Home » trường học
Những điều cần biết đối với sĩ tử thi đại học lần 2
Một lần vấp ngã không có nghĩa là bạn đã bỏ cuộc, năm ngoái bị trượt đại học, bị trượt ngôi trường mà mình hằng mơ ước thì năm nay bạn hãy cứ tự tin ôn và thi lại, có công mài sắt ắt có ngày nên kim.
Chỉ còn vài tháng nữa kì thi đại học sẽ diễn ra. Ngoài những tân thí sinh chưa tốt nghiệp thì còn các sĩ tử "lão làng" của năm trước đang hồi hộp chờ đợi sự kiện trọng đại này.
Những bạn chuẩn bị thi đại học lần hai có lợi thế về kinh nghiệm và khối lượng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cạnh tranh lớn như thế này các bạn cần thận trọng thì mới có thể thành công.
Chọn trường dự thi
Hãy điền tên ngôi trường bạn mơ ước được theo học vào bản đăng kí dự thi. Điền ngành phù hợp với nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Bạn cũng cần để ý đến điều kiện dự thi và theo học của trường xem có phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân hay không.
Bạn đã chậm mất một năm so với bạn bè cùng trang lứa, vì vậy hãy đảm bảo rằng sự lựa chọn của bạn là đúng đắn. Thời gian và sức lực của bạn cần được đầu tư đúng chỗ.
Lợi thế của bạn so với tân thí sinh đó là đã được học kiến thức căn bản từ trước, vì vậy bạn cần tận dụng điều đó cho hiệu quả. Thay vì điên cuồng giải thật nhiều đề thi, các dạng bài tập khó, thì bạn hãy củng cố kiến thức cơ bản thật tốt. Ở lần thi trước bạn mắc phải sai lầm gì? Phần kiến thức nào bạn còn thiếu sót?... Hãy bổ sung ngay lập tức để không phạm sai lầm lần thứ hai.
Bạn nên nhớ rằng, đề thi đại học có tới 70% là kiến thức cơ bản, ôn tập những kiến thức này là điều kiện tiên quyết giúp bạn thành công.
Giữ tâm lý thoải mái
Tâm lý bất an chính là điểm yếu của những sĩ tử thi đại học lần thứ hai, vì vậy giữ tâm lý được thoải mái trước kì thi cũng là điều quan trọng bạn cần làm.
Thay vì ngồi lo lắng "năm nay mình lại trượt" hay "mình chưa đủ khả năng để thi vào trường đã đăng kí" thì bạn nên toàn tâm toàn ý dành thời gian cho việc ôn luyện.
Bạn cũng đừng để những vấn đề như tình yêu, việc gia đình,… chuyện riêng tư khác làm ảnh hưởng. Với cùng sức học nhưng người nào có tâm lý vững hơn sẽ dành chiến thắng.
Bạn nên bắt đầu ôn luyện từ sớm, đừng đợi “nước đến chân mới nhảy”. Kiến thức vững chắc cần có một khoảng thời gian nhất định để hình thành. Tuy nhiên bạn cũng đừng vùi đầu vào học mà hãy sắp xếp khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể không bị mệt mỏi, stress… Bạn hoàn toàn có thể đi dạo vào buổi sáng, đi chơi với bạn bè vào cuối tuần, ngủ đủ giấc và trò chuyện cùng mọi người. Đây là cách giúp bạn giữ tâm lý thoải mái để đối mặt với thử thách trước mắt.
Càng gần đến ngày thi, bạn càng phải giữ gìn sức khỏe và tinh thần. Nếu bạn ngủ ít, ăn uống thất thường, lo lắng, căng thẳng thì sẽ không đủ sức chống chọi với kì thi đâu.
Cập nhật thông tin tuyển sinh thường xuyên
Năm nay, thông tin tuyển sinh thay đổi liên tục khiến nhiều bạn hoang mang và lo lắng. Bạn cần cập nhật thông tin thường xuyên để chuẩn bị cho kì thi diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên cũng đừng quá hoang mang mỗi khi thông tin thay đổi, “thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” thôi mà.
Rèn luyện tính cẩn thận
Hãy loại bỏ ngay thói quen chỉ nháp mà không trình bày mỗi khi giải bài tập, đề thi… Có thể bạn giải ra kết quả nhưng lại không biết cách trình bày cho khoa học. Đừng để bị trừ điểm vì lỗi trình bày, điều đó thật phí phạm.
Đối với những môn trắc nghiệm, bạn hãy đánh dấu kết quả ngay khi biết câu trả lời. Đừng để đến lúc gần hết giờ bạn loay hoay lùng sục đáp số trong mớ nháp hỗn độn.
