Home » tết
Món canh khổ qua mang lại may mắn cho năm mới
Mỗi vùng miền một phong tục đón tết riêng, với những món ăn tết đặc trưng riêng. Với người miền Bắc thì có món dưa hành, thịt đông còn với người miền Trung thì có món dưa muối chua, thịt bò rim... riêng với người miền Nam họ cũng có những món đặc trưng riêng của tết như món canh khổ qua nhồi thịt. Món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người miền Nam với ý nghĩa những điều không may, những khổ đau của năm cũ sẽ qua đi và mang lại may mắn cho năm mới.
Nguyên liệu:
- 1 kg khổ qua (mướp đắng)
- 300g thịt nạc dăm xay
- 200g cá thác lác
- 3 con khô mực nhỏ (20g)
- Hành lá
Cách làm:
Bước 1: Khổ qua xẻ dọc, múc bỏ ruột, hạt, rửa sạch.
Bước 2: Khô mực nướng cho vàng thơm rồi rửa sạch, cắt nhuyễn.
Bước 3: Thịt, cá thác lác, khô mực, 3 muỗng canh đầu hành cắt nhuyễn, ½ muỗng canh nước mắm, ½ muỗng canh đường, 1 muỗng café bột ngọt, 1 muỗng café muối, ½ muỗng café tiêu. Trộn đều, quết cá cho dẻo.
Bước 4: Đun sôi 1,5 lít nước, thêm 1 muỗng café muối, cho khổ qua vào nấu 3 phút cho khổ qua được chín, vớt ráo. Cho lá hành vào nước, trụng, vớt liền. Giữ lại nước trụng khổ qua.
Bước 5: Nhồi thịt cá vào khổ qua. Dùng hành lá cột ngang.
Bước 6: Phần nước trụng khổ qua đun sôi trở lại, cho khổ qua đã dồn vào, nấu 20 phút cho mềm, nêm thêm ½ muỗng canh nước mắm + ½ muỗng canh đường + ½ muỗng café bột ngọt.
Bước 7: Dọn canh khổ qua kèm chén nước mắm và ớt cắt khoanh nếu thích đậm đà
Món canh khổ qua trở thành một món ăn cổ truyền không thể thiếu trong cỗ tết của người miền Nam. Canh khổ qua có vị ngọt của thịt, vị đắng của khổ qua hòa quyện vào nhau rất thơm ngon.
Giới trẻ Việt chia sẻ những kỉ niệm ngày tết
Với nhiều người, Tết không chỉ là lúc quây quần bên gia đình, Tết còn là rất nhiều kỉ niệm, rất nhiều niềm vui, rất nhiều màu sắc và hương vị. Với mỗi điều nhỏ đó đã ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim và bộ nhớ, và trở thành định nghĩa Tết của riêng mỗi người.
Quả thật, Tết đối với nhiều người, thú vị nhất là lúc chờ đợi. Cái cảm giác từng ngày trôi qua, mỗi ngày lại thêm một sắc màu, một cảm giác, một mùi hương, một màu sắc nhắc nhở rằng Tết đang đến gần lắm rồi là một thứ cảm giác vô giá mà hầu hết chúng ta ai cũng trải qua một lần. Nó không phải là một mẫu số chung chung như hoa đào, bánh chưng,.. Nó là kỷ niệm, là trải nghiệm và là một mảnh tâm hồn của mỗi người, để hàng năm cứ mỗi dịp này, nó lại được rơi ra từ vô thức và nhắc họ nhớ: Này, chẳng mấy nữa mà Tết.
"Tết đối với mình là cùng mẹ đi chợ hoa. Chọn một cây đào thật ưng ý và thêm vài ba chậu hoa cảnh để trồng trong sân. Cảm giác đi bộ khắp khu chợ đầy màu sắc trong cái rét cuối năm cùng mẹ là một trong những cảm giác khiến mình nhớ Tết và thích Tết nhất". Trang, một bạn đọc tâm sự.
"Tết về với mình là lúc mẹ mang về nào gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… để gói bánh chưng. Nhà mình có truyền thống gói bánh chưng hàng năm, thế nên khi đi học về mà thấy trong nhà ngổn ngang lá dong là chính là một tín hiệu báo Tết về của mình". Tuấn, sinh viên Ngoại Thương chia sẻ.
