nào…

Vẫn còn nhiều cơ hội cho những bạn sinh viên vẫn còn đang trên ghế nhà trường nếu bạn thay đổi cách học, cách rèn luyện. Đừng phụ thuộc hoàn toàn vào trường đại học.

Vẫn còn nhiều cơ hội cho những bạn cựu sinh viên đang loay hoay tìm hướng đi, chỉ cần bạn quyết tâm và nỗ lực, bạn vẫn có thể thành công.

Hãy lấy lại tinh thần và tiếp tục cố gắng, bạn nhé!

Sinh viên nước ngoài háo hức đón tết Việt


Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là đến tết nguyên đán, nhà nhà người người đang rục rịch chuẩn bị cho cái tết lớn nhất trong năm này. Nhiều sinh viên người nước ngoài hiện đang theo học tại các trường ở Việt Nam cũng vô cùng háo hức với tết Việt, họ rất vui vì được đón tết ở Việt Nam.

Tết Việt ý nghĩa

Còn khoảng hơn 1 tuần nữa sinh viên các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội được nghỉ Tết âm lịch. Với sinh viên trong nước, đó là sự háo hức, mong chờ được trở về bên mâm cỗ gia đình ấm cúng sau một học kỳ xa nhà. Còn đối với nhiều bạn sinh viên nước ngoài đang theo học ở các trường ĐH, CĐ, vào dịp này cũng rất háo hức, chờ đón Tết cổ truyền của Việt Nam, nhất là những bạn lần đầu được đón Tết Việt.

Tới khu ký túc xá sinh viên của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, các bạn sinh viên Lào cho biết, bây giờ ở đây chỉ còn hơn 10 sinh viên Lào vẫn đang học bởi một số bạn đã thi xong và về nước. Năm nay, nhiều khả năng không có ai ở lại trong dịp Tết, nhưng nhắc đến Tết Việt, các bạn đều rất say sưa, tự hào kể về lần mình ở lại và được đón Tết. Dịp này, nhiều bạn cho biết sẽ cố gắng ở lại Hà Nội để đi chơi, ngắm đường phố… gần đến ngày Tết mới về nước.

Sinh viên Savabanla (năm thứ 4, ĐH Văn hóa Hà Nội) kể: “Em đã một lần ở lại ăn Tết. Em rất thích Tết cổ truyền Việt Nam bởi vào dịp này, mọi người đều hướng về giá trị truyền thống, sum họp bên gia đình. Ra đường cảm nhận được không khí tấp nập lúc trước Tết, trong Tết thì đường phố sạch đẹp, thoáng đãng hơn. Có năm ở lại ăn Tết, em được các bạn học đưa đi chơi, ngắm hoa, dẫn về nhà ăn cơm cùng gia đình. Ngày Tết, em và các bạn còn đi thăm, chúc Tết các thầy cô đang dạy mình… Đó là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời em”.

Khi nhắc đến Tết cổ truyền Việt Nam, K.Agata (quốc tịch Ba Lan) - sinh viên Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) không khỏi xúc động, mong đợi: “Năm trước, tôi đã rất may mắn khi được đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ cảm giác phấn khởi khi hòa chung cùng dòng người tập trung quanh khu vực Hồ Gươm, cùng chờ đón thời khắc giao thừa, xem pháo hoa”.


Sinh viên Natsuki Iwwamoto (quốc tịch Nhật Bản) mong muốn sẽ được đón Tết tại Việt Nam. Ảnh: T.G

Háo hức chờ mong Tết

Ấn tượng về lần đón Tết tại Hà Nội đầy ý nghĩa, K.Agata cho biết, dịp Tết năm nay sẽ mời bố, mẹ từ quê nhà sang Việt Nam ăn Tết. “Dịp Tết này, cả bố và mẹ tôi cũng đã sắp xếp thời gian, qua thăm và chơi Tết cùng tôi. Tôi sẽ nhân dịp này giới thiệu cho bố mẹ về Tết cổ truyền ở Việt Nam. Đặc biệt là giới thiệu những món ăn truyền thống của Việt Nam mà tôi rất thích để bố mẹ tôi cùng thưởng thức. Chắc chắn gia đình tôi sẽ có khoảng thời gian vô cùng thú vị”, K.Agata chia sẻ thêm.

Ban chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, dịp Tết năm nay, có một số sinh viên nước ngoài đang học tại khoa sẽ ở lại đón Tết. Nhiều sinh viên hệ đào tạo cử nhân, ngắn hạn cũng đang lên kế hoạch đón Tết ở Việt Nam, trong đó có các chuyến đi chơi, thưởng thức những nét đẹp văn hóa trên mọi miền Tổ quốc.

Năm đầu tiên học tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, sinh viên Natsuki Iwwamoto (quốc tịch Nhật Bản) tỏ ra rất vui khi được sang Việt Nam, hiểu biết thêm văn hóa Việt Nam, điều mà trước đây cô chỉ đọc qua sách, báo, truyền hình.

Natsuki Iwamoto chia sẻ: “Tôi đã được dự Noel, Tết Dương lịch ở Việt Nam. Tôi thấy rất vui vì vào những dịp này, người dân Việt Nam rất phấn khởi, mến khách. Tôi cũng dự định cố gắng sắp xếp thời gian ở lại đón Tết cổ truyền của các bạn, rồi mới trở về Nhật Bản. Tết Việt Nam qua những gì tôi được biết rất giàu giá trị truyền thống, có bánh chưng, hoa đào, đường phố trang trí nhiều hoa… Vào dịp Tết, mọi người quây quần bên gia đình, ấm cúng…”.

Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội cho biết, Hội đang triển khai chương trình “Tết ấm - Xuân vui 2014”, sẽ tổ chức thăm, tặng quà cho sinh viên nước ngoài đang học tập tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội dịp Tết Nguyên đán này. Đây là hoạt động nhằm động viên, khích lệ phong trào học tập, cũng như góp phần quảng bá nét đẹp của Tết cổ truyền Việt Nam đến sinh viên quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.

Kinh nghiệm lựa chọn trường đại học cho bạn


Lại sắp đến một mùa thi đại học nữa, những bạn học sinh thời gian này đang vô cùng băn khoăn về quyết định lựa chọn trường đại học nào là lý tưởng. Dưới đây chúng tôi đưa ra những lời khuyên, những kinh nghiệm giúp bạn chọn trường đại học phù hợp với sở thích, khả năng của bạn và gia đình.

Hiện nay, trong lẫn ngoài nước có rất nhiều trường đại học để bạn lựa chọn theo đuổi ước mơ của bản thân. Nếu bạn đang phân vân không biết chọn ngành gì, trường nào để dự thi thì hãy tham khảo các nguồn thông tin từ internet, thầy cô, bạn bè, phụ huynh, sinh viên khóa trước… theo những tiêu chí dưới đây để có được sự lựa chọn tốt nhất.