Lên kế hoạch mỗi ngày
Hãy dành 15 phút mỗi ngày để lên kế hoạch ôn tập. Đừng học "nhảy cóc" sang phần kiến thức khác khi bạn chưa ôn tập xong. Bắt đầu từ phần kiến thức bạn yếu nhất, ôn tập kĩ sau đó chuyển sang phần tiếp theo. Làm các dạng bài tập từ dễ đến khó.
Ôn tập theo kế hoạch giúp bạn tiết kiệm thời gian và hoàn thành công việc hiệu quả. Cứ lần lượt giải quyết từng phần kiến thức. Đến ngày thi nhất định bạn sẽ thấy tự tin hơn.
Vài ngày trước khi thi
Đây là thời điểm bạn nên thư giãn, củng cố tâm lý để bước vào kì thi quan trọng. Bạn tuyệt đối đừng nhồi nhét bất kỳ kiến thức nào vào đầu. Ăn uống đầy đủ, đi ngủ đúng giờ, chuẩn bị đồ dùng, giấy tờ,… để sẵn sàng bước vào phòng thi.
Trong lúc thi
Nhiệm vụ lúc này của bạn đó là cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi. Nếu giả sử môn đầu tiên không suôn sẻ như mong đợi thì bạn cũng đừng tuyệt vọng. Vì có khi những môn sau điểm của bạn sẽ tốt hơn.
Bạn đã mất cả năm để ôn luyện thì hãy vững tin đi đến bước cuối cùng.
Đại học không phải là con đường duy nhất, cuộc sống dành cho bạn rất nhiều sự lựa chọn khác. Hãy vui vẻ lên dù kết quả không được như ý. Tự thưởng cho mình một chuyến du lịch, khoảng thời gian làm những việc bạn yêu thích,… để đón nhận kết quả với tâm trạng thoải mái nhất.
Cảm động: bà nội cõng cháu đến trường hằng ngày
Đứa cháu gái bị dị tật nhưng vẫn ham học và bà nội cháu đã cõng cháu đến trường hằng ngày để cháu được học hành bằng bạn bằng bè. Những hình ảnh của bà cụ cõng cháu khiến cho cộng đồng rất xúc động.
Trong suốt 8 năm, một cụ bà người Trung Quốc đã cõng cháu gái bị dị tật tới trường và chưa một lần đi muộn. Tình thương và nghị lực phi thường của người bà khiến mọi người vô cùng xúc động.
Sau khi mạng xã hội Trung Quốc đưa tin này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, mọi người đều cảm động trước tình yêu thương của bà nội dành cho cháu gái tàn tật của mình. Bí thư đảng ủy thành phố Nghi Tân, ông Vương Minh Huy đã vô cùng xúc động sau khi biết tin. Sáng sớm ngày 16/3, ông đã chỉ đạo phòng Tuyên truyền thành phố, lãnh đạo các cấp lập tức đi điều tra tìm hiểu tình hình thực tế đồng thời đưa ra biện pháp thỏa đáng giúp đỡ gia đình khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cháu Qiu Fang Mei từ khi sinh ra đã mắc dị tật đầu gối, hàng ngày đều phải có người cõng đi lại. Khi Fang Mei 2 tuổi, mẹ em xuất giá, bố em bỏ đi nơi khác, em chỉ có thể sống dựa vào ông bà nội. Lớn lên, cô bé khao khát được đến trường như bao đứa trẻ khác. Biết được nguyện vọng này của cháu gái, bà nội 66 tuổi từ đó mỗi ngày đều cõng cháu đến trường.
Do sức khỏe của bà không tốt, mỗi ngày bà nội phải mất hơn 1 tiếng rưỡi để cõng Fang Mei đi đoạn đường 2km tới trường. Hành trình 8 năm gian khổ, nhưng hai bà cháu chưa một lần đến trường muộn.
Cân nhắc tình hình Fang Mei năm nay 14 tuổi, bà nội sức khỏe yếu, không thể ngày ngày cõng em đến trường, trước mắt chính quyền địa phương đã tìm cho gia đình Fang Mei một căn hộ nhỏ gần trường em học, đồng thời trao tặng một chiếc xe lăn để giải quyết vấn đề đi lại hàng ngày cho em.
Trong khi đó, lãnh đạo bệnh viện đa khoa thành phố Nghi Tân, Viện Trưởng Xie Ming cho biết, phía bệnh viện sẽ lập tức cử bác sĩ khoa chỉnh hình đến chẩn đoán bệnh cho Fang Mei. Khi cần thiết, có thể gửi em lên bệnh viện 301 Bắc Kinh để nhờ chuyên gia đầu ngành trong nước tư vấn khám chữa cho em.