"Lúc cùng bố đi thả cá vào ngày ông Công ông Táo là lúc mình thấy Tết đã ở xung quanh. Năm nào cũng thế, sau khi cúng mâm cơm thì mình và bố lại chở nhau ra hồ ở gần nhà để thả cá chép. Khoảnh khắc đấy dù không có gì nhiều, không có gì đặc biệt nhưng nó như một "truyền thống" với hai bố con rồi, và chỉ cần nhớ đến nó là mình lại cảm thấy sự ấm áp của ngày Tết". Giang, sinh viên trường ĐH Thăng Long nói về Tết của mình.
Có bạn nào thấy Tết về gần nhất là lúc… dọn dẹp nhà cửa không nhỉ? Thư, sinh viên trường ĐH Quốc gia kể: "Ở nhà mình ít khi dọn phòng lắm. Thế nên Tết nào cũng bở hơi tai để dọn dẹp. Mà Tết thì còn phải cùng đứa em dọn dẹp cả căn nhà. Dọn xong rồi hai chị em lại hì hục treo treo, dán dán mấy tấm decal đón Tết. Lúc đó chính là lúc mình thấy thật ấm áp vì Tết đã về thật rồi, dù cho để có cảm giác đấy thì hơi bị… mệt và bị mẹ mắng nhiều nữa."
Còn với nhiều bạn, Tết lại là những khoảng khắc thật đầm ấm trong vài ngày ngắn ngủi. Những ngày mà chúng ta tạm gác lại đủ mọi mối lo học hành, công việc, chỉ để "ăn và chơi" với những người thân yêu nhất.
"Với mình, Tết là những buổi chiều mùng 1, cả gia đình đều đã quây quần ở nhà bà nội. Rồi trong lúc chờ người lớn nấu nướng, lũ trẻ con nhà mình rủ nhau đi chơi. Mà đi chơi thì chỉ là đi đi lại lại quanh mấy khu phố vắng thôi. Nhưng đấy là một trong những cảm giác khiến mình nhớ đến Tết nhất và thích Tết nhất". Duy, sinh viên trường Bách Khoa tâm sự.
Còn với Thu, sinh viên trường Mỹ thuật Công nghiệp thì Tết lại là lúc chuẩn bị những… mâm cỗ:"Tết với mình là đêm giao thừa giúp mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng. Dù trong 3-4 ngày Tết, hôm nào cũng có một mâm cơm "hoành tráng" để chuẩn bị, nhưng cảm giác gấp gáp, hồi hộp thì chỉ có ở mâm cơm giao thừa thôi. Lúc đầu thì mình còn lười, nhưng bây giờ lớn rồi thì chỉ mong đến lúc đấy, vì chỉ khi đó mình mới thấy có cảm giác Tết đang ở xung quanh mình rồi".
"Tết với mình là đêm giao thừa, tất cả những gì trong đêm giao thừa. Từ bữa tất niên với cả đại gia đình gồm các cô, chú, bác… Cho đến lúc cả nhà cùng ngồi xem Táo quân. Rồi cả khi đã về nhà, mình và bố mẹ lục đục chuẩn bị mâm cúng giao thừa, lúc cảm giác đứng cúng gia tiên, xung quanh là mùi hoa quyện lẫn mùi nhang thơm nhè nhẹ. Rồi cả buổi sáng tinh mơ đi chùa cùng lũ bạn thân nữa chứ. Tất cả những kỷ niệm đó đều là những gì mang lại cảm giác Tết nhất đối với mình". Linh, sinh viên trường ĐH Mở tâm sự.
Còn các bạn thì sao, Tết đang đến gần hơn bao giờ hết rồi và dù cho rất nhiều bạn sẽ than vãn là "Chẳng có không khí Tết gì cả", thì chắc chắn, vẫn sẽ có những điều gợi nhắc đến Tết một cách rõ ràng và ấm áp trong trái tim bạn phải không? Hãy chia sẻ với chúng mình nhé.