Bạn thật sự muốn gì?

Có rất nhiều sinh viên không yêu thích ngành đang theo học, một số người cảm thấy nhàm chán, số khác còn có cảm giác hối hận và muốn được lựa chọn lại. Vì thế hiểu được ước mơ, sở thích, nguyện vọng,… của bản thân chính là bước quan trọng nhất giúp bạn lựa chọn được một trường đại học lý tưởng. Bạn thích vẽ, có con mắt thẩm mỹ, bị thu hút bởi hội họa,… thì có thể bạn muốn trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, hay người trang trí nội thất… Nếu bạn thích viết lách và có khiếu văn chương, bạn có thể trở thành nhà báo, nhà văn, tiểu thuyết gia,…

Đừng để bản thân chịu sự tác động của bên ngoài, như chọn trường theo ý của bố mẹ, hoặc đăng ký trường giống nhóm bạn thân. Bạn hãy chủ động đối với tương lai của mình, bởi vì sau này sẽ chẳng ai nghĩ hộ hay làm hộ bạn được cả.


Năng lực của bản thân

Kết quả học tập ở trường của bạn, lời nhận xét của giáo viên, kết quả thi thử,… là những thứ giúp bạn nhìn nhận đúng năng lực của bản thân. Bạn nên ước đoán số điểm mình có thể đạt trong kỳ thi đại học chính thức, để lựa chọn trường có mức điểm phù hợp. Mức điểm dao động lý tưởng là 1-2 điểm, tức là nếu bạn dự đoán mức điểm sẽ đạt được là 18 thì nên chọn trường lấy đầu vào là 17 hoặc 19 (theo mức điểm của các năm thi trước).

Chất lượng đào tạo

Đây là tiêu chí thứ ba bạn cần xem xét khi lựa chọn một trường đại học. Một trường đại học có chất lượng đào tạo tốt sẽ trang bị cho bạn kiến thức, nền tảng vững chắc và những kĩ năng cần thiết sau khi ra trường.

Cầm tấm bằng của một trường đại học uy tín sẽ giúp bạn “có giá” hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì lý do này mà một số trường thu hút được người tài, số khác thì không, học tập và cạnh tranh với những người giỏi giang sẽ phát triển tư duy và cả phong cách sống.

Khi tìm hiểu về một trường đại học bạn nên tham khảo thông tin về truyền thống học tập của sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu và các công ty, doanh nghiệp liên kết với ngôi trường đó.


Học phí, học bổng, chính sách khuyến khích học tập

Không phải ai cũng may mắn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thế nên lựa chọn một trường đại học có học phí hợp lý cũng là một tiêu chí bạn nên quan tâm. Bạn nên tham khảo mức học phí của nhiều trường khác nhau, có đào tạo ngành mà bạn muốn theo học để đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Ngoài vấn đề học phí thì học bổng và những chính sách khuyến khích học tập của trường cũng đáng để bạn lưu tâm. Chính sách ưu đãi tốt sẽ giúp bạn có thêm cơ hội học tập, nếu bạn học tốt bạn sẽ có học bổng thường niên, cơ hội học tại nước ngoài, hoặc một vài học bổng khác từ các quỹ khuyến học.

Hoạt động ngoại khóa

Hoạt động ngoại khóa sẽ khiến việc học tập bớt nhàm chán, bạn sẽ được thư giãn, giao lưu và có thêm cơ hội để phát triển bản thân. Sẽ thật thú vị nếu được tham dự cuộc thi hát, sinh viên thanh lịch, các hoạt động tình nguyện, câu lạc bộ âm nhạc,… hơn là chỉ biết chúi đầu vào học đúng không?

Trên đây là một vài tiêu chí quan trọng giúp bạn lựa chọn được một trường đại học lý tưởng. Bạn nên cân nhắc kĩ để có được sự lựa chọn tốt nhất. Cuối cùng, bạn nên tin tưởng và giữ vững sự lựa chọn của mình, đừng để bản thân bị lung lay bởi những tác động bên ngoài.

Chúc các bạn thành công.

Khám phá "Chợ phao thi" của sinh viên


Nói đến sinh viên thì không thể không nhắc đến phao thi, cứ mỗi mùa thi đến thì tình trạng phao thi tràn lan khắp các hàng quán xung quanh các trường học. Sinh viên đến ngày thi rủ nhau ra cổng trường mua quyển phao thi tí hon rồi đút vào túi quần túi áo thế là vào thi.

Tại đây, "phao" thi không phải mua bán lén lút mà được trưng bày công khai, tràn ra cả mặt phố để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Vào mùa thi cử, nhiều hàng quán photocopy, in ấn lại bội thu khi kinh doanh "phao" thi. Không chỉ nổi lên trong các kì thi tốt nghiệp THPT mà ngay cả kì thi giữa kì hay cuối kì của các trường đại học, cao đẳng thì hoạt động này cũng diễn ra một cách rất nhộn nhịp. Thông thường, những tập tài liệu với kích cỡ "tí hon" được các chủ quán và nhân viên lén lút sao chép, in ấn rồi bán ra theo nhu cầu của khách hàng (đa phần là học sinh, sinh viên).

Tuy nhiên, đoạn đường ngay trước cổng Học viện Tài Chính (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) lại mọc lên những quán photocopy có hình thức hoạt động khá "độc". Tại đây, "phao" thi đã được in sẵn với số lượng lớn, được bày bán công khai như một món hàng hóa ngoài chợ. Chỉ cần sinh viên có nhu cầu với bất kì một môn học nào đó thì các hàng quán đều sẵn sàng đáp ứng tức thì mà không mất thời gian chờ đợi.

Đoạn đường trước cổng chính Học viện (HV) Tài chính mọc lên rất nhiều quán photo, in ấn bày bán công khai "phao" thi

Tại đây, "phao" thi, tài liệu không cần cất giấu mà trưng bày công khai ngoài sạp gỗ sau khi đã được phân loại

Cận cảnh những tập tài liệu "tí hon" với số lượng lớn tại khu vực HV Tài chính


Vào thời kì cao điểm, các quán trước cổng HV Tài chính hoạt động hết công suất từ sáng cho đến tối muộn. Một số quán như M. Thành, H. Dương, M. Tân, V. Quyết... luôn thu hút đông đảo giới sinh viên vì tại đây bày bán đầy đủ các loại "phao" thi cho các môn học, kích cỡ to nhỏ đều có. Các quán đều hoạt động kinh doanh phao thi một cách khá chuyên nghiệp. Nhân viên được chia theo công việc, người chuyên đánh máy, sao chép; người thì chuyên làm nhiệm vụ giới thiệu và trực tiếp phục vụ khách hàng.

