Đại học liệu có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công

Đại học không chỉ là con đường duy nhất để thành công. Có thể với một số người đại học là con đường hiển nhiên phải đi qua nhưng với một số những người khác thì còn rất nhiều con đường khác dẫn đến thành công mà không nhất thiêt phải vào Đại học.

Triết lý sống của mình là việc gì thì cũng luôn nhìn vào hai mặt của nó. Và đó là cách mình nhìn nhận đối với kì thi Đại học sắp tới. Có 2 kết quả: Một là đỗ Đại học. Khả năng đỗ Đại học của mình cũng không cao lắm, chỉ khoảng 50%, và kể cả có trượt Đại học, mình cũng không phải sợ vì mình sẽ học Trung cấp và đó là điều chắc chắn. Hai là trượt Đại học, tất nhiên là cũng tầm 50%. Mình không hề chui đầu vào sách vở, học ngày học đêm hay "xé sách ra ăn để kiến thức chui vào người" như các bạn khác. Mình không có ý chê bai hay khinh thường các bạn ấy, ngược lại mình còn rất ngưỡng mộ các bạn vì có ý chí học tập và định hướng tương lai tốt. Nhưng với mình, học một cách vừa đủ, đi học thêm thì vẫn đi, học bài thì vẫn học bài, chỉ là mình không dành nhiều thời gian như các bạn, có khi chưa đến nửa số thời gian học các bạn khác.

Ôn thi Đại học như chơi vậy, ngồi lướt web, chơi game, xem phim... như bình thường. Để nói thật thì mình muốn trượt Đại học hơn. Và các bạn đừng nghĩ bố mẹ mình thoải mái, nếu mình trượt Đại học thì bố mẹ mình sẽ giết chết luôn, không đùa đâu mà giết thật. Mình có một người chị và chị ấy đã trượt Đại học. Thế nên mình đã được chứng kiến hết tâm trạng của một người trượt Đại học là như thế nào. Chán nản, buồn bã, bị bố mẹ mắng chửi, và có lúc đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng chị ấy đã đứng lên và giờ đây đã có cuộc sống cho riêng mình. Và bây giờ đã đến lượt mình.


Khi cầm tờ giấy đăng kí Đại học, mình đã rất sợ hãi. Không phải vì không biết chọn trường gì mà vì mình không thể chọn trường mà mình mong muốn. Mình đã thẳng thắn nói mình muốn học trường gì, nhưng bố mẹ chỉ cười và nói rằng: "Ra chẳng có việc làm đâu". Và thế là bố mẹ mình đã tự ý đăng kí trường cho mình, và mình cũng không nói gì, vì tin vào bố mẹ.

Nhưng khi kì thi Đại Học càng đến gần, mình nhận ra rằng để cho bố mẹ quyết định cho mình là một điều sai lầm. Nhưng giờ thì đã quá muộn, trường thì cũng đã đăng kí rồi. Mình tự an ủi bản thân: "Thôi học 4 năm cho xong đi rồi ra trường mình có thể làm mọi điều mình muốn". Nhưng khi đọc bài của mấy anh chị ra trường nói rằng: "Đã quá mệt mỏi theo đuổi giấc mơ, muốn nhanh chóng một cuộc sống ổn định", mình lại rất sợ hãi, liệu tương lai của mình có giống như anh chị kia? Thế nên mình nghĩ rằng mình muốn trượt Đại học và năm sau thi lại trường mình muốn.

Khi mình kể với bạn bè, bọn bạn bảo: "Mày ngu thế, không thương bố mẹ à?", "Ra có việc làm ổn định hay mày thích làm bụi đời?", "Đỗ đại học đi cho bố mẹ vui lòng"... Thi là để cho bố mẹ, sống thế nào cho bố mẹ hài lòng? Mình thấy điều đó thật sai lầm. Cuộc sống là do chính mình quyết định, tại sao phải sống vì người khác? Mình có một ước mơ của riêng mình, nhưng nếu học trường mà bố mẹ mình mong muốn, mình sẽ phải ở nội trú và sẽ không được theo đuổi giấc mơ của mình một cách trọn vẹn. Mặc dù là rất khó khăn, nhưng mình vẫn muốn trượt Đại học hơn.

