Home » thầy cô
Những cách ứng xử cần tránh xa khi ngồi trên ghế nhà trường
Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn học sinh có những cách ứng xử không được đẹp khiến cho tuổi học trò của họ mất đi những nét đẹp. Vì vậy, mỗi bạn lúc còn là học sinh, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời hãy tránh một số cách ứng xử sau để có một tuổi học trò ý nghĩa trong cuộc đời.
Xích mích với bạn bè là một chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng điều này sẽ thật tệ nếu bạn nói xấu, chỉ trích bạn bè sau lưng. Những câu chuyện ấy có thể được truyền tai người này qua người khác, rồi có thể biến thành một câu chuyện khác lúc nào mà bạn không thể nào kiểm soát được. Điều này sẽ tạo thành một vết nứt khó có thể chữa lành với tình bạn và rất nhiều tình bạn đã “ra đi” sau những lời nói xấu sau lưng như vậy. Ở một trường trung học, thông tin sẽ lây lan với tốc độ ánh sáng, và thật sự khó có thể tha thứ một người bạn thân đi nói xấu sau lưng mình. Hơn nữa, mọi người sẽ nhận định như thế nào, nếu thấy bạn hay đi nói xấu người khác sau lưng?
Chơi với bạn bè xấu
Trường trung học là nơi bạn lựa chọn những lối đi riêng trong cuộc đời và bạn không hề muốn bản thân đi vào con đường xấu hay tự hủy hoại tương lai của mình. Nhiều bạn do điều kiện gia đình, do những áp lực học tập hay chuyện buồn từ gia đình đã sớm sa vào rượu và ma túy với những bạn bè xấu. Nhiều bạn cố gắng tìm niềm vui trong cuộc sống bằng cách tham gia những "bang, hội". Những người bạn xấu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến danh dự của bạn trong những năm học tiếp theo. Vì vậy, hãy chọn bạn bè một cách khôn ngoan để chúng ta có thể tốt lên nhờ họ.
Ngày nay có một số phim, chương trình truyền hình hay mạng xã hội đang ngày càng làm sai lệch nhận thức của chúng ta về tuổi trẻ và sự nổi tiếng. Trong thực tế, nổi tiếng không phải là như bạn nghĩ, không phải là cố gắng show những hình ảnh phản cảm, lột đồ hay phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Nếu theo cách đó, mọi người sẽ cảm thấy bạn kệch cỡm và lố bịch đến nhường nào. Đừng thay đổi bản chất của bản thân một cách phù phiếm, hãy sống theo cách của riêng bạn, và là chính mình dù trong hoàn cảnh nào.
Nói xấu thầy cô trên mạng xã hội
Đôi khi việc học ở trường sẽ làm bạn bực bội và căng thẳng do sự hiểu lầm của giáo viên hoặc áp lực bài vở quá nhiều. Những áp lực và sự bực bội có thể thôi thúc bạn lên mạng xã hội để "xả stress". Tất nhiên, dù bạn có tin hay không, thầy cô của bạn vẫn có thể tìm thấy và đọc được những gì bạn viết về họ. Có khá nhiều người đã gặp rắc rối với những bài đăng về thầy cô trên mạng xã hội. Và nếu bạn may mắn không gặp phải rắc rối, thì những người đọc được những status, note hay tweet nói xấu đó sẽ đánh giá thế nào về con người bạn.
Nước đến chân mới nhảy
Đây có thể là thói quen của rất nhiều bạn học sinh hiện nay. Chúng ta ngày càng có xu hướng trì hoãn công việc, nhiệm vụ cần phải làm và chờ cho đến khi hạn chót mới thực hiện. Có bạn còn cố nhồi nhét kiến thức và đêm trước khi thi, cố làm nốt bài tập để mai nộp sẽ làm bạn mệt mỏi và buồn ngủ. Càng tồi tệ hơn nữa khi sáng hôm sau, bạn rời giường với đôi mắt thâm quầng và tâm trạng không thể mệt mỏi hơn. Vì vậy, để công việc dễ dàng hơn, hãy chăm chỉ và thực hiện công việc trước thời hạn nộp càng sớm càng tốt.