Tờ "phao" rớt lại trên bàn bày bán các tập giáo trình môn học

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các quán đều trưng bày những sạp lớn ngoài sân với vô vàn những cuốn giáo trình, đề cương hay bài giải. Trong vai sinh viên đi tìm mua "phao" thi, chúng tôi tiến đến một cửa hàng photocopy trước cổng HV Tài chính. Theo như lời giới thiệu của một nhân viên thì tại đây bày bán đầy đủ tất cả các loại giáo trình cho các môn học, mà giá cả chỉ bằng 1/3 giá bìa gốc. Với các loại tài liệu thì hình dáng, kích cỡ cũng vô cùng phong phú.

Tiến sâu vào trong nhà, lượng tài liệu "thu nhỏ" tràn ngập các giá đỡ, đựng đầy trong các khay nhựa để sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của sinh viên, khiến nhiều người choáng ngợp. Khi chúng tôi yêu cầu đề cương thu nhỏ cho một môn học, chỉ chưa đầy 3 phút sau, nhân viên đã đưa ra tới 3 tập tài liệu khác nhau để khách hàng lựa chọn. Không chỉ mua bán một cách dễ dàng mà giá cả của các loại "phao" này cũng rất rẻ. Trung bình, một loại cỡ nhỏ nhất, có thể để gọn trong lòng bàn tay, giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng. Loại to hơn, kiểu cầm tay dài cả chục trang giấy có giá nhỉnh hơn một chút, từ 4.000 - 5.000 đồng mỗi tập.

Tài liệu thu nhỏ ngập tràn trên các giỡ đỡ, thùng bìa carton

Ba tập đề cương "tí hon" được nhân viên giới thiệu cho một môn học với giá chỉ vài nghìn đồng

Không chỉ mua "phao" có sẵn tại đó, khách hàng còn có thể đặt mua lời giải đáp án cho các đề cương nếu để lại câu hỏi cho chủ quán. Hoặc với những môn chưa có tại quầy, khách cũng có thể đặt trước với số lượng tùy ý rồi hẹn thời điểm nhận "hàng" vào hôm sau. Tất nhiên, khách phải trả trước một ít tiền gọi là "đặt cọc".

Một sinh viên ở đây cho biết: "Mấy môn mình mua "phao" hầu hết là các môn đại cương như Kinh tế chính trị, Triết học... vì các môn này thường khô khan và khuôn mẫu. Có đợt, mình còn mua cả 5 bộ cho mấy đứa cùng bàn. Mua về cho yên tâm là chính chứ sử dụng hay không thì còn phải tùy hoàn cảnh nữa...".

Thiết nghĩ, nếu các bạn học sinh sinh viên - ai cũng kiên quyết nói "không" với "phao" thì vấn nạn này sớm muộn cũng sẽ không còn, trả lại một "môi trường học đường trong lành" theo đúng nghĩa của nó.

Vì sao sinh viên chuộng trường quốc tế?


Trường quốc tế là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngay từ khi còn là học sinh trung học, phổ thông họ đã có ý chí, khát vọng được đi du học hay được học ở các trường quốc tế nổi tiếng ở trong nước. Vậy lý do vì sao học sinh Việt lại ưa chuộng trường quốc tế như thế? 

Ngôn ngữ

Lý do đầu tiên để sinh viên lựa chọn chính là việc giúp các bạn cải thiện và nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Việc học tập và làm việc thường xuyên với các giảng viên nước ngoài, bắt buộc các bạn phải giao tiếp bằng ngôn ngữ quốc tế, vô hình trung trở thành thói quen, lâu ngày ngấm dần vào khiến các bạn sử dụng nó theo phản xạ một cách tự nhiên. Đặc biệt, việc phải hoàn thành các bài tập, cũng như làm tiểu luận bắt buộc phải bằng ngôn ngữ quốc tế, điển hình là tiếng Anh, sẽ giúp ích các bạn rất nhiều trong cách hành văn của riêng mỗi cá nhân, trở thành điểm mạnh của bản thân khi ứng tuyển việc làm vào các công ty, đặc biệt là về các công việc có liên quan đến mảng phân tích báo cáo.


Môi trường

Năng động – thoải mái, ít bị gò bó trong khuôn khổ nội quy của trường. Hầu hết các bạn đều được tự do trong việc lựa chọn trang phục khi đến trường, không cần 5 tuần một ngày đều phải khoác trên người những bộ đồng phục giống nhau. Chỉ cần phù hợp và lịch sự, các sinh viên trường quốc tế không bị kiểm soát quá khắt khe trong vấn đề này.

Cơ sở vật chất

Đây cũng là một ưu điểm của loại hình trường học này. Hệ thống phòng học với các trang thiết bị đầy đủ, ngoài ra còn có phòng thực hành nghiên cứu, giúp các bạn có thể áp dụng được kiến thức lý thuyết vào thực tế thay vì chỉ ngồi đọc sách và tự tưởng tượng ra. “Tiền nào của nấy” – học phí các bạn phải trả hàng kì rất nhiều, đồng nghĩa với việc học tập của các bạn phải được “phục vụ” đến nơi đến chốn. Những thắc mắc, cũng như kiến nghị của sinh viên đều được phòng đào tạo đáp ứng và trả lời rõ ràng. Các bạn có quyền lên tiếng vì quyền lợi của mình, không vì khép nép sợ sệt mà nhắm mắt cho qua.


Nhiều hội nhóm, CLB hoạt động rầm rộ

Đa số các câu lạc bộ, hội nhóm của các trường quốc tế hoạt động rất mạnh và có đầu tư kĩ càng về bên trong lẫn bên ngoài. Những sự kiện do các bạn tổ chức tuy chỉ dừng lại ở quy mô của sinh viên, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt hiện nay nhiều sự kiện còn có cả phóng viên, báo chí đến tham gia.

Lựa chọn môn học còn là một trong những điều đặc biệt mà các sinh viên quốc tế cảm thấy thích thú. Các bạn sẽ có cơ hội được học những chuyên ngành mình yêu thích dù cho nó không phổ biến và không hề tồn tại trong chương trình dạy của các trường công từ trước đến nay. Việc được học đúng ngành đúng sở thích ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ và tương lai của mỗi sinh viên, nó sẽ tạo tiền đề vững chắc giúp các bạn tự tin hơn trong vấn đề nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, các môn học ngoại khóa không chỉ dừng lại ở những môn cổ điển như cầu lông, bóng chuyền mà còn có cả những môn đầy thú vị mà tưởng như chỉ có thể xem qua trên các bộ phim truyền hình.

