Home » thanh niên
Giới trẻ và những trò lố trên Facebook
Facebook không chỉ mang lại sự kết nối cộng đồng mà còn có những mặt trái đằng sau khiến rất nhiều giới trẻ phạm vào.
Vừa qua, nhiều người ngỡ ngàng khi một nam thanh niên với bộ dạng lịch sự, khoe chiến tích vừa trộm được chiếc dây sạc iphone 5S lên Facebook. Trong đoạn status của mình, nam thanh niên này gọi chiếc điện thoại của mình là "em yêu" rồi liên tục có những miêu tả rất khiếm nhã về việc dây sạc có vấn đề. "May mà hôm nay chôm được cái dây cáp xịn cho em iP 5S nên cắm em có 1 lần mà pin vẫn căng đét, khi sạc không bị nóng bỏng tay, chơi game mấy vẫn mát lạnh.... Dây cáp theo máy hỏng nên dùng dây đểu khổ thế. May quá may quá."
Nghiện khoe trên mạng xã hội đã trở thành một chứng bệnh khó chữa thời gian vừa qua và chắc hẳn căn bệnh này sẽ còn ăn sâu vào thế giới của những người đang sống ảo trên mạng xã hội. Bất cứ một hành động, một hình ảnh thậm chí một việc làm đáng xấu hổ, nhưng nhiều bạn trẻ cũng vô tư đăng tải lên mạng xã hội mà không cần suy nghĩ, tính toan. Nếu như hành động "chôm" dây cáp điện thoại của thanh niên trên là có thật, thì hành động này có gì đáng để tự hào mà phải khoe lên facebook như một chiến tích hào hùng đến vậy. Không những vậy, đó còn là hành vi vi phạm pháp luật, đáng xẩu hổ và đi ngược với chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Nam thanh niên khoe chiến tích vừa "chôm" được dây sạc điện thoại iphone 5S
Khoe của trên Facebook
Hiện nay, nhiều người nhờ mạng xã hội để khoe khoang sự giàu có của mình, dù không biết trong đời thực, của cải họ đang sỡ hữu có được bao nhiêu. Những hình ảnh hàng hiệu, hình ảnh chụp khi đi ăn ở những địa điểm sang trọng, hay những chuyến du lịch "nghìn đô"...là những hình ảnh phổ biến mà nhiều người đang đăng tải lên mạng xã hội hàng ngày để khoe với cả thiên hạ biết rằng mình giàu có.
Cô gái đi ăn chụp hóa đơn, hay chàng trai mua chiếc quần hiệu Dsquared cẩn thận chụp lại từng chiếc khuy cho tới túi dustbag, bill tiền… rồi trưng lên Facebook để tìm kiếm sự "ngưỡng mộ" của bạn bè, hay đơn giản chỉ để câu like. Nhưng nó đã trở thành một căn bệnh nan y mà đang có sống đông người mắc phải. Cuộc sống ảo trên mạng xã hội khiến nhiều người bị mê hoặc.
Nam thanh niên khoe bộ sưu tập quần áo, dày giép, thắt lưng...của hãng Gucci mà được vợ tặng
Mới đây trên Facebook, anh chàng T.A lên Facebook khoe được vợ (bà xã) mua đồ hiệu tặng cho. Anh chàng cẩn thận khoe mỗi lần đi tập Gym là đi giày D&G, hôm sau lại giày Gucci do bà xã tặng. Chưa hết, anh chàng còn liệt kê từng món đồ và giá cả, kèm theo niềm tự hào khi chỉ đi tập Gym thôi mà cũng dùng toàn hãng Gucci: “Bà xã đem về cho ông xã ví Gucci 380$ và giày Gucci 445$, tổng cộng là 825$, hihi còn thiếu sợi dây nịt 295$ nữa là đủ bộ 3 Gucci nha bà xã bầu. Như vậy là tổng cộng 1120$ hihi sắp có đủ bộ rồi. Ý quên còn giỏ xách để đi Gym nữa. Thấy chồng sang không, đi Gym mà dùng hàng Gucci không à...”.
Khoe thân trên Facebook
Nếu như trước đây, những hình ảnh kín đáo được đăng lên mạng xã hội với mục đích chia sẻ khoảnh khắc cuộc sống với bạn bè, người thân, thì hiện nay trào lưu chụp ảnh khoe thân lên mạng xã hội đang khiến nhiều người lo lắng.
"Phong trào" khoe thân trên Facebook trở nên rầm rộ với nhiều cách thức khác nhau và trở thành một công cụ để nhiều bạn trẻ trở nên "nổi tiếng" mà không cần quá nhiều thời gian.
Những cô gái phút chốc trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người, được sự "quân tâm" của dư luận bởi những hình ảnh nóng bỏng được khoe trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ thường post những tấm ảnh hở hang hết cỡ, thậm chí không mảnh vải che thân, tạo dáng sexy hoặc kỳ quặc, cốt sao cho nổi bật gương mặt và đường cong cơ thể.