Chỉ dành thời gian cho một nhóm bạn bè
Bạn rất yêu nhóm bạn thân của mình, tuy nhiên đừng thể hiện điều đó bằng cách bạn chỉ dành thời gian cho họ. Bạn không thể tưởng tượng ra được rằng có rất nhiều người tốt, và nhiều tình bạn đẹp ở bên ngoài kia đâu. Trường trung học là một môi trường tuyệt vời để bạn tìm thấy những tình bạn đẹp kéo dài suốt cuộc đời. Để có những tình bạn đẹp, bạn nên gặp gỡ với những người bạn mới. Điều này không có nghĩa là bạn xa rời những người bạn thân, mà hãy biết cân bằng giữa những người bạn của mình.
Lười tập thể dục
Tập thể dục là một trong những phương pháp tốt nhất để cải thiện và nâng cao sức khỏe trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời. Tuy nhiên nhiều bạn lại rất lười tiếp xúc với hoạt động có ý nghĩa này. Có rất nhiều bạn trẻ chỉ quá tập trung vào việc học của mình mà quên đi các hoạt động nhằm giữ gìn sức khỏe. Vì vậy, dù việc học hành bận rộn đến chừng nào, hãy cố gắng dành ra 15-30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
Đáng nể với những thầy cô giáo khuyết tật giỏi giang
Mặc dù họ sinh ra không được may mắn nhưng với ý chí, nghị lực và niềm tâm huyết với nghề, họ vẫn nhiệt tình, cần mẫn dạy dỗ học trò và trở thành những giáo viên giỏi đáng ngưỡng mộ.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - giảng viên ĐH Dân lập Hải Phòng
Sinh ra bình thường như biết bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 2 tuổi, cô Quỳnh Hoa không may bị bại liệt và từ đó, cuộc sống của cô mãi gắn liền với chiếc xe lăn. Thế nhưng, cô vẫn luôn quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt, thành tích học tập mà cô đạt được khiến nhiều người phải nể phục. Ngoài thành tích nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường THPT năng khiếu Trần Phú, cô còn là thủ khoa khối D của trường ĐH Dân lập Hải Phòng và giành liên tiếp giành được học bổng suốt 4 năm ĐH. Tốt nghiệp, cô được trường giữ lại làm giảng viên tại khoa Tiếng Anh, năm 2007 cô đã trở thành thạc sĩ sau khi hoàn thành chương trình cao học.
Không chỉ là một giảng viên tài năng, nghị lực được nhiều học sinh yêu quý, mến mộ, cô Hoa còn rất là một tình nguyện viên nhiệt tình, năng động, hết mình về cộng đồng. Cô từng là người sáng lập nhóm tình nguyện Trái tim ĐH Dân lập Hải Phòng với 60 sinh viên khoa Ngoại ngữ; thủ lĩnh nhóm tình nguyện Tình thân SOS và là trưởng nhóm của phong trào Sống độc lập (phong trào của người khuyết tật) tại Hải Phòng…
Cô giáo trẻ Quỳnh Hoa (Ảnh: Giáo dục thời đại)
Thầy giáo tí hon Nguyễn Ngọc Phương
Do ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, thầy giáo Ngọc Phương khi lọt lòng mẹ chỉ nặng vỏn vẹn 0,8 kg và chiều dài chưa đầy 20cm. 30 tuổi, thầy vẫn mang vóc dáng nhỏ bé với chiều cao 0,9m, nặng chưa đầy 19kg. Vượt lên nghịch cảnh, thầy vẫn ngày ngày đứng lớp truyền nghề và dạy văn hóa cho hàng chục trẻ em khuyết tật tại Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnhTP. Đà Nẵng. Học trò của thầy Phương đa phần đều là những em nhỏ dị tật bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam, khả năng nói, khả năng tiếp thu của các em đều rất hạn chế, nhưng bằng niềm đồng cảm và tình thương, lòng nhiệt huyết, thầy vẫn kiên trì dạy những học sinh đặc biệt này để các em có thêm kiến thức và vững tin hơn vào cuộc sống.