Nền tảng tốt

Một điểm cộng cho sự lựa chọn này đối với những bạn có mong muốn được đầu quân vào các công ty đa quốc gia. Tiếp xúc với các thầy cô người bản ngữ cũng như ngoại ngữ từ những năm học Đại học, quá quen với cách làm việc theo phong cách nước ngoài là như thế nào, các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ khi bước chân vào làm việc cho những tập đoàn nước ngoài.

Cơ hội cao

Học bổng từ lâu đã không còn xa lạ đối với các bạn sinh viên, chỉ cần có thành tích xuất sắc, không quan trọng là học ở môi trường nào, bạn đều có học bổng. Nhưng phần lớn ở các trường quốc tế, số lượng cũng như chất lượng học bổng dường như có “sức nặng” hơn, thậm chí có nhiều học bổng tương đương với học phí của nguyên 1 học kì. Ngoài ra, chương trình liên kết với các trường Đại học nước ngoài cũng chắp cánh cho ước mơ du học của các bạn được bay cao bay xa một cách dễ dàng hơn.

Hầu hết suy nghĩ cố hữu từ trước đến nay vẫn luôn cho rằng, trường quốc tế chỉ dành cho những kẻ não rỗng lắm tiền, không học hành giỏi giang, không có khả năng vào các trường công lập mới vung tiền vào các trường quốc tế xa xỉ ấy. Thừa nhận rằng điều này cũng đúng, nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải cứ sinh viên trường công là ù lì thụ động chỉ biết học, không phải cứ sinh viên trường quốc tế đều mang cái mác “nhà giàu dốt nát”, thực chất vẫn có rất nhiều bạn thi Đại học với kết quả cao, dư sức để trở thành một trong những gương mặt sáng giá của các trường công tiêu biểu, nhưng họ vẫn lựa chọn con đường quốc tế mà người khác vẫn cho là không tốt ấy. Việc học của mỗi người chính là do mỗi bản thân tự lựa chọn, quan trọng là họ cảm thấy môi trường nào phù hợp với điều kiện, có thể giúp họ tiến xa hơn thì sẽ nắm lấy.

Nhan sắc tuyệt đẹp của cô sinh viên "làm sập" website trường


Sau khi tấm hình cô sinh viên này được đăng trên website của trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc thì đã tạo ra một cơn sốt trong cộng đồng mạng, website của trường ngay lập tức bị tắc nghẽn.

Đây được coi là một hiện tượng lạ, bởi trang web của trường Đại học danh tiếng này chỉ thường đăng tải những thông tin "khô cứng".

Sau khi hình ảnh của nữ sinh hot girl này hiện lên trang chủ, số lượng truy cập vào trang đã tăng đột biến, khiến xảy ra tình trạng nghẽn mạng.


Hình ảnh của cô trên trang chủ của trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc.

Cô hiện vẫn là sinh viên của Học viện Âm Nhạc


Xinh xắn trong màu áo cử nhân.

Cuối cùng, danh tính của hot girl đã được cư dân mạng săn tìm và tiết lộ: cô tên Khang Dật Côn, hiện vẫn là sinh viên của Học viện Âm nhạc thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc.

Khi hình ảnh mình được cư dân mạng săn đón, cô tỏ ra rất ngạc nhiên và cũng sẵn lòng chia sẻ những khoảnh khắc đời thường của mình.


Những khoảnh khắc đời thường xinh tươi của cô nữ sinh.


Cô tiết lộ bản thân cũng rất thích chụp ảnh.


Tuy được cộng đồng mạng săn đón nhưng Dật Côn cho biết mình thích một cuộc sống bình thường hơn.


Ảnh kỉ yếu siêu cute và nhắng nhít của sinh viên


Đằng sau mỗi tấm hình là bao yêu thương chan chứa dành cho lớp mình.
Những hình ghép trái tim luôn là cách để các bạn thể hiện tình cảm của mình đối với tập thể lớp dễ dàng nhất. Đó không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn như thay lời muốn nói rằng: tập thể lớp sẽ luôn ở trong trái tim của mỗi thành viên.

Nhưng mỗi tập thể lại có những cách ghép hình khác nhau mang phong cách riêng của lớp mình. Hãy cùng ngắm những bức ảnh cực sáng tạo này nhé!

ghép trái tim
Ghép trái tim


Sau bao năm tháng chúng ta học cùng với nhau, bây giờ lại sắp chia tay nhau. Mọi cảm xúc không nói được nên lời. Mọi người cùng nhau xếp hình trái tim để giữ mãi tình yêu của chúng ta.


Trong suốt 4 năm học vừa qua tập thể Ktb51hd4 đã cho tôi cảm giác như đang sống trong một mái ấm gia đình. Xin chúc tất cả những người bạn của tôi sẽ luôn vững vàng trên con đường phía trước, và luôn nhớ về nhau. I LOVE KTB51DH4.


Có hợp rồi lại có tan, gặp gỡ rồi lại đến ngày phải nói câu từ biệt. Những kỷ niệm bên nhau rất đỗi bình thường, giờ bỗng hóa thành thứ tài sản quý giá hơn bao giờ hết. Hãy coi những ngày tháng đó như đóa hoa bất tử không bao giờ rơi rụng, là hành trang không thể thiếu khi mỗi lần ta nhìn về quá khứ đã xa. LOVE ALL.


Cuộc sống như 1 bản nhạc, tớ cũng cảm nhận dần dần nốt trầm của xa cách. Thành công và bình yên trong cuộc sống nhé các anh em.


Thật vui và hạnh phúc biết mấy khi được sống trong tập thể lớp KTB51 - DH3 (Đại Học Hàng Hải Việt Nam) với những người bạn yêu quý. Sẽ nhớ mãi giây phút này, được sống trong trái tim tình bạn... I Love KTB51 - DH3.


Gửi lớp Kt5-k5 đại học Công nghiệp Hà Nội! Chia tay không có nghĩa là kết thúc mà mở ra cho mỗi người một con đường mới. Hãy cố gắng sống tốt trên con đường phía trước nha các bạn của tôi. I LOVE KT5-K5.


Ngắm bức ảnh này tôi càng thêm yêu và nhớ lớp tôi. Lớp Pr1 - K3, Đại Học Hòa Bình là một tập thể đoàn kết. Tôi mong rằng tất cả thành viên lớp tôi sẽ có một tương lai tươi sáng và thành công. Tôi yêu lớp tôi lắm!".


52QT à! Vậy là 4 năm học ĐH của chúng ta sắp trôi qua rồi, 4 năm không phải là ngắn nhưng cũng không quá dài. Còn mấy tháng nữa là chia tay rồi, lớp ta hãy vui vẻ bên nhau nhé để có những kỷ niệm sẽ không bao quên!