Tất nhiên một phần mình vẫn muốn đỗ đại học. Làm bố mẹ vui lòng, có cơ hội có công việc ổn định..., ai mà không thích. Nhưng không được làm những điều mình muốn thì thật đáng sợ. Rồi mình sợ một ngày mình sẽ nhụt chí, không còn sức lực theo đuổi điều mình muốn, trở thành một con người máy của xã hội và sống quãng đời còn lại chỉ để chờ chết.


Lý do mình viết bài này không phải để xin lời khuyên hay thăm dò ý kiến ở mục bình luận. Dù cuộc sống có rẽ theo hướng nào, mình cũng luôn biết mình sẽ đi về đâu. Mình viết bài này để chứng minh rằng việc trượt Đại học không phải là điều tồi tệ. Vì thế, các bạn đừng sợ và hoảng loạn như vậy. Chúng ta không bao giờ biết cuộc sống tương lai sẽ như thế nào, nhưng hãy tin rằng điều gì xảy đến với bạn đều có lý do của nó. Có thể bạn không đỗ Đại học, nhưng bạn lại có thể trở thành tỷ phú hay diễn viên điện ảnh... Điều mình muốn nói là hãy thực sự theo đuổi những gì bạn tin tưởng, đừng để người khác làm bạn nghĩ khác. Mặc dù các bạn có thể nghĩ rằng việc mình cố tình (hay vô tình) trượt Đại học là một điều ngu ngốc, nhưng mình thực sự tin rằng mình tốt đẹp hơn con đường mà bố mẹ mình đã đặt ra và có đủ khả năng để theo đuổi đến cùng điều mình muốn.

Mình viết bài bày còn để động viên những bạn cũng đang chuẩn bị bước vào kì thi căng thẳng. Bạn chỉ thành công nếu bạn tự tin vào chính mình, còn nếu bạn đang lo sợ, thắc mắc hay hoảng loạn vì sợ trượt Đại học, bạn luôn luôn có thể thi lại. Mình biết rằng học lại một năm nữa sẽ rất khổ vì cuộc đời con người rất ngắn, nhưng không ngắn đến vậy đâu. Bạn có thể dùng một năm ấy để định hướng lại cuộc đời mình, tự hỏi rằng mình thực sự muốn những gì và muốn làm gì, luôn luôn nhìn vào sự tích cực. Chúc các bạn thành công.

Sinh viên và những thói hư tật xấu khó bỏ

Quãng đời sinh viên là quãng thời gian vui và ý nghĩa nhất đối với mỗi người tuy nhiên cũng là quãng thời gian sinh ra nhiều thói hư tật xấu nhất.

Hãy cũng nhìn ra những vấn đề này để tìm cách hóa giải nó.

1. Trí nhớ kém

Sự quá tải hay áp lực sẽ khiến đầu óc trở nên “lù bù” và ảnh hưởng nặng nề đến công việc, cũng như việc học tập của bạn. Những lúc như vậy, hãy cố gắng nghỉ ngơi và thư giãn giúp bộ não trở lại tình trạng “sung sức” nhất.

2. Thói quen trì hoãn

“Thôi để mai”, “để mai tính”, “tí nữa”, “còn nhiều thời gian mà”,… là những câu nói rất quen thuộc khi bạn muốn trì hoãn một việc gì đó. Đây là thói quen khó bỏ và trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều sinh viên, học sinh.


3. Lười biếng

Lười biếng có lẽ là căn bệnh dễ mắc phải, và cũng khó chữa nhất của sinh viên và học sinh. Ai cũng hiểu lười biếng là không tốt, nhưng không phải ai cũng vượt được qua nó. Đó mới là sự nguy hiểm!

4. Nghiện điện tử, internet, thích xem tivi…

Cuộc sống càng tiến bộ, con người lại càng có nhiều thứ hấp dẫn để lựa chọn. So với những trò chơi, phim ảnh, mạng xã hội,… thì việc học vất vả hơn nhiều. Nếu không thể kìm hãm và quản lí bản thân, sẽ rất nhiều bạn trở nên học hành sa sút.