Không chỉ đứng lớp để dạy văn hóa, dạy nghề, thầy Phương còn đảm nhiệm việc sửa chữa máy móc, thiết bị điện cho Trung tâm để các anh chị có cùng hoàn cảnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Với những nỗ lực và cống hiến của mình, thầy Phương đã trở thành 1 trong 3 nạn nhân da cam Việt Nam tham dự chương trình con tàu Hòa Bình tại Nhật Bản vào năm 2008 để giao lưu với hơn 100 công dân còn sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử 68 năm về trước.
Thầy giáo tí hon đang chữa máy móc cho học viên (Ảnh: Soha.vn)
Thầy giáo viết chữ bằng miệng Phùng Văn Trường
Mắc chứng teo cơ, với đôi chân bị khoèo, không di chuyển được bình thường, đôi tay cũng bị ảnh hưởng đã khiến thầy Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) phải dang dở việc học khi mới chỉ học hết lớp 8. Tuy nhiên, niềm đam mê học vẫn luôn thôi thúc thầy tự tìm đến với con chữ. Đôi chân khoèo, đôi tay yếu, thầy Trường đã quyết tâm học cách viết chữ bằng miệng dù gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu tập viết, nét chữ của thầy còn nguệch ngoạc, miệng mỏi rã rời nhưng thầy quyết không nản chí, tập viết trong nhiều tháng.
Nỗ lực của thầy cuối cùng cũng đem lại kết quả bởi những nét chữ từ miệng thầy viết đã trở nên sáng sủa, nắn nót. Khi ấy, thầy quyết định dạy viết chữ cho những đứa trẻ gần nhà. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, thầy đã miệt mài ngồi xe lăn uốn nắn từng nét chữ cho học trò và không nhận bất cứ khoản phí gì từ phụ huynh. Không chỉ luyện chữ, thầy còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội, kỹ năng sống… cho các em.
Thầy Phùng Văn Trường (Ảnh: Lao động)
Cô giáo khuyết tật có 2 bằng ĐH Nguyễn Thị Hải Ly
Cũng như cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, cô Nguyễn Thị Hải Ly cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi thành tích đặc biệt trong học tập mặc dù không may có đôi chân tật nguyền. Cô Ly từng thi đỗ thủ khoa ngành Ngữ Văn, trường ĐH Khoa học Huế và sau 4 năm, cô tốt nghiệp với tấm loại Giỏi. Khi đang làm trung tâm giáo dục - hướng nghiệp trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên - Huế, cô vẫn tiếp tục thi đỗ vào ngành Sư phạm tiếng Anh trường ĐH Sư phạm Huế.
Công việc mà cô đang gắn bó sau khi ra trường là giảng dạy tại trung tâm trẻ em khuyết tật Thủy Biều (TP Huế). Dù việc dạy học cho những học sinh khuyết tật, đặc biệt là những em bị thiểu năng trí tuệ vô cùng khó khăn nhưng cô giáo trẻ Hải Ly vẫn cố gắng, quyết tâm không chỉ bằng sự tận tâm đối với nghề mà bằng sự đồng cảm, yêu thương đối với học trò. Ngoài việc giảng dạy tại Trung tâm, cô còn còn tham gia dạy một lớp học tình thương 2 môn: Tiếng Việt và Tiếng Anh tại TP Huế.
Cô giáo Hải Ly đang dạy học trò khiếm thị (Ảnh: Công an nhân dân)