Giới trẻ đua nhau đi chụp hình ở vườn hoa Nhật Tân
Tết nguyên đán đã đến gần, trên mọi nẻo đường, con phố đã ngập tràn không khí tết. Thời điểm này, các vườn hoa, vườn đào... là địa điểm được giới trẻ chú ý nhất bởi ở đó có khung cảnh đẹp như xứ sở thần tiên. Vườn hoa Nhật Tân mấy ngày này đặc kín đặc các bạn trẻ tới đây chụp ảnh.
Ngày hôm qua là chủ nhật, vì vậy vườn hoa cực kỳ đông đúc. Lối vào các vườn đã tắc cứng từ 2h chiều, kéo dài hơn 1km tính từ đường Âu Cơ đi vào. Rất nhiều điểm gửi xe cũng liên tục không nhận thêm xe vì không còn chỗ để, khiến cho khá nhiều bạn phải chịu cảnh, đi tiếp thì không có chỗ gửi, mà đường đi ra cũng bị chặn.
Năm nay, vườn hoa được trang trí khá đẹp mắt, cùng với vẻ háo hức, quần áo xúng xính của các bạn trẻ càng khiến cho không khí Tết rõ ràng hơn bao giờ hết. Hầu như cả mọi nơi của vườn đào Nhật Tân, chỗ nào cũng rất đông người tới chụp ảnh bên những cây hoa đào đẹp nhất.
Cũng như mọi năm, nhìn thấy được "tiềm năng" từ việc thu phí khách tới chụp ảnh, các chủ vườn hoa cũng đã mở các dịch vụ ăn theo khá đắt hàng. Mỗi lượt người sẽ có giá phí 20 - 30 ngàn đồng/người, trẻ em thì không mất phí. Năm nay, những khoảng vườn còn được các chủ vườn trang trí khác nhiều so với mọi năm với các cách bài trí lạ, độc đáo và nghệ thuật.
Các bạn trẻ lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, mạng lại sức sống, hơi thở mới cho năm mới. Đó là những chiếc váy điệu đà, hay sự kết hợp của trang phục đại hàn với những chiếc áo dạ ấm áp. Mặc dù trời vẫn rét, nhưng nhiều bạn còn “hy sinh” chịu lạnh và “đầu tư” những chiếc áo dài truyền thống, kết hợp với mũ vành xếp và phong bao lì xì…
Năm nay, nhiều chủ vườn đào đã thay vì trồng đơn thuần mình đào, đã cải tạo quang cảnh với nhiều mô hình chụp ảnh thu hút nhiều bạn trẻ đến đây chụp hình. Bạn trẻ đến đây như bị lạc vào khu vườn cổ tích với cánh rừng lá phong đỏ của Hàn Quốc, con đường ngập tràn sắc ô, những chiếc xích đu lạc lõng giữa vườn Đào, con phố đèn lồng Hội An, trở lại mô hình thu nhỏ của đầm sen Hồ Tây, thơ mộng cùng hồ nước với những cây cầu ngợp hoa Anh Đào,… và không thiếu những cánh đồng hoa tự nhiên truyền thống của làng Đào Nhật Tân như hoa Hướng Dương, hoa Kim Cương, hoa cánh Bướm, Bách Nhật,…
Hương Lan – sinh viên đại học Quốc Gia chia sẻ: “Chụp ảnh bây giờ đã khá phổ biến và đã bắt đầu nằm trong list vui chơi của sinh viên, gần tết là thời điểm khá thích hợp để chụp ảnh. Ở Nhật Tân mới có thêm nhiều cảnh mới cũng khá thú vị và đẹp, mình cùng các bạn đến đây chụp thử. Vừa có những tấm hình kỷ niệm mà cũng là một cuộc đi chơi vui vẻ”.
Giáp tết cũng là thời điểm nhiều cặp đôi chụp ảnh cưới. Vườn Đào Nhật Tân có thêm những cảnh sắc lạ thơ mộng để các cặp đôi ghi dấu tình yêu.
Chiêm ngưỡng nông trại hoa lớn và đẹp nhất nước ta
Cuộc sống người dân Việt Nam ngày càng hiện đại hơn và nhu cầu làm đẹp, trang trí nhà cửa ngày càng cao. Hoa là một vật trang trí không thể thiếu trong ngày tết của mỗi gia đình người Việt và vì vậy mà các nông trại trồng hoa ngày càng phát triển hơn. Nông trại hoa Đà Lạt là nông trại hoa lớn và đẹp nhất Việt Nam, hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài hoa trong nông trại khổng lồ này.