Bắt đầu vào học thì mong ngóng ra trường, sắp được tư do bay nhảy rồi thì lại tiếc "nức nở" những buổi học bên nhau! Thời gian vẫn lạnh lùng thế, nhưng 45 cô nuôi dạy hổ với 45 tình yêu, 45 lòng nhiệt huyết sẽ còn mãi trong kỉ niệm của chúng ta! Chúc các cô giáo mầm non hoàn thành 4 năm học xuất sắc và có tấm bằng thật đẹp để ươm mầm xanh tương lai của đất nước ! YÊU LẮM LỚP TÔI K60-GDMN-ĐH SPHN!


“Tạm biệt, tạm biệt nhé, mai xa rồi sẽ nhớ nhau thật nhiều...” Có lẽ hết năm nay, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nhau nữa rồi. Dù phương trời xa xôi, thành công hay thất bại, hãy nhớ về nhau các bạn nhé. I S2 Điện Tử 4-K5 – ĐH Công Nghiệp Hà Nội.




Quản trị kinh doanh 1 - Đó là tên lớp chúng tôi đấy - cái tên đã từng vang bóng một thời. Nay mỗi người đã có con đường riêng của mình nhưng chúng tôi vẫn mãi là một tập thể đoàn kết, vẫn mãi mãi nhớ về nhau." 


Tình bạn là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho mỗi người trong cuộc sống này, nó dạy ta biết yêu thương để kết nối những trái tim gần nhau hơn. Cũng như tất cả những thành viên trong KT20A1, tôi yêu các bạn rất nhiều, và tôi muốn nói với các bạn rằng: "Đã là bạn suốt đời vẫn là bạn dẫu cuộc đời có những đổi thay". KT20A1 mãi mãi trong tim tôi

Trào lưu của nam sinh viên cặp với gái làng chơi


Cậu nam sinh viên tên Tâm yêu gái bán hoa, khi người yêu của Tâm thỏ thẻ nói cho cậu ta biết mình đang mang thai. Ngay khi Tâm giở giọng "Sở Khanh" thì cô bồ đã bắt chuyến xe về thẳng nhà ở quê và kể với bố mẹ Tâm.

"Trào lưu" mới của nam sinh

Hôm Tâm (22 tuổi) đưa người yêu về quê, xóm giềng ai nấy đều tròn mắt ngỡ ngàng. Người yêu của Tâm trông khá già dặn, hơn Tâm 2 tuổi nhưng nhìn bề ngoài, người ta còn tưởng cô lớn hơn cái tuổi 24 của mình.

Cô trang điểm khá kĩ lưỡng, lông mày xăm đen, son tô đậm, móng tay vẽ cầu kì, áo lửng lơ trên rốn, quần short cũn cỡn. Tâm tự hào với mọi người về cô bạn gái sành điệu, và giới thiệu với bố mẹ bạn bè rằng cô ấy là sinh viên cùng lớp.

Thực ra Tâm chỉ giới thiệu như vậy để bố mẹ yên tâm, Lan (tên cô gái) không phải là sinh viên, cô là nhân viên trong một quán massage phố Vọng. Mối quan hệ của Lan và Tâm là do một cậu bạn cùng xóm trọ với Tâm mai mối. Tình yêu (hoặc cái gì na ná như thế) giữa hai người nảy nở rất nhanh. Tâm cần Lan vì cô ấy đã đi làm, có đủ tiền chu cấp thêm cho Tâm ăn chơi cùng Lan và nhóm bạn, ngoài khoản viện trợ hàng tháng của bố mẹ (dù không ít vì gia đình Tâm dưới quê cũng thuộc dạng kinh tế vững).

Không những thế, cậu còn được "nếm mùi đời" với cô gái khá sành sỏi và bạo dạn trong các mối quan hệ này. Còn Lan, những ông "bồ" giàu có đã chê cô, bởi ở tuổi ấy, lại do đã ăn chơi thác lọan nhiều nên nhan sắc ít nhiều cũng có phần tàn tạ. Gặp được Tâm là sinh viên, gia đình Tâm dưới quê cũng khá giả nên cô quyết định "gắn bó".

Hiện nay, việc nam sinh viên cặp kè với những cô gái "phong trần" như trường hợp của Tâm không phải là hiếm. Ở xóm trọ, Tâm là người thứ hai của "trào lưu" này. Đi trước Tâm có cậu bạn Hiếu cùng xóm, người đã có công mai mối cho Tâm và Lan. Nhóm bốn người này sau đó còn kết nạp thêm một cặp nữa, cũng là nam sinh viên và... "nhân viên massage".

Tâm sự " người trong cuộc"

Khi được hỏi về việc này, cậu bạn Hiếu cười khẩy: "Ngu gì đi gắn bó đời mình với cave, chỉ là cặp cho vui thôi, đôi bên cùng có lợi mà."

Còn Tâm, trả lời với cái giọng chuếnh choáng hơi men sau khi đi bar với bồ về: "Nó mà làm vợ em chắc nó ngồi lên đầu em mất, mấy "con hàng" giải nghệ đanh đá lắm."

Trào lưu của nam sinh viên cặp với gái làng chơi

Bình sống ở một xóm trọ phố Lĩnh Nam, đang có người yêu cũng là một cô gái quán karaoke cũng có câu trả lời tương tự: "Bọn em thích thì cặp thôi, ở với cave còn được chiều chuộng, "cơm no bò cưỡi", không phải lo chuyện cơm áo nhiều vì "nó" có tiền, chứ sống chung với mấy đứa sinh viên tầm tuổi chúng em mệt lắm, hay phải "bóp mồm bóp miệng". Khi nào ra trường, có việc làm ổn định, em "đạp" nó xuống cống ngay.

Lan, bồ của Tâm, cười nhạt: "Cặp với mấy anh già mãi cũng chán, chả còn "vẹo" gì, đi cùng bọn "măng non" này thấy đời tươi hơn nhiều, cũng chả mất gì, đôi bên cùng có lợi mà."

Hậu " gió trăng"

Sau khi yêu và chung sống với nhau vài tháng, người yêu Tâm thỏ thẻ nói cho cậu ta biết mình đang mang thai. Tâm lúc đầu còn giở giọng "Sở Khanh", nói đó là con của "thằng nào" chứ không phải con Tâm, thì cô bồ đã bắt chuyến xe về thẳng nhà Tâm ở quê và tuyên bố với bố mẹ Tâm cái thai trong bụng là máu mủ của "ông bà", và bố mẹ Tâm phải có trách nhiệm với hai mẹ con cô, nếu không cô sẽ làm ầm lên ban giám hiệu của trường, buộc cậu ta phải bị thôi học!

Bố Tâm cũng có chức sắc trong xã, không muốn mất mặt với xóm giềng, nên đành "bồi thường" cho cô gái một khoản tiền lớn để nuôi con, còn sau chuyện đó, mẹ Tâm đã lên hẳn Hà Nội để quản thúc cậu con quý tử.