5. Khó hiểu bài

Có rất nhiều lí do khiến bạn khó tiếp thu bài giảng của thầy cô. Những lúc như thế này, bạn chỉ muốn “về nhà”, đây cũng chính là một trong những nỗi ám ảnh của sinh viên và học sinh. Một nỗi ám ảnh mà khó lòng có “thuốc trị”.

6. Dễ xao nhãng

Đang ngồi trong lớp nhưng lại để ý một chuyện đâu đâu. Hiện tượng này quá phổ biến, chắc hẳn ai cũng đã từng có lần gặp phải.

7. Khả năng tập trung ngắn hạn

Bạn đang tập trung học bài, đang rất trôi chảy, nhưng tình trạng đó chẳng được lâu, bởi bạn đang bị phân tâm bởi nhiều sự việc khác.

8. Mất tập trung

Bạn đã rất cố gắng rồi nhưng thực sự không thể tập trung được. Nguyên nhân thì vô vàn, và lời khuyên giống như “bệnh” trí nhớ kém, bạn nên nghỉ ngơi.

9. Sợ thi cử

Chắc chắn phải có đến quá nửa sinh viên dù ở bất cứ nơi đâu, hay quốc gia nào cũng sợ thi cử hay ít nhất là chẳng thích thú với thi cử.

10. Hay phạm lỗi do bất cẩn

Sự bất cẩn đôi khi xảy ra những hậu quả không hề nhỏ. Giải pháp là bạn cần cẩn trọng hơn trong mọi việc.

11. Chịu áp lực từ gia đình

Học cho bản thân chứ đâu phải học cho gia đình. Ai cũng biết vậy, nhưng bạn thử bị đuổi học hay phạm lỗi gì ở trường, bạn có thể gây ra tội lớn. Đó là áp lực từ gia đình và còn nhiều những tình huống khác.

12. Có quá nhiều thứ để học và có quá ít thời gian

Có lý luận cho rằng “chỉ những người không biết sắp xếp thời gian mới bận rộn”. Điều này không sai, nhưng đôi khi nó không hợp lí. Rất nhiều khi chỉ trong một tuần và tất cả các môn học đều có bài tập dài và quan trọng thì tất nhiên bạn sẽ có lúc bị rối bù lên.


13. Không có động lực để học

Chán nản, chẳng còn tâm trí để bận tâm đến học hành. Đó là căn bệnh không hiếm gặp trong đời học sinh, sinh viên nếu như không muốn nói rằng, ai cũng mắc phải. Áp lực đôi khi cũng khiến bạn có động lực để học.

14. Dễ dàng bỏ cuộc

Có rất nhiều yếu tố khiến bạn không kiên trì với mục tiêu của mình. Nguyên nhân là vì bạn không thấy thích thú, vì không có được mục tiêu đủ hấp dẫn.

15. Không thích thú với nội dung bài giảng

Đây có lẽ là tình trạng phổ biến nhất của sinh viên, học sinh. Mỗi người lại có một sở thích với những môn học riêng và ngược lại cũng có "sở ghét". Khi học môn không thích thì chẳng còn tâm trạng nào nghe giảng.

16. Không ưa thầy (cô) đang giảng

Không thích thầy cô có nhiều nguyên nhân, như: từng bị cô phạt, từng bị điểm kém, hay đơn giản vì “ghét cái thái độ,… hay cũng có thể vì cách dạy của thầy cô không hợp với bản thân… Ai cũng biết, không ưa thầy cô là không tốt nhưng không phải ai cũng tránh được.

Đọc vị ra các vấn đề “khó nhằn” không chỉ của sinh viên, học sinh Việt nam mà còn là của cả thế giới để mỗi chúng ta có thể biết được và có những phương pháp riêng để khắc phục.

Học cách sắp xếp, quản lý thời gian hiệu quả

Mỗi giây mỗi phút trôi qua đều là thời gian vàng bạc do vậy bạn cần quản lý, có kế hoạch thật tốt cho thời gian để không phải luyến tiếc khi mình đã bỏ lỡ quãng thời gian vô nghĩa.

Thời gian là vàng là bạc, để quản lý và sử dụng tốt quỹ thời gian của bạn hãy thử một vài tip sau đây.

Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn cảm thấy rối tung lên vì không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau? Hay cảm thấy những công việc quan trọng sắp đến deadline rồi mà mọi thứ vẫn chả đâu vào đâu? Bạn lúc nào cũng mong một ngày có thêm 24 tiếng nữa để làm tất cả mọi việc? Nếu bạn nói có, thì bài viết này là dành cho bạn đấy.

1. Tập cách lên kế hoạch một cách cụ thể

Có thể bạn đã biết cách lên kế hoạch, nhưng chưa chắc chúng đã cụ thể. Cụ thể tức là bạn phải đo lường được, viết ra được và có thể đạt được. Phải có thời hạn rõ ràng và mục tiêu cho từng việc. Ví dụ bạn có bài thảo luận cần làm xong trong một tuần, thì bạn phải xem sẽ thực hiện nó trong mấy buổi, mấy tiếng mỗi buổi, mỗi buổi phải làm được những phần nào, thêm một chút thời gian dư ra đề phòng có việc đột xuất khiến bạn bị chậm trễ ở một phần nào đó. Và cố gắng hoàn thành mọi thứ đúng kế hoạch.

2. Sắp xếp các công việc theo thứ tự tầm quan trọng

Ưu tiên dành cho các công việc có tầm quan trọng cao hơn, phân biệt những việc phải hoàn thành ngay lập tức, những việc phải hoàn thành sớm, những việc hoàn toàn không khẩn cấp.

Ưu tiên những lúc làm việc hiệu quả nhất cho những công việc khó và quan trọng đối với bạn. Lưu ý đó là những việc quan trọng chứ không phải là những việc khẩn cấp. Đó là những việc tạo ra giá trị và lợi ích cho bạn nhiều nhất, khi đó bạn sẽ có thời gian để tư duy sáng tạo nhiều hơn. Nếu thực hiện tốt, bạn sẽ không phải lâm vào tình trạng những công việc khẩn cấp.

3. Cố gắng "delete" thói quen chần chừ

Thói quen này đích thị là “kẻ đánh cắp thời gian” một cách kinh khủng nhất.

Trước hết bạn phải hiểu được nguyên nhân tại sao bạn chần chừ? Bạn hay chần chừ trong những công việc nào rồi bạn sẽ có cách khắc phục nó. Bạn phải nhớ rằng đừng bao giờ đợi đến thời khắc thuận tiện rồi mới chịu bắt tay vào công việc. Nếu việc gì bạn bắt buộc phải làm, hãy làm chúng trong lúc bạn có hứng nhất, thời gian rảnh rỗi nhất và cố gắng hoàn thành chúng một cách nhanh nhất.


4. Tranh thủ thời gian để làm những việc vặt, dễ dàng

Không nên dành quá nhiều thời gian cho những công việc đơn giản và dễ dàng ví dụ như việc lấy quần áo, giặt quần áo, rửa bát, tắm rửa, nghe nhạc, đọc báo... Bạn có thể làm chúng vào những lúc thư giãn như chiều tối, trưa... Có thể kết hợp đọc báo với xem phim, tắm rửa tiện thể cọ toa lét luôn chẳng hạn. Sẽ tiết kiệm được thời gian hơn khi bạn làm chúng một cách rải rác.

5. Cuối cùng, để luôn có thể tập trung 100% cho những việc quan trọng, hãy nhớ...

Khi bạn cảm thấy bận rộn đến mức không thở được nữa thì việc đầu tiên bạn nên làm là nên nghỉ ngơi và thư giãn một chút. Bạn luôn cần sức khỏe và sự minh mẫn để giải quyết mọi việc. Thời gian nhìn lại mọi việc cũng quan trọng, chúng giúp bạn lên kế hoạch tốt hơn. Hãy học cách bỏ ra khỏi đầu những việc chưa cần thiết phải làm (chỉ cần bạn ghi chúng vào sổ tay, bạn sẽ nhớ đến chúng khi xem lại thôi). Khi làm một việc, hãy cố gắng thật tập trung vào chúng, giống như ngăn cách những khoảng thời gian làm việc này với các việc khác bằng một bức tường để khỏi bị rối nhiễu tâm trí.

