Home » yêu đương
Sao phải thắc mắc rằng chúng tôi "ế" nhỉ?
Mọi thứ trong cuộc sống cứ quay mãi theo từng guồng một cách chóng mặt, đến nỗi chúng tôi phải sống vội vàng, gấp gáp, đến khi chợt giật mình đứng lại mới biết, mình đang cô đơn...
Nỗi cô đơn khi không tìm được điểm tựa cứ kéo đến làm những người trẻ độc thân trở nên buồn phiền suốt ngày. Khi cảm thấy mọi sức ép xung quanh sắp khiến bạn trở nên khủng hoảng. Bạn biết, mình không muốn “ế”, nhưng “ế” như thế này thì đã sao?
Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại hàng trăm lần rằng mình không muốn độc thân, chỉ là một nửa kia hoàn hảo còn chưa xuất hiện, và chúng tôi sẽ tìm được họ sớm thôi, chưa phải bây giờ, nhưng không có nghĩa là không bao giờ. Bản thân việc độc thân chẳng hề có ảnh hưởng tiêu cực gì đến xã hội, vì vậy chúng tôi không phải nhận những lời châm chọc từ bất cứ ai
Chúng tôi không muốn người khác nhìn mình bằng con mắt đánh giá một gái già, càng không muốn gia đình, bạn bè giục giã chuyện yêu đương. Đâu cứ phải muốn yêu là được, nếu cứ muốn là được, vậy tại sao bao nhiêu người vẫn cứ “ế”?
Và thế là chúng tôi vẫn cô đơn, chúng tôi “ế”, trở thành những người trẻ đã quá quen với việc đơn độc, chỉ có một mình.
Không cần mọi người hàng ngày nhắc nhở, chúng tôi vẫn biết, chúng tôi đang “ế”. Trong con mắt của mọi người có thể chúng tôi lãnh đạm với tình yêu, hoặc là những người đưa ra lắm yêu cầu cao trong tiêu chuẩn. Nhưng không, những người “ế” chúng tôi rất đơn giản, chỉ cần tìm một đối tượng phù hợp để yêu, chỉ cần rung động một chút là có thể lấy đó làm cơ hội để bắt đầu.
Chúng tôi chẳng có yêu cầu gì, chỉ cần gặp được người, có thể làm cho chúng tôi hạnh phúc, có thể yêu chúng tôi bằng một trái tim chân thật. Nhưng bây giờ bảo chúng tôi hãy chấm dứt ngay thời kỳ “ế” đi thì làm sao có thể? Vốn dĩ nhiều việc trên đời, càng cưỡng cầu thì càng khó trở thành hiện thực!
Một người có thể đưa ra hàng trăm lý do họ chấp nhận bị “ế”, cũng là bởi vì bởi quá nhiều lý do nên “ế” đã trở thành một căn bệnh từa tựa như cảm sốt, rất nhiều người mắc phải, nhưng chữa trị triệt để lại rất khó khăn.
Tôi không muốn mình “ế”, nhưng quan trọng là tôi không biết làm sao để thoát “ế”, chứ không phải là tôi cố tình biến thành trò cười trong những câu chuyện của bạn bè, thậm chí của cả người thân. ‘Ế” không đáng sợ, đáng sợ hơn là thái độ của mọi người về chuyện này.
Chúng tôi “ế”, nhưng chúng tôi đang cố tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình, hà cớ phải coi thường những người “ế”? Họ “ế”, chẳng qua cũng chỉ vì họ chưa yêu được mà thôi.
Cũng muốn yêu lắm, nhưng “ế” thì đã sao?