Lâm vào tình huống dở khóc dở cười là trường hợp của anh chàng Bình. Bình chia tay với cô bồ "hàng họ" của mình được một tuần sau buổi tập kịch "Romeo và Juliet", vì anh chàng điển trai này được giao đóng vai Romeo, trong thời gian tập tành đã trao trọn "trái tim" cho nàng Juliet kiều diễm mất rồi!

Đúng hôm chàng và nàng đang diễn "đắm say" trên sân khấu, thì cô bồ cũ của chàng từ đâu lao tới, cấu xé chàng tơi tả, "véc" Romeo đứt hết khuy, khuôn mặt đẹp đẽ hằn dấu năm vệt móng tay. Cả hội trường được phen chứng kiến màn "thực tế", còn gay cấn hơn cả đoạn đấm kiếm giữa Romeo với Tibân! "Romeo" chết đứng trên sân khấu như Từ Hải, riêng "Juliet" quá khiếp hãi đã biến mất tự bao giờ.

Còn cậu bạn Hiếu của Tâm, khi yêu thật lòng một cô bạn cùng lớp, Hiếu nói lời chia tay với "bồ". Cô bồ gật đầu đồng ý, mặt lạnh như tiền. Nhưng ngay hôm sau, khi Hiếu và người yêu mới đang tay trong tay đi ăn vặt trên vỉa hè, thì một nhóm dân anh chị chạy đến đánh Hiếu tối tăm mặt mũi, khi bỏ đi, nhóm kia còn không quên quay lại dặn cô bạn gái: "Lần sau mày còn đi với nó là chúng tao đánh mày đấy."

"Bi đát" hơn Tâm và Hiếu, Quý (trọ khu BK) sau một thời gian chung sống với cô gái quán đèn mờ, thì phát hiện mắc bệnh lậu. Cô gái bỏ đi, để mặc Quý một mình xoay xở với căn bệnh quái ác. Quý vay mượn khắp nơi chữa bệnh, do không có đủ tiền chữa chạy, giờ đây cậu ta chỉ còn da bọc xương, thân tàn ma dại...

Học hành sa sút vì mải chơi, sa đà vào những thú vui không điểm dừng, thậm chí rước bệnh tật vào người... Cánh cửa tương lai của những nam sinh này dường như đang dần khép lại.

Cuộc sống của tôi đã có nhiều thay đổi so kể từ đó

Khi đọc lại chính những tâm sự mình viết ra hơn 1 năm về trước tôi đã không thể nói ra được cảm xúc của chính bản thân mình lúc này. Một cuộc sống hồn nhiên vui tươi đã thay đổi rất nhiều sau cột mốc “Nước mắt chảy ngược” ấy.

Nhìn lại chặn đường hơn 1 năm qua, tôi không nghĩ mình đã đi xa đến như vậy. Tôi đã từng nghe nói tâm lý tuổi lên ba, tuổi dậy thì và hồi xuân... đó là những giai đoạn thay đổi tâm lý nhiều nhất và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Nhưng tôi lại thấy tâm lý của giai đoạn đầu thực sự bước vào xã hội mới thực sự đáng sợ. Cuộc sống an toàn trong sự bao bọc của gia đình và môi trường nhỏ bé với những người bạn trong sáng của thời sinh viên đã cho tôi luôn có cái nhìn mầu hồng về mọi việc. Một cuộc sống hồn nhiên vui tươi đã thay đổi rất nhiều sau cột mốc “Nước mắt chảy ngược” ấy. Khi đọc lại chính những tâm sự mình viết ra hơn 1 năm về trước tôi đã không thể nói ra được cảm xúc của chính bản thân mình lúc này.

Hơn 1 năm cuộc sống của tôi đã có nhiều thay đổi so kể từ đó. Tôi đã nghĩ rằng mình đã tìm được ánh sáng, tìm được lối đi khi gặp anh, người đã đọc những tâm sự đó và động viên tôi rất nhiều. Nhờ anh tôi đã có thêm động lực hoàn tất khóa luận, kết thúc buổi thuyết trình với con điểm xuất sắc. Tôi đã thấy mang ơn anh rất nhiều và ngày qua ngày nói chuyện tôi đã dành cho anh một tình cảm đặc biệt. Nhưng có lẽ niềm vui không đến với tôi được lâu hơn tôi mong đợi. Nhận lời yêu anh và chưa kịp cảm nhận hạnh phúc thì cũng là lúc tôi chết lặng khi biết anh đã có gia đình. Thất vọng và hụt hẫng tôi đã tìm cách liên lạc với anh qua điện thoại nhưng người bắt máy là em trai anh. Tôi đã nói với người em trai về chuyện tôi quen biết anh và muốn xác nhận có phải tôi đang là người chen chân và gia đình người khác hay không? Em trai anh đã không gọi lại cho tôi như đã hứa mà người gọi là anh, anh thừa nhận và bảo anh trai anh tin tưởng ở anh và tùy anh quyết định cuộc sống của mình. Vậy là tôi đã tin và yêu anh qua những lời anh nói rằng anh không hạnh phúc và cho anh 1 năm, anh sẽ li dị vợ. Nhưng từ khi đó tôi mang trong mình cảm giác tội lỗi và niềm tin tôi dành cho anh không còn trọn vẹn.

Trong thời gian đó tôi đã xin được một công việc bán thời gian ở gần nơi tôi ở. Người quản lý ở đó có ý theo đuổi và tôi đã nghĩ là mình sẽ đón nhận sự đeo đuổi này để quên anh, để rời xa cảm giác tội lỗi đó. Và tôi đã nói với anh chuyện tôi quen người quản lý đó, tôi xin lỗi anh và sẽ không đến với anh như tôi đã hứa. Tôi hiểu lúc đó tôi đã nhẫn tâm với anh và tôi đã thấy có lỗi với anh rất nhiều. Cũng như mọi chuyện tình cảm nếu toan tính thì sẽ nhận được toan tính. Khi tôi nghĩ mình đã lựa chọn thì sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng cho lựa chọn đó, tôi đã không liên lạc với anh nữa và tôi quan tâm và chăm sóc chu đáo cho người quản lý tôi quen. Nhưng trong hơn 1 tháng quen tôi thì anh quản lý cũng kịp quen thêm một cô gái gần nhà ở quê. Sau lần anh về quê anh đèo theo cô gái ấy vào giới thiệu với tôi là bạn anh và anh giúp cô ấy đi nộp hồ sơ xin việc. Cảm thấy đắng cay vì sự thật đó, chúng tôi chia tay và tôi cũng nghỉ việc ở công ty. Một thế giới mù mịt quanh tôi, không niềm tin và hi vọng. Có lẽ do tôi phụ người nên phải nhận lại trái đắng như vậy.