Thời gian xóa nhòa những nỗi đau


Là vì thời gian trôi qua như một quy luật hà khắc của tự nhiên và nhắn nhủ với ta rằng, cuộc đời này vẫn đang xoay chiều, con người vẫn thay đổi hằng ngày, tình cảm cũng đi theo quy luật của riêng nó mà thôi.

Sau chia tay, chuyện tình buồn kết thúc, ta thu mình vào những vỏ ốc vô hình, gắng sức bao bọc lấy trái tim có nhiều vết xước.

Có người có thể đeo cho mình một chiếc mặt nạ hoàn hảo, trong tay với những yêu thương mới. Những mối quan hệ vội vàng chóng vánh, trái tim lại trở nên nhàu nhĩ đau thương.

Có người tránh né thực tại, phủ nhận cảm xúc, kết bạn với cô đơn, chuyện yêu đương nằm bên lề cuộc sống.
Chúng ta có thể nhớ rất lâu những nỗi đau mình phải gánh lấy, nhưng lại nhớ rất mờ nhạt việc ta đã yêu nhau như thế nào. Việc tránh né mãi mãi là lựa chọn cho những người yếu đuối, xu hướng lảnh tráng vết thương không giúp vết thương lành da mau hơn, chỉ khiến mỗi người trong chúng ta trở nên khô héo, cằn khô hơn trong chính mảnh đất màu mỡ yêu thương của mình.

Chúng ta chỉ được sống một lần trong cõi đời này, cũng chỉ có một lần trải qua thời xuân trẻ. Chúng ta còn lướt qua quãng đời của bao nhiêu người xa lạ khác. Và cũng bấy nhiêu người xa lạ chen chân vào cuộc sống của ta. Vì vậy, mọi thứ vẫn theo quy luật của tự nhiên, người đến sẽ đến và người đi sẽ ra đi khi cần. Chúng ta có thể gắng gượng níu kéo một ai đó, nhưng không thể thay thế họ đưa ra quyết định.


Ai đó từng nói thời gian là liều thuốc màu nhiệm nhất, có thể xóa mờ nỗi đau. Vậy thì hãy tận dụng lấy liều thuốc ấy cho vết thương của mình. Năm tháng trôi qua, kỷ niệm trở nên cũ kỹ, tim yêu dành cho một người không còn nhiều thổn thức, nước mắt cũng không thể khóc than vì một người đã xa.

Cuộc sống vốn dĩ nhiều hơn một chữ “yêu”. Là bởi còn tồn tại những mong, nhớ, giận hờn, thương và yêu đi liền một dạ, là cả quý mến và chân thành thẳng thắn. Đừng vì những điều không hay xảy ra ở quá khứ mà vội gạt bỏ đi một tương lai còn nhiều mới mẻ sắp diễn ra.

Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời, rằng ai sẽ là người ở lại, ai sẽ là người ra đi, ai sẽ là người yêu thương ta thật lòng thật dạ. Thời gian cũng sẽ trả lời, rằng nỗi đau đang rỉ máu có đáng để ôm ấp khờ khạo hay không, niềm hạnh phúc của tương lai có đáng để chờ đón hay không…

Nói cách khác, thời gian lắm lúc vô tình nhưng đôi khi hữu ý. Là vì những năm tháng trôi qua như một quy luật tự nhiên nhắc nhớ chúng ta rằng, cuộc đời này vẫn đang chuyển động, dòng người vẫn trôi, tình cảm cũng đi theo quy luật của nó. Hãy để những chuyện buồn của quá khứ trôi qua, bị mài mòn bởi những vệt thời gian già cỗi. Hãy để vết thương trong tim mềm say ngủ, chỉ nên đánh thức những gì tươi mới và hứng khởi cho cuộc sống của ta mà thôi.

Dành cho những ai vừa trải qua nỗi đau tình cũ, những ai còn vấn vương một chuyện buồn chưa vơi. Dành tặng họ một guồng quay thời gian mới mẻ, với những điều ắp đầy hy vọng. Chỉ cần gieo niềm tin:

… Năm tháng có thể mài mòn những nỗi đau!