Mới đây nhất vào ngày 29/3, bức ảnh một nữ DJ xinh đẹp khỏa thân bên cạnh người yêu khiến cộng đồng mạng được phen dậy sóng. Sau khi bức hình được đăng tải một cách ồn ào, trên trang Facebook cá nhân, cô gái này đã xóa ảnh.
Trên trang cá nhân, cô gái có tên Tr. post nhiều ảnh chứng tỏ nghề nghiệp làm DJ trên quán bar. Bên cạnh đó là ảnh tình cảm với người yêu, không thiếu ảnh ăn mặc rất thoáng. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những hình ảnh hở hang của nhiều cô gái trên mạng xã hội. Do suy nghĩ lệch lạc hay muốn nổi tiếng một cách nhanh chóng, mà nhiếu cô gái sẵn sàng tung những bức ảnh hở hang và sẵn sàng câu like trên mạng xã hội.
Không những vậy, sở thích khoe thân trên mạng xã hội đã lan từ phái nữ sang cả nam giới. Nhiều hình ảnh khoe thân nhức mắt của các chàng trai cũng được đăng tải lên mạng xã hội Facebook khiến người xem không khỏi “ớn lạnh”.
Khoe chiến tích giết người
Dân mạng từng không ít lần sốc trước hành động khoe hành vi giết người trên mạng xã hội của những tên hung thủ máu lạnh. Nickname Kẹo mút chơi bời cũng từng khiến dư luận phải lắc đầu ngao ngán khi khoe chiến tích của mình lên mạng xã hội. Dòng tin cụ thể của Kẹo Mút Chơi Bời như sau: "Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi vào hồi 17h07… anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953."
Dư luận từng bàng hoàng trước hành vi giết người yêu rồi khoe chiến tích lên mạng của hung thủ Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, trú tại Thừa Thiên Huế). Cụ thể, chiều 13/4/2013, một nam thanh niên cầm mã tấu rượt đuổi và chém bạn gái mình hai nhát vào cổ tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Cô gái tử vong ngay tại chỗ còn hung thủ lên xe máy đi mất.
Sau khi rời khỏi hiện trường, hung thủ về nhà tắm rửa sạch sẽ và... lên facebook viết status thông báo đã giết chết người yêu cũ. Status rất dài được đăng tải đã kể lại đầy đủ chuyện tình yêu của hai người từ thời còn mặn nồng, hứa hẹn vượt qua khó khăn cho đến khi người yêu thay lòng đổi dạ. Hung thủ cũng nêu rõ việc đã nhiều lần cầu xin người yêu quay lại nhưng cô gái không chấp nhận. "Giết người mình yêu nhất cũng là giết mình... Mình tự hủy hoại người đàn bà không đáng, thế mà mình đã làm. Chào tất cả các bạn. Mai mình đi tù...".
Trước đó, trên facebook của hung thủ ngập tràn những bức ảnh rất tình cảm của hai người thời còn yêu nhau. Bên cạnh status dài hơn 500 chữ kia, hung thủ cũng viết một status khác: "Đêm tự do cuối cùng, ngày mai đi tù. Cuộc sống không như ta hằng nguyện cầu, cái gì đến đã đến. Em có lỗi với anh, anh đã trừng phạt và anh bị pháp luật trừng trị, ngày mai sẽ đối diện với công lý. Cuộc sống luôn có quả báo, những gì mình làm, thiện ác sẽ đến, gây tai ương ắt sẽ gặp tai ương. Vẫn biết là thế nhưng mình cứ đâm đầu theo vì người gây cho mình đau thương, bội bạc lại sống nhởn nhơ, hạnh phúc..."
Những kiểu khoe "ngớ ngẩn"
Khoe để đánh bóng tên tuổi, khoe để thiên hạ biết mình "hổ báo" cũng đang được nhiều bạn trẻ "ưa chuộng". Trước đó, người dân và công an tỉnh Quảng Bình đã có một phen sửng sốt với dòng đăng tải của một nickname trên Facebook: "Sau cú va quẹt giữa xe tải và ô tô hiệu Toyota Camry, thanh niên đi trên chiếc Toyota Camry đã dùng súng bắn chết tài xế và phụ xe tải rồi vứt xe bỏ chạy. Vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình)".
Rất nhanh sau đó, chủ nhân của dòng tin gây sốc này đã được xác minh. Được biết, "tác giả" của vụ việc này là một người dùng facebook có nickname Quảng Bình Quê Ta Ơi. Bằng nghiệp vụ, công an tỉnh Quảng Bình đã điều tra người đứng sau biệt danh đó và ra lệnh triệu tập.
"Thủ phạm" của đăng tải trên được làm rõ là Ngô Đình Sơn (SN 1993) trú tại 12A, Quang Trung, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Tại cơ quan điều tra, Sơn khai nhận, mục đích chính của dòng tin đó là để khoe, đánh bóng tên tuổi và để mọi người biết đến mình nhiều hơn. Sau đó, Sơn đã tự nhận ra sai lầm của mình và đăng lời xin lỗi cho hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Trước khi vụ việc này diễn ra, những hình ảnh theo kiểu khoe của, khoe xe, đồ hiệu... và cả súng cũng đã từng xuất hiện trên trang cá nhân của Sơn. Đó cũng có thể là một trong những lý do khiến cho chàng thanh niên 21 tuổi này nảy ra ý đồ khoe mẽ như trên.