Nói đến hoa thì không thể nào không nhắc đến Đà Lạt - "thành phố ngàn hoa" cực kỳ nổi tiếng. Ở đây có một nông trại cực rộng, nổi tiếng là một trong 10 nông trại hoa lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, đó chính là nông trại hoa Hasfarm. Chúng ta hãy cùng tham quan nông trại hoa "cực bự" này và xem người ta sản xuất hoa cho dịp Tết như thế nào nhé!
Các vườn hoa ở đây tất cả đều được trồng theo dạng nhà kính, và được chăm sóc vô cùng kỹ lưỡng. Cứ mỗi ngày, công nhân sẽ lại đến vào lúc sáng sớm để cắt hoa mang về xưởng để phân loại và bắt đầu đóng gói mang đi. Ngoài cung cấp hoa cho thành phố Đà Lạt, nông trại hoa này còn chuyển xuống Sài Gòn, hay ra Đà Nẵng, Hà Nội và thậm chí là ở nước ngoài. Vào dịp Tết mọi người phải làm việc nhiều hơn, tăng số lượng hoa thành phẩm lên gấp 17 lần so với ngày thường.
Được vào tham quan vườn hoa cúc trắng, cúc vàng, hoa ly, hoa hồng và thu hải đường, mới thấy ngỡ ngàng với quy mô của nông trại hoa này. Các luống hoa trải dài, phủ màu trắng và vàng cực rộng.
Vườn cúc vàng và cúc tím.
Vào bếp làm mứt gừng đón Tết
Miếng mứt gừng cay cay, ấm ấm là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của mỗi gia đình. Bạn hãy là người làm ra món mứt gừng ngon cho gia đình mình nhé.
Cách làm mứt gừng rất đơn giản, chị em nào cũng có thể làm được.
Nguyên liệu:
- Gừng bánh tẻ
- Đường
- Chanh: 1 quả (hoặc 50 ml dấm)
Thực hiện:
Bước 1: Gừng nên chọn mua loại gừng bánh tẻ (không quá già mà cũng không quá non). Đem rửa sạch đất cát rồi cạo bỏ lớp vỏ ngoài. Dùng dao sắc thái miếng thật mỏng (hoặc dùng nạo để nạo gừng thành miếng mỏng).
Bước 2: Cho gừng vào nồi, đổ nước ngập mặt gừng, sau đó đun sôi nước. Nhấc nồi gừng xuống, gạn bỏ nước gừng. Lặp lại động tác luộc gừng khoảng 2 – 4 lần (tùy vào việc gừng đã đạt được độ cay như bạn mong muốn hay chưa). Lần luộc gừng cuối cùng thì nên vắt vào nồi nước luộc một quả chanh (hoặc dấm) để gừng được trắng hơn.
Bước 3: Vớt gừng ra rổ để cho ráo bớt nước rồi đem trộn với đường theo tỉ lệ 1kg gừng đi với khoảng 0,5 – 0,6kg đường, đảo đều. Để ngâm trong khoảng 5 – 6 tiếng hoặc đến khi đường tan hoàn toàn. Thi thoảng nên đảo đều để gừng ngấm đều đường.
Bước 4: Đặt chảo gừng lên bếp, đun ở mức lửa trung bình. Thi thoảng đảo đều cho gừng ngấm đường. Khi nước đường cạn chỉ còn sền sệt và thấy nặng tay khi đảo thì hạ lửa xuống mức nhỏ nhất.
Bước 5: Dùng đũa đảo liên tục cho đến khi đường kết tinh bám trắng vào miếng gừng và những miếng gừng tách rời nhau thì nhấc chảo gừng xuống.
Bước 6: Tiếp tục đảo đều vài lần nữa rồi để cho gừng nguội hẳn. Khi gừng nguội, cho vào lọ thủy tinh bảo quản, ăn dần nhé! Món mứt gừng cay cay này chắc chắn sẽ đem đến bạn một năm mới ấm áp!
Cất mứt gừng vào lọ kín hoặc bọc trong túi bóng để ăn dần.
Chúc bạn thành công với món mứt gừng thơm ngon trong mùa đông này nhé!