Giới trẻ dần quên đi cuộc sống thực mà tuyền chìm vào thế giới ảo


Giới trẻ ngày càng đằm chìm trong mạng xã hội và internet, những người trẻ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình họ dần rơi tõm vào thế giới ảo. Họ ăn facebook, ngủ facebook, gặp gỡ tán gẫu qua facebook.

Rơi tõm vào thế giới ảo

Hãy thử lướt qua Yahoo, Twitter hay Facebook… ai cũng dễ dàng bắt gặp một xã hội thu nhỏ, với đủ đầy hỉ, nộ, ái, ố; thượng vàng hạ cám. Để thỏa trí tò mò và đam mê khám phá, kể cả những giờ học, thậm chí là giờ ăn, trước khi đi ngủ, các tín đồ cũng tranh thủ tối đa để “ghé thăm” địa chỉ quen thuộc cho “đỡ nhớ”.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những đám bạn đi chơi, đi uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm trên tay một chiếc smart phone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt facebook… Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới trẻ lại "cắm mặt" vào thế giới áo đó.

Một “tín đồ cuồng” của facebook cho biết bạn đã dành hơn 8 tiếng/ngày cho việc lên facebook, thậm chí có bạn còn cập nhật facebook ở tất cả các thời điểm trong ngày. Có người trở thành “cú đêm” của facebook.

Như vậy, vô hình chung, giới trẻ đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Trên mạng, người ta vô cảm và thực dụng hơn gấp nhiều lần. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Người dùng facebook thì vô tình tiếp tay cho kẻ trục lợi đạt được mục đích. Thực chất, “like” hoàn toàn là hành vi ảo vô nghĩa, nó đâu thể quy ra tiền mua đồ ăn, thức uống, đâu thể chuyển hóa thành vắc-xin cho trẻ nhỏ, mái ấm cho người già…?

Một nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ “những khoảnh khắc lung linh” của bản thân trên Facebook. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian săm soi những điều vui vẻ của người khác chỉ khiến bản thân bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt.

Thạc sĩ tâm lí Đào Lê Hòa An cho rằng, không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng mạng xã hội, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng. Nhưng vì sống trong thế giới “phẳng” và “ảo” nên rất nhiều bạn trẻ cư xử thiếu văn hóa trên facebook và các trang mạng xã hội khác. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại “câu” được nhiều “like” của người xem, kèm theo là các dòng “comment” gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa.

Giới trẻ dần quên đi cuộc sống thực mà tuyền chìm vào thế giới ảo
Không nên có cái nhìn phiến diện

Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội thời gian gần đây, nơi thu hút đông đảo thành viên đủ mọi thành phần xã hội tham gia như một địa chỉ gặp gỡ quen thuộc. Từ Yahoo, Twitter, Blogspot và đặc biệt là sự bùng nổ của Facebook. Công bằng mà nói, mạng xã hội không có tội. Sự ra đời và thịnh hành của các trang mạng này thực sự mang lại nhiều tiện ích cho công việc cũng như quan hệ của mỗi cá nhân. Mọi người dễ dàng tìm hiểu, trao đổi thông tin, chia sẻ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khi cần thiết… một cách nhanh chóng với chi phí rẻ nhất.

Một tiện ích không thể không nhắc tới đó là khả năng kết nối tuyệt vời, giúp mỗi người mở rộng phạm vi kết bạn hay tìm kiếm, liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp của mình. Nếu sử dụng có chừng mực và đúng mục đích, mạng xã hội sẽ trở thành một kênh giải trí hoàn hảo và lành mạnh mỗi khi rảnh rỗi; là địa điểm để xả stress lý tưởng.

Ứng xử với mạng xã hội

Đã có không ít ý kiến phản ứng dữ dội và yêu cầu “đóng cửa” mạng xã hội. Theo chúng tôi, để mạng xã hội tiếp tục phát huy được ưu điểm vượt trội của nó, trước hết, những thành viên của cộng đồng này nhất thiết phải xây dựng cho mình một thái độ ứng xử đẹp và sử dụng nó với mục đích nghiêm túc. Giao tiếp lịch thiệp, nhã nhặn, tôn trọng người khác là những nguyên tắc cao nhất cần phải đảm bảo.

Ngoài ra, tiết chế và kiểm soát có hiệu quả thời gian sử dụng cũng là một việc làm cần thiết, đặc biệt là với đông đảo giới trẻ, khi mà thực tế hiện tại cho thấy tầng lớp này đang quá tùy tiện và lãng phí quá nhiều thời gian.

Thay vì mải mê với thế giới ảo, hãy mở lòng với cuộc đời thực. Lúc rảnh rỗi, quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện… Bạn sẽ dần nhận thấy rằng, thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn gấp nhiều lần thế giới trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm xương máu được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.