Ngày 11/12/2013, chủ nhân của trang mạng cá nhân có tên "Khói thuốc..." viết lời chia sẻ: "Nào nào. Gấu đây không phải kiếm nữa nhé". Kèm theo đó là bức ảnh nam thanh niên này tạo dáng bên gấu đã bị giết, phía dưới máu chảy lênh láng.
Điều đáng chú ý, thanh niên này không chỉ đăng tải hình ảnh mà còn tag (đánh dấu) 25 người khác nhằm mục đích... khoe khoang trên mạng. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, phản đối hành động này, nhiều người khác lại đồng tình, trao đổi mua bán mật gấu, thịt gấu công khai.
Không chỉ khoe ảnh gấu đã bị giết, thanh niên còn trả lời bình luận của bạn bè: "Gấu được bắt ở rừng chứ ở đâu", "vừa ăn xong ngon quá", "không xịn không lấy tiền"... Ngay sau đó, thanh niên này tiếp tục đăng tải hình ảnh 4 chiếc răng gấu với mục đích trao đổi mua bán. Mặc dù đã có nhiều bạn bè nhắc nhở trên mạng xã hội rằng hành vi này trái pháp luật, có thể bị bắt nhưng thanh niên này vẫn không thể hiện sự quan tâm.
Hồi tháng 5/2013, một trang cá nhân với ảnh đại diện là một nữ sinh đã đăng tải dòng cảm nghĩ "nhạy cảm" gây shock với dân mạng. Cô viết "Hôm nay được biết cảm giác lần đầu tiên trên giường... cám ơn anh người đầu tiên đã cho em biết thế nào là một người đàn bà... hơi rát nhưng mà em thích lắm"...
Không biết đây là tâm sự thật của cô gái hay chỉ là một trò câu "like" quen thuộc của một anh hùng bàn phím. Tuy nhiên, dù là ai thì đưa vấn đề riêng tư, thầm kín lên khoe một cách thản nhiên, vô tư để bàn dân thiên hạ đàm tiếu, trêu đùa hay quở trách chủ nhân dại dột thì họ cũng nên xem lại mục đích bản thân.
Cách đây không lâu một chủ tài khoản mạng xã hội có tên M.Tran đã đăng một bức ảnh chụp cùng bạn gái, khi cả hai đều trong trạng thái chỉ quấn mỗi chiếc khăn tắm trên người. Họ không ngại ngần rồi ôm, hôn nhau vô cùng thân mật.
Không những vậy, tác giả còn kèm theo chú thích: "Nếu được 30k (30.000) like vc (vợ chồng) mình sẽ đăng clip đc ko (được không) vợ?". Cô gái trong bức ảnh ngày hôm sau cũng không ngại ngần đăng thêm ảnh nóng để trêu ngươi dân mạng.
Trước đó, chủ tài khoản facebook có tên C.Su đã đăng 2 bức ảnh chụp cùng người yêu, khi cả hai đều trong trạng thái bán nude, ôm hôn nhau thắm thiết. Cặp tình nhân đồng tính tung ảnh giường chiếu này khi nhận được phản hồi của bạn bè, không hề tỏ ra ngượng ngùng mà còn đối đáp lại rất vui vẻ, hào hứng.
Nhiều người cho rằng, việc khoe trên facebook đã trở thành một căn bệnh khó chữa. "Cái gì cũng đăng lên facebook, đi ăn chỗ này cũng đăng, mua được món đồ giá trị cũng đăng...họ đang sống ảo trên mạng xã hội mà không hề biết. Họ chỉ quan tâm đến bức ảnh có nhiều like, nhiều comment hay không mà không quan tâm đến việc người khác sẽ nghĩ gì về hành động của họ" bạn Hoài Lam (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Thanh niên Việt Nam 25 tuổi "gây sốt" với bức tâm thư những trăn trở của mình về tuổi trẻ
Bức tâm thư của bạn trẻ này sau khi được đăng tải lên Facebook đã tạo nên một làn sóng lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được hơn 2050 lượt like, 1000 lượt share, và hàng chục comment.... Điều gì đặc biệt làm nên một sự lan truyền nhanh và mạnh mẽ đến vậy. Các bạn hãy cùng đọc xem bài viết này để hiểu rõ hơn.
Sinh viên - bạn cần gì?
"Gửi các bạn sinh viên những trăn trở của một người trẻ tuổi.
Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so với tuổi quá.
Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!
Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.
Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”. Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”. Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên, thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt. Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!
Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.
Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao? Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền. Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.
Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay, cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,... Hay nói một cách khác là nội lực của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”, vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?
Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường. Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!
Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.
Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công.
Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,... Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!
Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?
Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.
5h sáng ngày 3/7/2012"