Từ bỏ con đường học lên thạc sỹ một lần sau ngày làm tốt nghiệp và bỏ việc công ty sau gần nửa năm cùng với không tìm được một công việc nào sau đó tôi đã đánh mất niềm tin ở ba mẹ. Tôi biết được điều đó sau một lần trò chuyện với mẹ. Mọi thứ xung quanh như nghẹt thở và u ấm, tôi đã lại lên yahoo và tìm anh nói chuyện. Không như lần trước anh nghe mọi tâm sự của tôi nhưng anh không còn động viên và an ủi nữa và anh cũng như ba mẹ cho tôi biết anh cũng không có niềm tin dành cho tôi nữa. Với tôi thế giới như sụp đổ nhưng tôi chỉ biết trách bản thân mình mà thôi, chính tôi đã lựa chọn thì chính tôi phải nhận lấy những gì lựa chọn đó mang lại. Thất nghiệp, khoản tiền tiết kiệm ba mẹ cho tôi đi xin việc dần hết, niềm tin ba mẹ không còn, niềm tin ở anh ấy không còn và cộng thêm cảm giác tội lỗi do sự phụ tình của tôi với anh, tôi đã đón một cái Tết đắng và u ám tột cùng.

Những ngày đó tôi suy nghĩ và tìm cho mình hướng đi. Mặc cho sự phản đối của ba mẹ, ăn Tết xong tôi đã mang hành trang vỏn vẹn 3 triệu vào Sài Gòn xin việc. Tôi đã đi với niềm tin tôi sẽ lấy lại niềm tin của ba mẹ và ở anh. Tiếp sau đó là gần 3 tháng thất nghiệp, cầm tấm bằng loại Khá trên tay nhưng không một nơi nào nhận vì lý do, chuyên ngành không phù hợp, chưa có kinh nghiệm làm việc nhà máy, không đòi hỏi trình độ Đại học. Tôi đã một mình chạy xe từ SG đi Thủ Dầu Một, Mỹ Xuân, Vũng Tàu và khắp các quận ở SG để đi nộp hồ sơ và phỏng vấn. Nhưng không một nơi nào nhận. Ngay cả những công việc tạm thời như phục vụ bàn hay quầy bánh cũng lắc đầu vì sợ tôi xin được việc sẽ nghỉ và họ lại phải tuyển người khác. Tôi có chút may mắn khi một trung tâm gia sư nhận cho dạy với mức lương 1 triệu 8/tháng. Nhưng với giọng miền Trung tôi đã bị chê là học sinh không hiểu những gì tôi nói nên buộc thôi việc. Khoảng tiền 3 triệu tôi mang theo và 6 trăm nghìn nhận được khi đi dạy, sống trong gần 3 tháng thất nghiệp đất SG với tôi thật sự là một sự khó khăn lớn, nhưng tôi không thể nhận thêm tiền từ ba mẹ hay người bất kỳ người nào. Nhưng khéo co thì ấm, tôi cũng chi tiêu đủ trong thời gian đó.



Tôi mong mọi thứ khép lại, quá khứ sẽ được ngủ yên và tôi sẽ tìm thấy được niềm vui (Ảnh minh họa)

Đến khi tôi tuyệt vọng nhất thì một công ty thương mại nhận tôi vào làm sale. Khi đó niềm vui với tôi không thể tả được, tôi đã có một công việc, một công việc thật sự. Trong thời gian xin việc khó khăn đó, tôi đã liên lạc với anh, anh là người đã thành đạt ở nơi này. Với tôi khi đó nếu nhận được sự động viên của anh như ngày đầu quen biết thì sẽ là động lực rất lớn với tôi. Nhưng như anh nói với tôi khi chúng tôi nói chuyện lại, anh đã đánh mất niềm tin ở tôi và với anh thật khó để lấy lại. Tôi cứ nghĩ mình cố gắng xin việc và sống tốt thì anh sẽ thay đổi suy nghĩ. Và tôi luôn ở cạnh anh khi anh gọi tôi, tôi nghĩ mình sẽ bù đắp lại những đau khổ tôi mang đến cho anh khi trước. Nhưng thật đắng cay khi anh nói “anh đã từng yêu em”, “anh đến với em chỉ vì tình dục”... tôi chẳng biết phải làm gì lúc đó, chỉ biết là khi trời sáng thì chiếc gối cũng đã ướt đẫm nước mắt. Thế nhưng tôi đã yêu anh thật sự, tình yêu tội lỗi và không lối thoát. Tôi chỉ cầu mong đó không phải sự thật và vẫn nuôi hi vọng về tình yêu với anh.

Khi tôi đi làm, tôi đã vùi đầu vào học tập sản phẩm và cách làm việc, gặp những người bà con lâu không liên lạc để quên anh, để không nghĩ đến anh nữa. Nhưng chỉ 25 ngày tôi đã thất bại, tôi lại liên lạc với anh khi đọc tin nhắn anh hỏi thăm tôi. Lại nhen nhóm hi vọng, lại chạy đến với anh khi anh gọi, nhưng tôi đã chẳng vui vẻ gì sau khi gặp anh về. Những cái ôm hờ hững, anh chỉ cần tôi để anh được giải tỏa mà thôi, anh nào có hiểu những cảm giác của tôi. Sau 1 năm như lời anh nói trước đây, anh vẫn chưa li dị và mọi chuyện không có gì thay đổi ở anh. Tôi thấy mình đã đi đến đoạn đường lầy lội nhất, bản thân mình dơ bẩn và đáng khinh bỉ. Tôi muốn dừng lại, muốn chấm dứt mối quan hệ này, nhưng tôi vẫn chưa làm được khi hằng ngày vẫn nhớ anh, nhớ những kỷ niệm ngày đầu gặp nhau.

Những dòng tâm sự tôi gửi tới anh hi vọng anh hiểu thì với anh chỉ là ‘em ồn ào quá’. Vô tâm, lạnh lùng và hờ hững, anh đã không còn là anh của ngày đầu tôi gặp nữa. Và tôi cũng không còn là cô gái hay cười nói vui vẻ ngày nào nữa. Tôi đã thành một người đàn bà, một kẻ đáng khinh nhất. Một kẻ đáng khinh và không đáng nhận được bất kỳ sự yêu thương nào nữa.

Công việc sale cũng không dễ dàng gì với một cô gái tỉnh lẻ như tôi ở đất SG này, trong công ty đồng nghiệp không thân thiện, cạnh tranh, giành giật nhau ngay chính văn phòng của mình, chỉ chờ mình có thiếu sót nào là có chuyện bới móc. Ra ngoài gặp khách hàng, mỗi người một kiểu. Cũng có người thân thiện, ngay thẳng, tốt bụng và nhiệt tình, nhưng cũng có người cơ hội, hợm hĩnh và mánh khóe. Tôi đã thật sự mệt mỏi khi đến công ty phải đề phòng từ mọi phía, khi ra ngoài gặp khách hàng phải tìm mọi cách chối từ những lời gạ gẫm, tán tỉnh.

Có lẽ vẫn còn may mắn với tôi khi gặp chị, một người cũng làm sale nhưng phong thái nhã nhặn và hiền tính. Tôi đã xin nghỉ việc ở công ty và qua chỗ chị làm. Mặc dù ngoài kia vẫn có những khó khăn, nguy hiểm rình rập nhưng tôi đã có cảm giác an tâm và nhẹ lòng hơn khi là đồng nghiệp của chị. Chị chỉ bảo tôi từ cách ăn nói với khách hàng, trình bày bảng thông tin và cách đối xử với đồng nghiệp sao cho mọi người thoải mái nhất.

Tôi mong mọi thứ khép lại, quá khứ sẽ được ngủ yên và tôi sẽ tìm thấy được niềm vui trong công việc cũng như trong học tập. Hi vọng nơi quê nhà ba mẹ sẽ lại tin tôi như khi còn bé.

Tại sao Viettel trở thành bạn đồng hành của sinh viên


Viettel trở thành bạn của sinh viên nghèo, tặng học bổng cho sinh viên tổ chức đêm nhạc miễn phí, nhận sinh viên xuất sắc về làm việc sau khi tốt nghiệp..., những hoạt động “chiều” sinh viên của Viettel được đổi mới theo từng giai đoạn.


Năm 2008, hãng viễn thông Quân đội tiên phong ưu đãi cho đối tượng cắp sách đến trường. Cụ thể, Viettel tặng khuyến mãi kép lên đến 360.000 đồng cho thuê bao học sinh, sinh viên khi đăng ký sim trả trước CIAO và Tomato.

Năm 2009, Viettel tạo một điểm nhấn trong ngành thông tin di động khi khai sinh Student Sim (sim sinh viên), mở đầu việc khuyến mãi dài hạn cho học sinh, sinh viên. Thuê bao của gói cước này được giảm giá thoại và SMS nội mạng, được tặng data và tài khoản nội mạng hằng tháng trong suốt quá trình học đại học để có thể yên tâm sử dụng các dịch vụ kết nối – một nhu cầu không thể thiếu. So với năm 2008, Viettel không chỉ làm mới cách “chiều” sinh viên bằng ưu đãi giá lâu dài mà còn tặng hàng trăm triệu đồng học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó.

Khi trên thị trường, nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt tay vào việc ưu đãi cho sinh viên, thì Viettel vẫn biết cách để trở nên nổi bật bằng những hoạt động “không lẫn vào đám đông”. Nếu như những công ty khác chỉ dừng ở giảm giá và giảm giá thì hãng dịch vụ di động này “chăm chút” đến những khía cạnh đời sống khác. Đó là những chương trình trợ giá thiết bị học tập giúp các bạn trẻ có điều kiện học tốt hơn; là những đêm giao lưu ca nhạc sôi động để sinh viên tràn đầy hứng khởi bước vào năm học mới...

Tại sao Viettel trở thành bạn đồng hành của sinh viên

Đêm nhạc “Tôi là Sinh viên 2013” tại Thái Nguyên, các sinh viên đến chật kín sân vận động.

Năm 2013, trong chuỗi sự kiện “Tôi là Sinh viên”, Tổng Công ty viễn thông Viettel còn trao 60 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng cho những thủ khoa, sinh viên nghèo vượt khó của các trường đại học, cao đẳng tại Thái Nguyên, Cần Thơ và Đà Nẵng; tiếp nhận 6 sinh viên xuất sắc đang học khối kinh tế, kỹ thuật về làm việc ngay khi tốt nghiệp. Tại 3 tỉnh thành trên, Viettel còn chi hàng tỷ đồng tổ chức tổ chức các hoạt động sáng tạo và đêm ca nhạc giao lưu với sự góp mặt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Đan Trường, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên... Đây là lần thứ 2 trong năm nay, Viettel đầu tư ngân sách khủng thực hiện chiến dịch “chăm sóc” sinh viên có quy mô lớn, sau đợt khuyến mãi hòa mạng sim BankPlus Sinh viên, 800 máy điện thoại kèm sim ưu đãi cho tân thủ khoa các trường đại học, cao đẳng vào dịp đầu năm học vừa qua.

“Sinh viên không chỉ cần học, sinh viên cần giao lưu, kết bạn và mở rộng mối quan hệ; sinh viên không chỉ cần thu nạp tri thức, sinh viên cần sáng tạo và biết sẻ chia vì cộng đồng. Đó là lý do vì sao, Viettel không chỉ dừng ở việc quan tâm đến chính sách ưu đãi, mà còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để làm phong phú đời sống tinh thần của sinh viên”, một đại diện của Viettel từng chia sẻ khi thực hiện chuỗi sự kiện Tôi là sinh viên 2013.

Không chỉ đổi mới trong hình thức thực hiện, nội dung triển khai từng hoạt động vì sinh viên đều được Viettel nghiên cứu kỹ. Trong chương trình “Tôi là sinh viên 2013”, thay vì tổ chức tại 2 thành phố lớn nhất nước như mọi năm, Viettel mang ngày hội đến với bạn trẻ Thái Nguyên, Đà Nẵng, Cần Thơ, với hy vọng đẩy mạnh phong trào doanh nghiệp vì sinh viên tại những địa phương này. Mặt khác, thay vì chỉ trao học bổng như mọi năm, 2013, hãng tiến thêm một bước là tạo công ăn việc làm cho sinh viên tài năng, mở ra cánh cửa hy vọng, tạo động lực để thế hệ trẻ nỗ lực học tập hết mình...

Ngay trong những chương trình văn hóa, đêm nhạc giao lưu, Viettel cũng thể hiện sự chăm chút, cầu toàn. Nhiều người ngỡ ngàng đặt câu hỏi tại sao chỉ là hoạt động khuấy động phong trào dành cho giới trẻ, hãng viễn thông này cũng mất tới vài tháng chuẩn bị, mời những ca sĩ đình đám, và tất cả đều là miễn phí? Song chính sự kỹ càng đến từng chi tiết đó đã tạo lòng tin nơi giới trẻ, khi mà các những chương trình học sinh – sinh viên của Viettel đều kín sân, khi mà phần đông thuê bao trẻ hiện nay đều là khách hàng thân thiết của Viettel. Đó cũng là lý do vì sao Viettel được mệnh danh là hãng viễn thông di động của giới trẻ.